Tỉnh cơn lỗ dài hạn, Halico lần đầu báo lãi bán niên sau 9 năm
Lần đầu tiên sau 9 năm dài thua lỗ triền miên, CTCP Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico, UPCoM: HNR) ghi nhận lãi ròng bán niên 2025 đạt gần 700 triệu đồng. Tuy nhiên, động lực phục hồi đến từ khoản lợi nhuận thanh lý tài sản, trong khi doanh thu vẫn chưa thể bù đắp chi phí cố định.
Thành tích lãi bán niên chủ yếu đến từ quý đầu năm, khi Halico lãi ròng gần 800 triệu đồng, cao hơn 1.5 lần so với quý 1/2024 - quý duy nhất có lãi trong giai đoạn 2016-2024.
Trong quý 2/2025, Công ty trở về trạng thái lỗ với con số hơn 75 triệu đồng, dù đã cải thiện đáng kể so với mức lỗ gần 3 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
![]() |
Doanh thu bán niên 2025 đạt hơn 64 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ 2024, cao nhất 9 năm qua. Nhờ giá vốn giảm, lãi gộp tăng mạnh 43%, đạt hơn 25 tỷ đồng. Biên lãi gộp cũng được cải thiện rõ rệt, lên 39.2% từ mức 30.7% nửa đầu năm 2024.
Dù vậy, gánh nặng chi phí cố định tiếp tục là rào cản lớn. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt hơn 15.4 tỷ đồng và 13.5 tỷ đồng, khiến Halico lỗ thuần gần 800 triệu đồng. Doanh nghiệp chỉ có thể ghi nhận lãi ròng nhờ khoản lợi nhuận khác gần 1.5 tỷ đồng phát sinh từ thanh lý tài sản trong quý đầu năm.
So với kế hoạch năm 2025 dự kiến lỗ hơn 8 tỷ đồng, kết quả lãi nửa đầu năm là tín hiệu tích cực hơn dự kiến. Doanh thu bán niên cũng đạt hơn 55% kế hoạch cả năm (116.5 tỷ đồng).
Dù vậy, Halico vẫn đang đối mặt khoản lỗ lũy kế khổng lồ hơn 465 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2025, cao hơn 34% vốn chủ sở hữu.
Chuỗi thua lỗ đỉnh điểm kéo dài từ 2016-2024 của Halico | ||
Tổng tài sản Halico cuối quý 2 tăng nhẹ so với đầu năm, ở mức hơn 375 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn gồm tiền gửi ngân hàng hơn 129 tỷ đồng, hàng tồn kho 128 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ phải trả hơn 27 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản thuế và phải nộp Nhà nước (chiếm 58%). Đáng chú ý, Halico tiếp tục không có vay nợ tài chính.
Trên thị trường UPCoM, cổ phiếu HNR không có giao dịch, đứng yên ở mức 12,000 đồng/cp suốt từ năm 2019 đến nay.
Halico là doanh nghiệp có lịch sử hơn 1 thế kỷ, tiền thân là nhà máy rượu Hà Nội do người Pháp xây dựng từ năm 1898. Từng thống lĩnh thị trường rượu phía Bắc và là nhà sản xuất Vodka lớn nhất Việt Nam vào thập niên 2000. Halico bắt đầu trượt dốc sau vụ bê bối buôn lậu rượu năm 2012 khiến nhiều lãnh đạo bị truy cứu trách nhiệm hình sự và hoạt động kinh doanh suy giảm nghiêm trọng. Với vốn điều lệ hiện ở mức 200 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông Halico cực kỳ tập trung khi gần như toàn bộ vốn (99.86%) thuộc sở hữu của 2 tổ chức, gồm Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, BHN) nắm 54.29% và Tập đoàn đồ uống Diageo (sở hữu Johnnie Walker, Smirnoff…) nắm 45.57%. |
Thế Mạnh