Tin tức
Tốc độ tăng trưởng có thể cao hơn, nếu…

Tốc độ tăng trưởng có thể cao hơn, nếu…

05/10/2005

Banner PHS

Tốc độ tăng trưởng có thể cao hơn, nếu…

Ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội cho rằng, nếu khai thác tốt các tiềm năng và lợi thế, tốc độ tăng trưởng sẽ không chỉ dừng lại ở mức 8,3%...

Ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội cho rằng, nếu khai thác tốt các tiềm năng và lợi thế, tốc độ tăng trưởng sẽ không chỉ dừng lại ở mức 8,3%.

 

Thưa ông, từ đầu năm đến nay, nền kinh tế của chúng ta đã phải đối mặt với những khó khăn, thách thức gì?

 

Năm 2005, cả nước gặp nhiều khó khăn, hạn hán diễn ra gay gắt trên diện rộng; bão, lũ xảy ra ở nhiều nơi, gây hậu quả nặng nề; dịch cúm gia cầm tái phát và diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu điện, tình trạng tăng giá xăng dầu, giá nhiều vật tư, nguyên liệu, hàng hóa thiết yếu, quan trọng đã tạo lập mặt bằng giá mới, tác động bất lợi đến sản xuất, đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế, đến đời sống nhân dân và nhiều mặt hoạt động xã hội...

 

Trong tình hình này, nền kinh tế của chúng ta đã tăng trưởng ra sao, thưa ông?

 

Tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 8,3% (kế hoạch là 8,5%), cao nhất trong 5 năm qua; tổng kim ngạch xuất khẩu ước tăng 17% (kế hoạch là 16,2%); tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 37,7% GDP (kế hoạch là 36,5%)... Điều đó đã chứng minh chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước ta là đúng đắn và cũng đã chứng minh được tiềm năng lớn của đất nước ta trong việc phát huy nội lực và lợi thế để vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển bền vững.

 

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nhịp độ tăng trưởng kinh tế năm nay chưa đạt mức đề ra và chất lượng chưa cao. Ông có bình luận gì về ý kiến trên?

 

Đúng là tốc độ tăng trưởng 8,3% tuy là một cố gắng lớn, song với tốc độ này, chúng ta vẫn chưa đạt được mức tăng trưởng bình quân 5 năm (2001 - 2005) do Đại hội Đảng lần thứ IX đề ra là 7,5%/năm.

 

Nhiều ngành, nhiều lĩnh vực tiếp tục phát triển khá, nhưng nhìn chung, đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng vẫn là vốn và lao động; trong khi đó, hàm lượng khoa học - công nghệ trong sản phẩm, trong nền kinh tế còn ít, năng suất lao động xã hội thấp...

 

Phải chăng là do chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế?

 

Đúng! Thời gian qua, nhiều nhân tố kinh tế - xã hội rất thuận lợi đã được tạo lập, nhưng chúng ta vẫn chưa được khai thác và sử dụng có hiệu quả, hoặc còn để lãng phí, nhất là nguồn lực lao động, tài nguyên khoáng sản, đất đai, vốn, tài sản của Nhà nước và trong xã hội.

 

Theo tôi, nếu khai thác tốt các nhân tố trên thì tốc độ tăng trưởng, chất lượng tăng trưởng kinh tế có thể đạt cao hơn.

 

Ông có thể nói rõ hơn về những tồn tại nêu trên?

 

Cụ thể là nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp phát triển chưa vững chắc, giá trị gia tăng còn thấp, mới chỉ đạt 3-4%. Cơ cấu nhiều cây trồng, vật nuôi chưa định hình rõ nét, còn phát triển tự phát, thiếu chủ định, còn lúng túng trong các chiến lược dài hạn, đặc biệt trong phát triển cây công nghiệp, vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, nuôi trồng thủy sản. Phát triển công nghiệp thì chưa thực sự theo quy hoạch, chưa rõ về chiến lược và lộ trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

 

Cho đến nay, trình độ công nghiệp Việt Nam vẫn lạc hậu so với các nước trong khu vực, vẫn phát triển dàn trải, nặng về gia công, lắp ráp, làm thuê. Bên cạnh đó, tốc độ phát triển dịch vụ còn thấp, chất lượng dịch vụ chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng của lĩnh vực này và yêu cầu phát triển của nền kinh tế.

 

Đó có phải là do cơ chế phân phối và sử dụng các nguồn lực, các lợi ích kinh tế chưa phải là động lực cho sự phát triển?

 

Mặc dù Nhà nước đã đổi mới nhiều cơ chế quản lý, điều hành ngân sách nhà nước, xóa bỏ tình trạng xin - cho, đổi mới cơ chế phân phối thu nhập, chế độ tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, chế độ phụ cấp gắn với công việc, trách nhiệm và chất lượng lao động, nhưng về tổng thể vẫn thiếu sự công bằng. Nguồn lực và ngân quỹ vẫn bị lãng phí, có nơi vẫn duy trì và kéo dài cơ chế xin - cho, tạo môi trường, cơ hội cho tệ nạn cửa quyền, tham ô, tham nhũng.

 

Bên cạnh đó, thu nhập của người lao động, của một bộ phận lớn dân cư chưa phản ánh đúng kết quả lao động, kết quả làm ăn chân chính, chưa hoàn toàn gắn với năng lực, trình độ, chất lượng công tác. Một phần thu nhập quốc dân vẫn được phân phối không chính thức thông qua các hành vi vụ lợi, gian lận, đầu cơ, bớt xén, mua bán lòng vòng hoặc phân phối bình quân cào bằng dưới nhiều hình thức. Vì vậy, trên một khía cạnh nào đó đã ảnh hưởng đến sự tăng trưởng chung của đất nước.

Đầu tư

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh
(cũ: Phường Tân Phú, Quận 7)

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng