TP.HCM lên kế hoạch xử lý pin xe điện sau sử dụng
Tại họp báo cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM chiều 24/7, ông Lê Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM – đã làm rõ những lo ngại liên quan đến rác thải pin khi Thành phố triển khai đề án chuyển đổi 400,000 xe máy xăng của tài xế công nghệ và giao hàng sang xe điện.
![]() Ông Lê Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm tư vấn ứng dụng kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM thông tin tại họp báo.
|
Xây dựng kế hoạch tái chế và kéo dài tuổi thọ pin
Ông Hải cho biết, trong quá trình nghiên cứu và đề xuất giải pháp cho đề án, nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu sâu về các vấn đề liên quan đến pin xe điện. Hiện nay, Việt Nam đã có một nhà máy sản xuất pin xe điện đặt tại Hà Tĩnh, với quy mô đầu tư hơn 6,000 tỷ đồng. Nhà máy này đã ký kết hợp tác với một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực tái chế pin xe điện là Li-Cycle. Nội dung hợp tác bao gồm: (1) cung cấp các giải pháp tái chế pin; (2) nghiên cứu khả năng đầu tư hệ thống tái chế tại Việt Nam khi thị trường bắt đầu xuất hiện lượng pin hết vòng đời sử dụng; và (3) trong trường hợp chưa đầu tư được trong nước, đơn vị tái chế sẽ sử dụng công nghệ của họ tại khu vực Đông Nam Á hoặc toàn cầu để xử lý pin do nhà máy tại Hà Tĩnh sản xuất.
Bên cạnh đó, ông Hải nhấn mạnh rằng trong pin xe điện chứa nhiều kim loại quý như lithium, cobalt và mangan nên việc tái chế để thu hồi các nguyên liệu này là hết sức cần thiết. Khả năng tái chế phụ thuộc vào công nghệ, và hiện nay công nghệ tái chế pin đã phát triển mạnh, cho phép thu hồi đến 90–95% vật liệu trong pin. Khi nhu cầu sử dụng xe điện và pin tăng lên, nhu cầu nguyên liệu để sản xuất pin cũng sẽ tăng theo, do đó việc tái chế càng trở nên cấp thiết và nhận được sự quan tâm của cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý.
Ngoài ra, hiện nay nhiều doanh nghiệp cũng đang đầu tư vào các giải pháp kéo dài tuổi thọ pin ngay trong quá trình sản xuất. Đồng thời, một số giải pháp sáng tạo về “vòng đời thứ hai” của pin cũng được nghiên cứu, như sử dụng pin đã qua sử dụng trong xe điện để làm thiết bị lưu trữ điện cho nhà máy năng lượng mặt trời, cho bộ phận dự trữ điện tại các nhà máy ở vùng nông thôn, hoặc tái chế thành tấm pin thu năng lượng mặt trời. Các công nghệ này đang tiếp tục được phát triển và đã chứng minh được hiệu quả và có tính khả thi trong thực tế.
Mục tiêu xây dựng trung tâm tái chế pin với công suất 3,000 tấn/năm
Về đề án chuyển đổi 400,000 tài xế công nghệ và giao hàng từ xe xăng sang xe điện, ông Hải cho biết đề án có đặt mục tiêu xây dựng trung tâm tái chế pin với công suất khoảng 3,000 tấn/năm, có khả năng thu hồi 90–95% kim loại quý từ pin đã qua sử dụng. Nếu nhà máy tái chế này đáp ứng được các tiêu chuẩn nhất định, có thể sẽ được Nhà nước hỗ trợ, chẳng hạn như cho vay ưu đãi hoặc sử dụng Quỹ bảo vệ môi trường để tài trợ.
Ông cũng thông tin thêm, theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, từ ngày 01/01/2024, các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp pin ra thị trường phải nộp phí tái chế. Trong đó, doanh nghiệp có nhà máy tái chế được phép nợ khoản phí này và có trách nhiệm thu hồi, xử lý pin đã thải bỏ. Doanh nghiệp không có cơ sở tái chế sẽ phải nộp phí môi trường để Nhà nước sử dụng khoản thu đó hỗ trợ ngược lại cho các đơn vị tái chế đủ điều kiện.
“Chúng tôi mong muốn trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ có các trung tâm và nhà máy tái chế pin đạt chuẩn, góp phần giảm thiểu rủi ro môi trường và phát triển công nghiệp xanh.
Về mặt quản lý, chúng tôi đề xuất giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch tái chế pin chi tiết. Kế hoạch này cần bao gồm các quy trình xử lý pin cũ, áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành ngay từ đầu, đảm bảo hoạt động thu gom và tái chế minh bạch, rõ ràng và được giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng pin thải ra môi trường không kiểm soát,” ông Hải nhấn mạnh.
Khang Di