Triển khai gói kích cầu đợt 2 trong 6 tháng đầu năm 2010
Ngày 25.9, Văn phòng UBND TPHCM đã thông báo kết luận chỉ đạo của Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Đức Thúy và Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân về quá trình triển khai thực hiện gói kích cầu đợt 1 năm 2009 của Chính phủ và lấy ý kiến về việc tiếp tục thực hiện gói kích cầu bổ sung vào năm 2010.
Theo báo cáo của Văn phòng UBND TPHCM về thực hiện chương trình kích cầu của Chính phủ thông qua việc cho vay cấp bù lãi suất (4%/năm) đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đến cuối tháng 8.2009, tổng dư nợ cho vay cấp bù lãi suất trên địa bàn đạt hơn 80.222 tỉ đồng, chiếm gần 20% tổng dư nợ hỗ trợ lãi vay cả nước và chiếm 15% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn.
Trong đó, cho vay ngắn hạn đạt 75.799 tỉ đồng, chiếm 94,5% trong tổng dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất; cho vay trung dài hạn đạt 4.252 tỉ, chiếm 5,2% và cho vay theo Quyết định 579 đạt 171 tỉ đồng, chiếm 0,2%. Lãi vay hỗ trợ là 1.640 tỉ đồng.
Chương trình đã tạo điều kiện để dư nợ tín dụng trên địa bàn TPHCM đạt 647,7 ngàn tỉ đồng, tăng 28,8% so với cuối năm 2008 và tăng 33,6% so với cùng kỳ, góp phần đáp ứng nhu cầu vốn cho các thành phần kinh tế trong điều kiện khủng hoảng kinh tế. Theo đó, gói kích cầu thứ nhất đã phát huy tác dụng nhưng trên thực tế có nhiều điểm chưa đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của chủ trương chống suy giảm kinh tế.
Hầu hết các ý kiến đều ủng hộ tiếp tục triển khai gói kích thích kinh tế bổ sung như là biện pháp hỗ trợ thêm cho nền kinh tế nhằm tạo bước đệm, tránh chấm dứt đột ngột khi gói kích cầu thứ nhất hết hiệu lực vào ngày 31.12. 2009.
Nếu triển khai gói kích thích kinh tế bổ sung cần phải chọn lọc hơn, chỉ ưu tiên hỗ trợ những ngành, lĩnh vực trực tiếp sản xuất tiêu thụ trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Thời hạn triển khai có thể trong một hoặc hai quý đầu của năm 2010; với mức hỗ trợ thấp hơn 4%, có thể là 2-3%/năm cho 6 tháng đầu năm 2010 để các DN thích nghi dần với việc tự vượt qua khó khăn để tồn tại, phát triển. Ngoài ra, gói kích thích kinh tế bổ sung nên đặt trọng tâm vào chính sách tài khóa (chính sách thuế, tài chính, ngân sách...) và cải cách hành chính nhằm làm cho chính sách dễ đi vào hoạt động kinh doanh của DN.
M.Thoa
Lao Động