Trung Quốc – Châu Phi: Ẩn họa sau những hợp tác bạc tỉ
Diễn đàn hợp tác Trung Quốc và châu Phi lần thứ tư được tổ chức trong hai ngày 8 và 9.11 tại thành phố biển Sharm el-Sheikh của Ai Cập. Diễn đàn đã kết thúc với những cam kết tiền tỉ, nhưng đằng sau những khoản tiền khổng lồ là những lo lắng cũng to lớn không kém.
Sau phiên họp cuối cùng của diễn đàn Hợp tác Trung Quốc và châu Phi lần thứ tư (FOCAC 4) vào hôm 9.11, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố sẽ cho các nước châu Phi vay 10 tỉ USD với lãi suất thấp, đồng thời cam kết cắt giảm thuế hải quan đến 95% mặt hàng mà Trung Quốc nhập khẩu từ các nước châu Phi đã có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Khoản hỗ trợ 10 tỉ USD sẽ được giải ngân trong ba năm tới để phát triển hạ tầng và thực hiện các chương trình xã hội ở châu Phi. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn xoá nợ cho một số nước nghèo nhất châu Phi. Cũng theo ông Ôn Gia Bảo, 100 dự án năng lượng sạch sẽ được triển khai ở lục địa đen.
Giúp đỡ tiền tỉ
Nhìn lại ba năm trước, ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì cho biết, các cam kết của nước này tại FOCAC 3 đã được thực hiện đầy đủ. Đó cũng là những các cam kết tiền tỉ, trong đó Trung Quốc hỗ trợ khoản vay lãi suất thấp và các gói hỗ trợ trị giá 5 tỉ USD giải ngân đến năm 2009 và việc giảm hoặc xoá nợ cho 31 nước châu Phi.
Các kỳ FOCAC đã mang lại những hiệu quả to lớn. Thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi trong năm 2008 đạt 107 tỉ USD, tăng 45% so với năm 2007, và tăng gấp 20 lần so với năm 1999, và tăng 10 lần trong tám năm qua. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Phi đã tăng mạnh trong 5 năm qua, từ 491 triệu USD năm 2003 lên 7,8 tỉ USD năm 2008. Trung Quốc cũng tăng cường hỗ trợ các nước trong khu vực xây dựng trường học, bệnh viện, cấp học bổng cho sinh viên du học tại Trung Quốc.
Nhưng vẫn bị chỉ trích…
Tuy nhiên, đằng sau những con số tiền tỉ là hàng loạt các chỉ trích. Năm ngoái, các nhà làm luật của Liên minh châu Âu đã chỉ trích việc Trung Quốc tăng cường quan hệ với các nước châu Phi chỉ để tranh thủ khai thác hay mua năng lượng và nguyên liệu thô. Mô hình nguyên liệu thô được đưa sang Trung Quốc và sản phẩm Trung Quốc bán tràn ngập châu Phi cũng đã khiến nhiều nhà lãnh đạo ở châu Phi tức giận. Hồi tháng 9, phó thủ tướng Zimbabwe Arthur Mutambara từng phát biểu trên thời báo Zimbabwe: “Chúng tôi chán ghét mô hình cũ Trung Quốc đến châu Phi bòn rút nguyên liệu thô rồi trở về Trung Quốc”.
Với việc tăng gấp đôi các khoản hỗ trợ tài chính cho châu Phi, Trung Quốc muốn chứng tỏ nước này tăng cường hợp tác với châu Phi không chỉ nhằm mua được các nguồn tài nguyên giá rẻ. Mối quan tâm của Trung Quốc ở châu Phi “không phải là những gì mà các bản báo cáo của phương Tây mô tả, rằng Trung Quốc đến châu Phi chỉ vì năng lượng” Thủ tướng Ôn Gia Bảo trả lời phỏng vấn các phóng viên Trung Quốc tại diễn đàn vào hôm thứ bảy.
… Vì môi trường
Năm ngoái, Trung Quốc đầu tư 9 tỉ USD vào xây dựng cơ sở hạ tầng ở Congo để đổi lại việc được khai thác các mỏ khoáng sản ở đây. Các khoản tiền lớn từ Trung Quốc đổ vào châu Phi thường tập trung vào các ngành nhạy cảm với môi trường như dầu khí, khai khoáng, thuỷ điện và khai thác rừng. Theo báo cáo của tổ chức International Rivers (IR), các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thường phục vụ cho các dự án của những ngành này. Các gói đầu tư chủ yếu là về đường sá, đường sắt, mạng lưới điện. Các nhà đầu tư Trung Quốc đang phát triển các dự án vào các vùng sâu vùng xa, các khu vực từng được bảo vệ nghiêm ngặt như các khu bảo tồn quốc gia. Cũng theo nhận xét của IR, dự án về cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc triển khai thường gắn liền với các dự án về khai thác khoáng sản.
Ngay trong lĩnh vực năng lượng thay thế, phần lớn các dự án Trung Quốc triển khai ở châu Phi là những nhà máy thuỷ điện, vốn gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, chẳng hạn như đập Belinga Dam in ở Gabon, đập Bui ở Ghana, đập Gibe 4 ở Ethiopia… đều gây ảnh hưởng đến các công viên quốc gia, các khu di sản thế giới hay các khu bảo vệ tự nhiên.
Môi trường vì thế trở thành một trong những chủ đề chính trong nghị trình thảo luận của FOCAC 4. Tuy nhiên so với các nỗ lực khác, những hợp tác về môi trường dường như chưa tương xứng. “Các nỗ lực (của Trung Quốc tại châu Phi) bao gồm cung cấp các thiết bị khai thác năng lượng mặt trời… cũng như công nghệ biogas, các nhà máy thuỷ điện nhỏ”, ông Trần Đức Minh, bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cho biết như thế tại FOCAC 4.
Hùng Khương
Sài Gòn Tiếp thị