Trung Quốc trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất sang Eurozone
Theo số liệu chính thức của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), Trung Quốc đã vượt Anh trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất vào khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong 9 tháng đầu năm 2007, tạo nên sự cạnh tranh gay gắt mà các nhà sản xuất châu Âu đang phải đối mặt.
Eurostat cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2007, hàng hóa mà Eurozone nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 123 tỷ euro, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2006, trong khi hàng hóa mà khu vực này nhập khẩu từ Anh giảm 2% so với cùng kỳ năm 2006 xuống 122,3 tỷ euro. Con số này có thể làm dấy lên sự lo ngại về tình trạng thâm hụt thương mại giữa châu Âu với Trung Quốc ngày một tăng và những nguy cơ do đồng euro mạnh gây ra.
Trước đó, trong chuyến công du đến Bắc Kinh (Trung Quốc) hồi tháng 11/07, Thủ tướng Lúcxămbua Jean-Claude Juncker, người chủ trì hội nghị Bộ trưởng tài chính Eurozone, khuyến cáo chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch có thể gia tăng ở châu Âu nếu Trung Quốc không tăng giá đồng NDT so với USD.
Các chuyên gia kinh tế thừa nhận tầm quan trọng ngày càng tăng của Eurozone như một thị trường đối với các nhà sản xuất châu Âu trước sự cạnh tranh của các doanh nghiệp Trung Quốc trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại. Bà Julian Callow, nhà kinh tế học châu Âu thuộc công ty Barclays Capital, nhận định, sản xuất hàng hóa đang tăng mạnh hiện nay của Trung Quốc sẽ tập trung nhiều hơn vào các thị trường châu Âu khi mà kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại.
Theo Eurostat, xuất khẩu của Eurozone sang Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2007 tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm 2006, trong đó xuất khẩu trong tháng 10/07 tăng 2,3% so với tháng 9/07 cho dù đồng euro tăng giá kỷ lục so với USD. Thặng dư thương mại của Eurozone trong tháng 10/07 đạt 6,1 tỷ euro, so với 3,7 tỷ euro hồi tháng 9/07.
Tuy nhiên, các nhà phân tích thừa nhận nhiều dấu hiệu cho thấy tình hình xuất khẩu của Eurozone sụt giảm khi xuất khẩu hàng hóa của Eurozone sang Mỹ trong 9 tháng đầu năm 2007 giảm 2% so với năm 2006. Bên cạnh đó, xuất khẩu của Eurozone sang Anh và các khu vực khác cũng chậm lại. Điều này đã củng cố những dự đoán tăng trưởng của Eurozone trong năm 2008 sẽ chậm lại song không quá nghiêm trọng do hậu quả của cuộc khủng hoảng tín dụng và đồng euro mạnh hơn.
ttxvn