Trung tâm tài chính quốc tế: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt tiếp cận nguồn vốn toàn cầu
Bà Nguyễn Thúy Hạnh - Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp và đầu tư Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam chia sẻ về tiềm năng phát triển của Việt Nam nếu thành công xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực quản trị nguồn vốn, thanh toán quốc tế và quản lý dòng tiền.
![]() Bà Nguyễn Thúy Hạnh - Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp và đầu tư Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam
|
Thứ nhất, Việt Nam xây dựng được một trung tâm tài chính quốc tế sẽ tạo cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp và tổ chức tài chính trong và ngoài nước. Bởi vì các trung tâm tài chính quốc tế thường mang lại chi phí vận hành thấp, cơ chế pháp lý rõ ràng, linh hoạt và môi trường kinh doanh thuận lợi.
Các nhà đầu tư kỳ vọng đặt trụ sở hoặc văn phòng giao dịch tại trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, tuân thủ pháp luật đơn giản hơn và hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn. Ngoài ra, sản phẩm dịch vụ tài chính cũng sẽ đa dạng hơn như: Giao dịch ngân hàng số, đồng tiền số, giao dịch chỉ số hàng hóa, tự do hơn trong mua bán và kinh doanh ngoại tệ, cơ chế quản lý dòng tiền tập trung vốn hiện chưa phổ biến tại các ngân hàng truyền thống, giao dịch hàng hóa có công cụ quản lý rủi ro phức tạp hơn.
Thứ hai, xét về chi phí tuân thủ pháp lý, nếu trung tâm tài chính quốc tế được điều hành bởi một cơ quan quản lý thống nhất, chi phí và quy trình tuân thủ sẽ đơn giản, nhất quán, giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian xử lý giao dịch. Bên cạnh đó, dòng tiền chuyển vào/ra trung tâm tài chính này cũng có thể được tự do hơn so với trong hệ thống kinh tế thông thường.
Một điểm đặc biệt được các nhà đầu tư quan tâm là khả năng áp dụng các chuẩn mực ESG (môi trường, xã hội, quản trị) và các quy định như IFRS (chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế). Hiện nay, các ngân hàng tại Việt Nam vẫn chưa áp dụng đầy đủ các chuẩn mực này. Nếu trung tâm tài chính quốc tế áp dụng được thông lệ quốc tế sẽ tạo ra cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp huy động nguồn vốn xanh từ cả trong và ngoài nước để tài trợ cho các dự án bền vững ở Việt Nam và khu vực.
Chia sẻ thêm về thuế đối ứng Mỹ áp dụng cho Việt Nam, tháng 4 vừa qua, chính sách thuế đối ứng của Mỹ đã thu hút sự chú ý lớn từ cộng đồng quốc tế. Chính phủ Việt Nam đã có những phản ứng nhanh chóng, chủ động làm việc và đàm phán với phía Mỹ nhằm đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên và cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Về phía Standard Chartered Việt Nam đã nhanh chóng đánh giá tác động ngay trong vòng 24 giờ kể từ khi phía Mỹ ra thông báo. Ngân hàng rà soát toàn bộ danh mục khách hàng tại Việt Nam và trong hệ thống quốc tế của Ngân hàng để xem xét rủi ro cụ thể và đưa ra các giải pháp tài chính hỗ trợ kịp thời.
Trong 2 tháng qua, Standard Chartered Việt Nam liên tục thảo luận với khách hàng để cùng xây dựng các kịch bản ứng phó với từng mức thuế khác nhau mà Mỹ có thể áp dụng. Rất may mắn, qua 2 vòng đàm phán đầu tiên và cả vòng đàm phán thứ 3, đã có những tín hiệu tích cực. Các khách hàng của Ngân hàng cũng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chiến lược và dòng tiền, nên đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận rủi ro nghiêm trọng nào.
Suốt giai đoạn vừa qua, khách hàng đã rất chủ động trong việc xây dựng nhiều kịch bản ứng phó khác nhau, không còn bị động mà đã chuẩn bị sẵn các phương án như điều chỉnh chuỗi cung ứng, chuyển hướng thị trường hoặc tái cấu trúc tài chính để giảm thiểu tác động của thuế suất mới.
Cát Lam