TTCK toàn cầu: 2009 lạc quan, 2010 thận trọng
Kết thúc năm 2009 tại Mỹ, chỉ số Dow Jones tăng 18.82%, S&P 500 tiến 23.5% và Nasdaq tăng vọt 43.9%.
Trong khi đó tại Châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 22.07%; DAX của Đức cộng 23%; và CAC 40 của Pháp nhận thêm 22.32% giá trị.
Trên thị trường Châu Á, đà phục hồi thậm chí còn ngoạn mục hơn. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc thăng hoa tới 80%, Hang Seng của Hồng Kông tiến 52%, Nikkei 225 của Nhật Bản tích lũy thêm 19.04%.
Chuyên gia phân tích Gregori Volokhine từ Tập đoàn đầu tư Meeschaert tại New York nhận định: “Chúng ta đã tránh được thảm họa. Thị trường đã được cứu sống từ cuộc khủng hoảng đen tối nhờ những biện pháp can thiệp sâu rộng của các Chính phủ và ngân hàng trung ương thông qua việc bơm thanh khoản vào hệ thống tài chính.”
Tuy nhiên, nhà phân tích Marc Pado thuộc Tập đoàn Tài chính Cantor Fitzgerald tại New York lại cảnh báo điều đó không có nghĩa là niềm tin đã hoàn toàn bình phục.
Các mối quan ngại về sự sụp đổ của hệ thống tài chính đã đi qua và lúc này thị trường có thể thở phào nhẹ nhõm nhưng tôi vẫn không cho rằng đó là niềm lạc quan thực sự.
Được biết, tâm lý cực kỳ bi quan của thị trường trong quý I/2009 đã đẩy các chỉ số chính rớt xuống mức thấp lịch sử.
Từng rúng động trước vụ sụp đổ lịch sử của đại gia ngân hàng Mỹ Lehman Brothers vào Tháng 9/2008, giới đầu tư càng thêm lo sợ về khả năng quốc hữu hóa các tổ chức tài chính lớn sau khi các tổ chức này đã nhận được khoản tiền cứu trợ khổng lồ của Chính phủ để vượt qua khủng hoảng.
Các thị trường tài chính sau đó đã đạt được tốc độ phục hồi đến chóng mặt chủ yếu nhờ vào hiệu quả thuyết phục từ các chính sách kích cầu của Chính phủ, cũng như kết quả kinh doanh đầy khích lệ của các doanh nghiệp.
Thế nhưng vào thời điểm gần kề cuối năm, thị trường một lần nữa trải qua cơn hoảng loạn trước khả năng vỡ nợ của Dubai.
Dù vậy vào cuối năm 2009, các thị trường tài chính cũng đã lấy lại được phần lớn những gì đã mất trong năm 2008. Đáng chú ý, một số chỉ số chính như FTSE 100 của Anh đã trở về mức trước khi xảy ra vụ sụp đổ của Lehman Brothers.
Điểm qua một số thị trường khác tại Châu Âu, Lisbon tăng 34%, Bỉ 31%, Tây Ban Nha 30%, Hà Lan 36.34%, Ý 19.47 và Thụy Sỹ hơn 18%.
Tương tự, các thị trường vùng vịnh cũng đồng loạt đạt được đà phục hồi mạnh trong năm qua.
Đặc biệt tại Nam Mỹ, thị trường chứng khoán Brazil kết thúc năm 2009 với đà thăng hoa tới 82%.
Bất chấp sự cải thiện của thị trường chứng khoán, bức tranh nền kinh tế của đa số các quốc gia trên thế giới vẫn còn khá ảm đạm với mức tăng trưởng âm, ngoại trừ các nước mới nổi như Ấn Độ, Brazil và Trung Quốc.
Ngoài ra, thất nghiệp đã trở thành vấn đề đáng báo động trong năm 2009 khi leo lên mức cao lịch sử trên 10% tại Mỹ và 18% tại Tây Ban Nha.
Theo ý kiến từ giới phân tích, 2010 sẽ là “năm kiểm nghiệm” của thị trường. Nhà đầu tư muốn biết xem liệu tự bản thân hệ thống tài chính có trở lại hoạt động bình thường khi không còn sự giúp đỡ của Chính phủ.
Hai nhà kinh tế Larry Hatheway và Kenny Liew từ Ngân hàng UBS của Thụy Sỹ dự đoán đà tăng của thị trường năm 2010 sẽ ít hơn so với năm ngoái.
Sở dĩ họ thận trọng đối với triển vọng của thị trường năm 2010 là do một số bất ổn của nền kinh tế như: mối quan hệ giữa đồng USD và EUR, khả năng tăng giá nguyên liệu thô, thắc mắc về lãi suất, cũng như sự bùng nổ thâm hụt ngân sách tại Mỹ và Châu Âu.
Phạm Thị Phước (Theo AFP)