Tư duy của giới CEO đang thay đổi?
Ngày nay, công việc của các CEO không chỉ đơn thuần là điều hành công ty mà là lèo lái nó qua một… "bãi mìn". Từ những cú sốc địa chính trị, biến động kinh tế cho đến những thay đổi chóng mặt trong công nghệ và hành vi người tiêu dùng, cẩm nang lãnh đạo đang được viết lại ngay trong thời điểm hiện tại.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với CNBC vào đầu tuần này, Zak Brown, CEO của McLaren Racing, đã phác thảo một phương pháp lãnh đạo tập trung vào tính cấp bách, động lực và học hỏi từ thất bại. Các nhà lãnh đạo như Ivan Espinosa của Nissan và Andrea Orcel của UniCredit cũng đã mô tả việc thích nghi với những áp lực tương tự - nhấn mạnh tầm quan trọng của sự nhạy bén và thống nhất trong môi trường kinh doanh phức tạp hiện nay.
Học cách thua và tiến lên
“Tôi ghét thua. Có hai kiểu người thành công: Những người được thúc đẩy bởi cảm giác phấn khích khi chiến thắng và những người được thúc đẩy bởi nỗi sợ thất bại”, Brown nói với CNBC, và cho rằng mình thuộc nhóm sau.
“Điều tôi cố gắng truyền đạt cho tổ chức không nhất thiết là nỗi sợ thất bại, mà là động lực để tiến bộ từng chút một mỗi ngày. Nếu bạn có thể tạo ra một môi trường mà mọi người muốn đi nhanh hơn một chút mỗi ngày, đó là cách bạn duy trì động lực”, ông nói.
Brown, người từng tham gia các giải đua xe chuyên nghiệp, nói thêm: “Bạn thua nhiều hơn thắng. Vì vậy, bạn phải giỏi thua và coi đó là động lực để làm tốt hơn lần sau. Nếu gặp sự cố, bạn sẽ quay lại xe ngay. Bạn phải học hỏi từ những sai lầm, nhưng sau đó tiếp tục”.
Lãnh đạo trong bối cảnh hỗn loạn
Ý tưởng đề cao khả năng phục hồi hơn là sự hoàn hảo đang diễn ra trên khắp các ngành. Theo báo cáo tháng 6 của Challenger, Gray & Christmas, số CEO từ chức vào năm 2024 đã chạm mức kỷ lục: 2,221. Xu hướng này vẫn tiếp tục đến năm 2025: Từ tháng 1 đến tháng 2, số lượng CEO rời ghế tại các công ty Mỹ tăng 11%. 247 CEO rời công ty trong tháng 2 là con số cao thứ hai kể từ khi Challenger bắt đầu theo dõi vào năm 2002, gần bằng mức cao nhất mọi thời đại được ghi nhận trong cùng tháng của năm 2024.
CEO Nissan, Ivan Espinosa, người đảm nhận vai trò này hồi tháng 4, mô tả môi trường kinh doanh hiện tại là đầy thách thức nhưng có thể điều hướng được.
"Hãy duy trì sự lạc quan, vì môi trường rất khắc nghiệt và bạn không muốn bị choáng ngợp. Nếu bị choáng ngợp, bạn có thể bị tê liệt, mà tê liệt thì không phải là điều bạn cần trong môi trường hiện tại. Bạn cần phải tiếp tục tiến lên", ông nói.
Chỉ trong vòng vài tuần sau khi được bổ nhiệm, Espinosa đã đưa ra các kế hoạch tái cấu trúc lớn tại Nissan đang gặp khó khăn, bao gồm cả việc cắt giảm việc làm và nhà máy. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thống nhất trong lãnh đạo.
“Điều bạn không thể chấp nhận trong tình hình rất phức tạp hiện nay là có một đội ngũ không cùng mục tiêu và không chung định hướng”, ông nói.
“Linh hoạt là điều không thể thương lượng. Trước đây, một số CEO rất bướng, nghe đến thay đổi là phản đối ngay. Tôi nghĩ bây giờ bạn cần phải cởi mở và linh hoạt”, ông nói thêm.
2025 có thể là năm kỷ lục về số lượng CEO rời ghế
Số lượng CEO rời ghế trong 5 tháng đầu mỗi năm kể từ 2016
Chính trị, áp lực và ra quyết định
Tại UniCredit, CEO Andrea Orcel đã lưu ý cách những tác động bên ngoài đang định hình quá trình ra quyết định của ban điều hành. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 6 với CNBC, ông chỉ ra ảnh hưởng ngày càng tăng của các điều khoản chính trị và quy định.
“Hiện có một yếu tố mới mà tất cả chúng ta cần cân nhắc, đó là sự can thiệp của Chính phủ hoặc chính trị”, ông nói.
“Mọi thứ khác có thể hoàn hảo, nhưng nếu khác với quan điểm của chính phủ, thì nó sẽ không tiến triển”, ông nói thêm.
Orcel cho biết sự tham gia ngày càng tăng của các lợi ích quốc gia hiện là yếu tố trung tâm trong quá trình lập kế hoạch và thực hiện chiến lược. Nhận xét của ông được đưa ra trong bối cảnh UniCredit đang có những nỗ lực đáng chú ý nhằm mở rộng dấu ấn ở châu Âu thông qua các thỏa thuận sáp nhập tiềm năng liên quan đến Commerzbank và Banco BPM, nhưng đã vấp phải sự phản đối từ các chính phủ.
Kỷ nguyên trách nhiệm của trí tuệ nhân tạo (AI)
Song song đó, các CEO đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng để đảm bảo tương lai cho tổ chức của họ trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo. Ravin Jesuthasan, một nhà lãnh đạo tư tưởng toàn cầu về tương lai của công việc, hồi đầu tuần này nói với CNBC rằng các hội đồng quản trị ngày càng yêu cầu CEO phải chịu trách nhiệm về tốc độ tích hợp AI trong toàn bộ hoạt động của mình.
"Mọi CEO sẽ phải chịu trách nhiệm về tốc độ triển khai AI trong tổ chức của mình và việc có AI thực sự thay đổi tổ chức đó", Jesuthasan cho biết.
"Các hội đồng quản trị đang tích cực xem xét điều đó". Ông cho biết rằng lãnh đạo ngày nay cũng bao gồm việc xây dựng một tổ chức có thể xoay trục nhanh chóng khi đối mặt với sự gián đoạn, bằng tư duy, bộ kỹ năng và công cụ phù hợp.
Ông lưu ý rằng ngày càng có nhiều CEO được yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng với ít nguồn lực hơn.
“Một giám đốc tài chính đã nói với tôi rằng, ‘Chúng tôi đã tăng trưởng gấp 3 lần trong năm năm qua. Trong 5 năm tới, tôi sẽ cần ít hơn 50% vốn cố định và ít hơn 50% nhân sự để đạt được mức tăng trưởng tương tự’”, Jesuthasan cho biết.
Brown thẳng thắn hơn: “Những gì đủ tốt ngày hôm qua sẽ không đủ tốt vào ngày mai”.
Khi một thế hệ CEO mới bước vào các công ty như Boeing, Nike và Starbucks, họ sẽ cần mang theo nguồn năng lượng tương tự: sáng suốt về rủi ro, thông thạo các công nghệ mới nổi và không sợ hành động.
Nhã Thanh (Theo CNBC)