Từ phụ thuộc tín dụng chuyển sang nền tài chính cân bằng
Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ lớn. Nếu tiếp tục chỉ dựa vào tín dụng ngân hàng, tăng trưởng có thể trở thành gánh nặng. Nhưng nếu biết tận dụng cơ hội tái cấu trúc dòng vốn, hướng vào các trụ cột chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và dân trí tài chính, Việt Nam không chỉ phát triển, mà còn kiến tạo tương lai mới.
Sáng 19/06/2025, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, nhìn từ góc độ đầu tư cho thấy, tăng trưởng của nền kinh tế nước ta dựa vào vốn rất lớn; tuy nhiên hiệu quả chưa cao, phản ánh qua chỉ số ICO của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trên thế giới và khu vực.
“Chúng ta cũng chưa tận dụng được nhiều lợi thế về nguồn vốn, về chuyển giao công nghệ, về kỹ năng quản trị và chưa có sự kết nối của khu vực này với khu vực trong nước”, bà Hồng cho rằng cần làm mới trong chiến lược thu hút vốn FDI trong giai đoạn tới.
Vốn nước ngoài có thể đa dạng như thu hút vốn FDI, đầu tư gián tiếp, vay nợ nước ngoài và với các chỉ tiêu nợ nước ngoài, nợ công hiện nay, chúng ta có dư địa để mở rộng thu hút nước ngoài.
Vốn trong nước phụ thuộc rất lớn vào vốn tín dụng ngân hàng, kể cả vốn trung và dài hạn. Dư nợ tín dụng trên GDP hiện nay ở mức 134% vào cuối năm 2024. Nếu tiếp tục dựa vào nguồn vốn ngân hàng, sẽ tiềm ẩn rủi ro của hệ thống và có thể gây hệ lụy cho nền kinh tế.
Phát biểu này của Thống đốc NHNN không chỉ đơn thuần phản ánh một thực trạng thị trường tài chính mà còn là tín hiệu về sự chuyển hướng tư duy trong điều hành kinh tế vĩ mô: Từ “dựa vào tín dụng” sang “dựa vào cấu trúc vốn đa kênh, hiệu quả và bền vững”, gắn liền với mục tiêu phát triển dài hạn của quốc gia.
Từ phụ thuộc tín dụng chuyển sang nền tài chính cân bằng
Trong nhiều năm qua, tín dụng ngân hàng đã đóng vai trò là “nguồn máu chủ đạo” nuôi dưỡng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, khi tín dụng chiếm đến gần 70% tổng nguồn vốn tài trợ, trong khi các kênh vốn dài hạn như trái phiếu, thị trường chứng khoán hay đầu tư nước ngoài chưa thực sự phát triển tương xứng thì rủi ro tích tụ là điều không thể tránh khỏi.
Đặc biệt, trong bối cảnh lãi suất giảm, áp lực nợ xấu tăng, nhiều ngân hàng thương mại đã tiệm cận trần tăng trưởng tín dụng theo Basel II, Basel III, hệ thống tài chính đang gánh một áp lực vượt quá vai trò truyền thống của mình.
Chuyển sang một cấu trúc vốn đa dạng, dựa vào thị trường tài chính - vốn là điều kiện để Việt Nam tiến đến một nền kinh tế phát triển, bền vững và linh hoạt.
Chiến lược vốn mới
Một hệ sinh thái vốn mới cần được kiến tạo dựa trên 3 trụ cột: Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và nâng cao dân trí tài chính toàn dân.
Để không lặp lại mô hình FDI dựa vào lao động giá rẻ hay thị trường trái phiếu mang tính đầu cơ ngắn hạn, Việt Nam cần tái định vị các kênh huy động vốn theo hướng dài hạn, chất lượng và mang tính bền vững.
Việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nên ưu tiên những lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch, năng lượng tái tạo và hạ tầng kỹ thuật số như 5G, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó, phát hành trái phiếu xanh sẽ là công cụ quan trọng để tài trợ cho các dự án tiết kiệm năng lượng, nông nghiệp tuần hoàn, logistics carbon thấp và các chương trình phát triển xanh. Bên cạnh đó, cũng cần thúc đẩy mạnh mẽ các startup công nghệ và doanh nghiệp theo hướng ESG, thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm có sự bảo lãnh của Nhà nước hoặc mô hình hợp tác công - tư (PPP).
Một nền tảng quan trọng khác là tăng cường quản trị bền vững. Các doanh nghiệp nên được khuyến khích phát hành trái phiếu ESG đạt chuẩn quốc tế và ESG cần được xem là tiêu chí ưu tiên trong việc tiếp cận vốn, thông qua các hệ thống xếp hạng tín nhiệm xanh. Việt Nam cũng cần kiên định với nguyên tắc không đánh đổi môi trường hoặc đạo đức kinh doanh để thu hút đầu tư mà thay vào đó là FDI gắn liền với chuyển giao công nghệ xanh, sạch và có trách nhiệm.
Song song với dòng vốn vật chất, đầu tư vào "vốn con người" cũng là yếu tố cốt lõi tạo nên chất lượng phát triển. Một trong những trọng tâm là nâng cao dân trí tài chính toàn dân, xây dựng nền tảng tri thức vững chắc. Việc kêu gọi FDI và phát hành trái phiếu xã hội để đầu tư vào giáo dục tài chính cá nhân từ bậc phổ thông là cần thiết, giúp người dân hiểu rõ về chi tiêu, tiết kiệm, tín dụng, đầu tư và quản lý tài chính cá nhân. Bên cạnh đó, tư duy khởi nghiệp, kỹ năng đổi mới sáng tạo, pháp lý kinh doanh và quản lý rủi ro cũng cần được đưa vào các chương trình đào tạo thiết thực. Những khóa học ngắn hạn và dài hạn tích hợp nội dung về trí tuệ nhân tạo, ESG, tài chính số và kỹ năng kinh doanh toàn cầu nên được phổ biến cho học sinh, sinh viên và người lao động.
Chính phủ có thể phát hành trái phiếu đào tạo (Education Bonds) - tương tự mô hình của các nước trên thế giới để tài trợ cho các chương trình giáo dục tài chính và khởi nghiệp toàn dân. Song song đó, doanh nghiệp đầu tư cho công tác đào tạo cũng cần được hưởng ưu đãi thuế hoặc hỗ trợ lãi suất vay.
Cần xây dựng khung thể chế minh bạch, đồng bộ
Tuy nhiên, quá trình khai thông các dòng vốn mới cũng tiềm ẩn không ít rủi ro nếu không kiểm soát hiệu quả.
Việc lựa chọn FDI không chọn lọc có thể gây tổn hại đến môi trường, lạm dụng lao động giá rẻ hoặc tạo ra tình trạng chuyển giá. Thị trường trái phiếu nếu không đảm bảo tính minh bạch có thể tái diễn khủng hoảng lòng tin như giai đoạn 2022-2023. Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII), nếu mang tính đầu cơ quá ngắn hạn, có thể đảo chiều nhanh chóng khi thị trường biến động, gây bất ổn vĩ mô. Việc phổ biến giáo dục tài chính, nếu bị thương mại hóa quá mức và thiếu định hướng chuẩn mực, cũng có thể dẫn đến lệch chuẩn nội dung, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng đào tạo.
Vì vậy, giải pháp là cần xây dựng một khung thể chế minh bạch, đồng bộ, có sức hấp dẫn và năng lực quản trị hiệu quả, thay vì cấm đoán hoặc buông lỏng.
Nếu được định hướng đúng và triển khai bài bản, các dòng vốn ngoài tín dụng ngân hàng sẽ không chỉ mang lại nguồn lực tài chính cho Việt Nam mà còn giúp chuyển hóa toàn diện cấu trúc phát triển. Tăng trưởng sẽ trở nên bền vững hơn, giảm lệ thuộc vào tín dụng ngắn hạn và dòng vốn đầu cơ. Năng lực cạnh tranh của người dân, từ học sinh đến công nhân, sẽ được nâng cao, xây dựng thế hệ công dân tài chính, khởi nghiệp và hội nhập toàn cầu. Cuối cùng, Việt Nam có thể khẳng định vị thế là một điểm đến đầu tư chiến lược, thân thiện với ESG, tiên phong chuyển đổi số và sẵn sàng cho một tương lai bền vững.
Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ lớn. Nếu tiếp tục chỉ dựa vào tín dụng ngân hàng, tăng trưởng có thể trở thành gánh nặng. Nhưng nếu biết tận dụng cơ hội tái cấu trúc dòng vốn, hướng vào các trụ cột chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và dân trí tài chính, Việt Nam không chỉ phát triển, mà còn kiến tạo tương lai mới.
Cát Lam