Tuần 17/05-21/05: Thị trường tài chính - tiền tệ thế giới
Từ kích thích tài chính đến thắt chặt hầu bao
Khi khủng hoảng tài chính nổ ra, vai trò của nhà nước gia tăng và hàng nghìn tỷ USD đã được chi tiêu trong bảo lãnh cho các ngân hàng và các định chế tài chính, ngăn chặn nguy cơ sụp đổ kinh tế, GDP từ âm chuyển sang dương...
Nhưng ở nhiều quốc gia, nợ chính phủ vẫn cao, các giới hạn chi tiêu chính phủ nhanh chóng tiến sát ngưỡng giới hạn. Giải quyết nợ chính phủ và các khoản vay mới bù đắp cho thâm hụt ngày càng tăng đòi hỏi phải có đủ kinh phí hoặc từ các nhà đầu tư trên thị trường hoặc thông qua việc “in tiền” (chính phủ tự cho mình vay), và nếu thiếu ngân quỹ thì tình trạng vỡ nợ hiện dần ra. Đó là hình ảnh điển hình của cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp hiện nay.
Hy Lạp đã công bố gói chính sách cắt giảm trợ cấp, tiền lương và giảm chi tiêu công nhằm giảm thâm hụt của chính phủ. Nhưng các cuộc biểu tình đường phố và đình công đã bắt đầu ngay cả khi các chính sách được thực hiện đang làm dấy lên câu hỏi liệu Hy Lạp sẽ có thể duy trì các chính sách cần thiết.
Trong khi đó, Tây Ban Nha mới đây công bố cắt giảm chi tiêu sâu rộng, bao gồm giảm 5% tiền lương công chức.
Bồ Đào Nha tuyên bố sẽ cắt giảm thâm hụt của chính phủ từ 9,4% GDP năm nay xuống còn 4,6% trong năm tới, bao gồm cả tăng thuế và cắt giảm lương.
Còn tại Đan Mạch, Thủ tướng Lars Loekke Rasmussen cũng vừa thông báo kế hoạch “đóng băng” các khoản chi tiêu công của nước này, với mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách chung của Liên minh châu Âu. Nhiều biện pháp được đưa ra nhằm giúp Chính phủ Đan Mạch giảm chi tiêu ngân sách 10,5 tỷ kroner vào năm 2013. Nước này cũng phát đi thông điệp thoát khỏi khủng hoảng mà không rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.
Người ta e ngại rằng các biện pháp cắt giảm chi tiêu sẽ khiến quá trình phục hồi kinh tế của khu vực Châu Âu bị chậm lại. Tuy nhiên, các bộ trưởng tài chính EU đang cố gắng khôi phục lòng tin của dư luận. Tại cuộc họp ở Brussels ngày 18.5, các bộ trưởng tài chính cho biết, EU chỉ yêu cầu tiếp tục cắt giảm chi tiêu ở những nước nào thâm hụt ngân sách cao.
Lo ngại núi nợ công
Tin về nợ công tại nhiều quốc gia, khiến dư luận hoang mang. Thậm chí một số trang tin của TTXVN còn giật tít “Thế giới đang đứng trước “núi nợ công”. Theo bài báo này, trong một báo cáo mới công bố, Ngân hàng Goldman Sachs cho biết tính đến cuối năm 2009, tổng nợ công của Trung Quốc là 15.700 tỷ Nhân dân tệ, chiếm 48% GDP của nước này, trong đó chủ yếu là nợ của chính phủ (chiếm 20% GDP) và nợ của các chính quyền địa phương (chiếm 23%). Gold man Sachs cho rằng về tổng thể, nợ của Chính phủ Trung Quốc ít rủi ro, nhưng gần đây quy mô nợ của chính quyền địa phương ở Trung Quốc lại tăng lên và điều này sẽ làm gia tăng một cách không cân đối “rủi ro thanh toán” của chính quyền địa phương.
Không là ngoại lệ, nợ của Mỹ, Nhật Bản, Canađa cũng đang làm mọi người đứng ngồi không yên. Số liệu Bộ Tài Chính Nhật Bản công bố ngày 10/5 cho thấy tổng nợ của nước này chiếm tới 229% GDP, đứng đầu trong số các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Đối với trường hợp của Mỹ, dự kiến vào năm 2011, thâm hụt ngân sách nước này sẽ ở mức 1.600 tỷ USD, trong khi nợ sẽ là hơn 50% GDP. Còn trường hợp Canađa, nếu chia bình quân, mỗi người dân nước này nợ hơn 40.000 USD, đứng đầu trong số 20 nước phát triển trên thế giới và là mức cao nhất trong lịch sử. Tiết lộ mới đây của tạp chí “Nhà kinh tế” cho thấy, tính đến tháng 2/2010, tổng nợ của tất cả các nước trên thế giới đã vượt qua mốc 36.000 tỷ USD.
EU cấp khoản vay khẩn cấp 14,5 tỷ euro cho Hy Lạp
Theo nguồn tin giấu tên từ Bộ Tài chính Hy Lạp, ngày 18/5 quốc gia này được nhận khoản vay khẩn cấp 14,5 tỷ euro từ Liên minh châu Âu (EU), trước thời điểm Aten phải trả số nợ đáo hạn 9 tỷ euro vào ngày 19/5. Khoản vay 14,5 tỷ euro trên là một phần trong gói cứu trợ Hy Lạp trị giá 110 tỷ euro (136 tỷ USD) đã được EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông qua mới đây. Tuần trước, Hy Lạp đã nhận được 5,5 tỷ euro từ gói cứu trợ đầu tiên của IMF. Dự kiến, Aten sẽ tiếp tục nhận 9 tỷ euro vào tháng 9 tới, trong đó 6,5 tỷ euro từ Khu vực các nước sử dụng đồng euro Eurozone) và 2,5 tỷ euro của IMF.
Tuy vậy, giới phân tích cho rằng “Quỹ cứu trợ” khổng lồ - với 750 tỷ euro (hơn 1 nghìn tỷ USD) – đã giúp trấn an tâm trạng hoang mang của dư luận, nhưng không mang lại những thay đổi cơ cấu cần thiết trong nội bộ khu vực đồng euro, đơn giản là vì bất đồng giữa họ - về vấn đề phát triển kinh tế, nợ và quan trọng hơn cả là khả năng phục hồi kinh tế - là quá lớn.
Thậm chí một số hãng tin nước ngoài còn cho rằng gói cứu trợ trị giá 1.000 tỷ USD (750 Euro) chỉ có tác dụng giúp các quốc gia yếu kém trong khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) có thêm thời gian, chứ không thể giải quyết được vấn đề nợ cơ bản ở châu lục này, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố. Phát biểu trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung hôm 16/5, ông Juergen Stark cho rằng, sự hỗn loạn trên thị trường hiện nay chỉ có thể được cứu vãn, nếu 16 nước thành viên Eurozone cải tổ hệ thống kinh tế của họ và giảm thâm hụt ngân sách.
Nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính mới?
Tình trạng vỡ nợ không chỉ gây nhức nhối cho khu vực đồng euro mà còn đe doạ huỷ hoại các thị trường trái phiếu nói chung, châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính mới. Theo Eurostat, tổng số nợ nước ngoài của EU là khoảng 5,17 nghìn tỷ euro. Riêng nợ của Đức là 1,2 nghìn tỷ euro, còn nợ của Hy Lạp khoảng 300 tỷ euro. Tính đến cuối năm nay, Italia sẽ phải trả lãi đến 267 tỷ euro, còn Tây Ban Nha phải trả 81 tỷ euro. Về mặt lý thuyết, 750 tỷ euro sẽ đủ để Ailen, Italia, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha trả nợ đến năm 2013. Nhưng sau đó thì sao? Trên thực tế, cả Hiệp ước Maastricht lẫn Hiệp ước Lixbon đều không cho phép Ngân hàng Trung ương châu Âu mua toàn bộ nợ của các quốc gia hoặc cho các chính phủ đang gặp khó khăn vay mà không xem xét các giới hạn nợ và thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, trong tình hình khẩn cấp hiện nay, ECB đã bắt đầu mua lại nợ, nhưng không phải từ chính các chính phủ bị vỡ nợ, mà ECB mua trái phiếu của họ tại các thị trường nợ.
ECB bắt đầu mua trái phiếu
Ngày 17/5, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bắt đầu mua vào trái phiếu chính phủ giao dịch trên thị trường thứ cấp nhằm tăng cường tính thanh khoản cho thị trường, để góp phần ngăn chặn sự lan rộng của khủng hoảng nợ công tại khu vực. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của ECB, ngân hàng trung ương này thực hiện việc can thiệp vào thị trường.
Đồng euro yếu và những hệ luỵ
Cụ thể, ngày 17/5, một euro chỉ còn đổi được 1,23 USD và đồng tiền châu Âu này cũng thụt lùi so với đồng yên Nhật. Kế hoạch 750 tỷ euro hỗ trợ các thành viên gặp khó khăn không làm an tâm giới đầu tư. Các sàn giao dịch châu Á đồng loạt trượt giảm từ trên 2% đến gần 4%. Đồng euro rơi tự do.
Khu vực Eurozone đối mặt với một tình thế mâu thuẫn: đầu tiên, khủng hoảng nợ của các nước Nam Âu làm thị trường lo ngại. Những biện pháp ban hành để giảm nợ lại gây tâm lý mất tin tưởng. Các liều thuốc đắng giảm chi ngân sách ở những nước như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha gây lo ngại đe dọa hoạt động kinh tế trong khu vực, nơi tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn nhiều so với Mỹ và châu Á. Một mặt, giới đầu tư mong đợi những biện pháp tài chính nghiêm ngặt, nhưng mặt khác họ lại lo ngại kinh tế tăng trưởng thấp. Bởi thế, Liên minh châu Âu (EU) phải nhanh chóng tìm biện pháp trấn an thị trường. Cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính vào chiều 17 và ngày 18/5 tại Brucxen phải tìm cho ra giải pháp ngăn chặn sự sụt giá của đồng euro, đồng thời phối hợp các chính sách tài chính trong khu vực eurozone. Tuy nhiên, giới phân tích tỏ ra khá bi quan. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Jean – Claude Trichet cho rằng thị trường tài chính đang ở trong tình trạng “khó khăn nhất kể từ sau thế chiến thứ hai”.
Trong lúc các nước châu Âu chật vật đối phó với thâm thủng ngân sách thì đây lại là thời điểm thuận lợi cho Mỹ. Đối với các nhà đầu tư thì xét về mặt an toàn, mua cổ phần tại Mỹ có lợi hơn. Đồng euro mất giá là một dấu hiệu cho thấy “thế vững chắc” của đồng USD. Thậm chí, chính sách “thắt lưng buộc bụng” tại châu Âu sẽ gây ra hậu quả tiêu cực cho hoạt động kinh tế.
Theo Le Monde, các thị trường đang đặt câu hỏi liệu các nước trong khu vực đồng euro (Eurozone) có khả năng vừa giảm thâm hụt ngân sách vừa thúc đẩy tăng trưởng được không. Sự mất giá của đồng euro khiến cho xuất khẩu của châu Âu cạnh tranh tốt hơn trên thị trường thế giới. Đồng euro giảm dẫn đến giá cả sẽ rẻ hơn ở thị trường nước ngoài, khiến cho doanh số bán hàng tăng và có tác động tích cực đến các hoạt động kinh tế EU. Các sản phẩm của châu Âu có khả năng cạnh tranh cao hơn so với các sản phẩm Mỹ và những nước mới nổi thường hay quy đổi đồng tiền của họ theo USD. Đối tượng kiếm lợi nhiều nhất trong cuộc khủng hoảng tỷ giá này phải kể đến các công ty mua vật tư trang thiết bị bằng euro và bán sản phẩm của mình bằng USD.
Tuy nhiên, sự lên giá của đồng USD so với euro lại có nguy cơ đẩy các lĩnh vực phụ thuộc vào các sản phẩm nhập khẩu từ khu vực trao đổi buôn bán bằng đồng USD, bao gồm cả dầu thô và nguyên liệu. Lĩnh vực bị ảnh hưởng to lớn nhất chính là ngành xây dựng, vốn tiêu thụ rất nhiều nhiên liệu. Việc tăng giá nguyên liệu thu mua bằng USD cũng có thể gây ra sự gia tăng lạm phát nhập khẩu.
EU cũng lên tiếng khẳng định rằng không có lý do để lo ngại nhiều về uy thế của đồng euro, bởi sự ổn định tiền tệ đã được duy trì ở EU suốt 11 năm qua. Ít nhất 5 trong 6 ngày qua, đồng euro đã giảm giá do lo ngại việc cắt giảm chi tiêu của EU sẽ làm suy giảm tăng trưởng.
Châu Âu bất bình vì lệnh cấm bán khống của Đức
Các nhà lãnh đạo châu Âu đang nỗ lực khôi phục tinh thần đoàn kết trong khối sau khi Đức gây sốc với lệnh cấm bán khống đối với các tài sản rủi ro như cổ phiếu, trái phiếu và bảo hiểm tín dụng.
Quyết định của Đức, ngay lập tức cấm bán trước thời hạn các loại trái phiếu và cổ phiếu, cũng như một số giao dịch liên quan đến hoạt động trao đổi vỡ nợ tín dụng công - một hình thức bảo hiểm nợ - càng khiến mọi người ngạc nhiên hơn khi nó được công bố trước các bộ trưởng tài chính EU tại một hội nghị ngày 18/5. Hội nghị này tập trung vào các nỗ lực của EU nhằm quản lý tốt hơn các quỹ đầu tư khác và phối hợp các chính sách để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính và nợ, vì vậy, việc thảo luận về lệnh cấm bán trước thời hạn là không thích hợp. Ngày 19/5, Uỷ ban châu Âu (EC) đã cố giải thích rằng mặc dù họ hiểu quyết định của Đức, nhưng sẽ hợp lý hơn nếu nước này phối hợp với các thành viên còn lại của EU gồm 27 nước thành viên.
Lệnh cấm khiến các thị trường chứng khoán trên khắp thế giới đồng loạt lao dốc và đẩy đồng euro xuống mức giá thấp nhất trong 4 năm so với đồng USD thêm một lần nữa do giới đầu tư lo ngại nó sẽ kìm hãm kinh tế toàn cầu. Bán khống vô căn cứ (naked short selling) là việc nhà đầu tư đặt lệnh bán chứng khoán mà họ không thực sự sở hữu hoặc vay mượn. Lệnh cấm bán khống vô căn cứ của Đức được áp dụng đối với 10 cổ phiếu, trái phiếu chính phủ và hợp đồng hoán đổi tín dụng (một dạng bảo hiểm tài chính) dựa trên những trái phiếu chính phủ. Chính quyền Berlin muốn ban hành lệnh cấm bán khống vô căn cứ để ngăn chặn tình trạng đầu cơ tài chính. Theo quan điểm của Đức, đầu cơ tài chính là thủ phạm gây nên khủng hoảng nợ hiện nay tại châu Âu.
Các bộ trưởng Tài chính của châu ÂU sẽ họp tại Brussels vào ngày 21/5 để thảo luận về biện pháp ổn định khu vực đồng euro và thay đổi cách quản lý kinh tế.
Trái phiếu chính phủ Mỹ hấp dẫn nhà đầu tư - kinh tế Mỹ phục hồi nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Ngày 17/5 Bộ Tài chính Mỹ thông báo mức cầu của tài sản tài chính dài hạn Mỹ tăng mạnh trong tháng ba do các nhà đầu tư đến từ Anh, Trung Quốc đã mua phần lớn trái phiếu kho bạc Mỹ.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, khối lượng nắm giữ các loại trái hiếu dài hạn do Chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ phát hành đã tăng thêm 140,5 tỷ USD trong tháng 3; một mức tăng lớn chưa từng có, vượt kỷ lục cũ là 135,8 tỷ USD vào tháng 5/2007. Trước đó, lượng mua ròng các loại nợ dài hạn của Mỹ trong thán 2 cũng tăng 47 tỷ USD, sau khi đã tăng 15 tỷ USD trong tháng 1. Tổng lượng trái phiếu chính phủ Mỹ do các chủ nợ nước ngoài nắm giữ đã tăng 3,5% trong tháng 3, lên 3.900 tỷ USD.
Sự tăng vọt nhu cầu đối với trái phiếu chính phủ của Mỹ phản ánh sự tin tưởng của giới đầu tư nước ngoài đối với những diễn biến tích cực của nền kinh tế Mỹ.
Lạm phát tháng 4/2010 của nền kinh tế đầu tàu thế giới tăng chậm nhất trong 40 năm qua. Giới phân tích cho rằng, điều này sẽ khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp như hiện nay.
Hãng tin AP cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 4 của Mỹ giảm lần đầu tiên trong hơn một năm qua. Giá năng lượng đã giảm 1,4%, mức giảm trong một tháng lớn nhất kể từ tháng 3/2009. Riêng giá xăng dầu giảm tới 2,4%. Đây được coi là yếu tố chính giúp CPI của Mỹ giảm 0,1% trong tháng 4, lần giảm đầu tiên kể từ tháng 3/2009.
Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp cao vẫn là vấn đề của nước Mỹ năm 2010. Mỹ cũng đang ngấp nghé bờ vực của khủng hoảng nợ khi tỷ lệ nợ đã lên đến mức nguy hiểm khi phải dành lần lượt tới 7% và 11% thu nhập từ thuế để trả nợ năm 2010 và năm 2011. Thâm hụt ngân sách đã lên tới mức kỷ lục 10% GDP kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Trong năm tài chính 2010, thâm hụt ngân sách của Mỹ dự kiến đạt mức kỷ lục hơn 1,5 nghìn tỷ USD và nợ dự kiến lên tới khoảng 12,4 nghìn tỷ USD.
10 bang của Mỹ đang đứng trước nguy cơ có thể bị phá sản, do phải đối phó với thâm hụt ngân sách bang lên tới 180 tỷ USD trong năm tài chính tới.
Mỹ chính thức thông qua dự luật phố Wall
Với tỷ lệ 59 phiếu thuận trên 39 phiếu chống, sáng sớm nay (21/5 theo giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã chính thức thông qua dự luật cải tổ tài chính sâu rộng nhất kể từ Đại suy thoái thập niên 1930.
Theo hãng tin AP, từ thủ đô Washington, Tổng thống Barack Obama đã gửi lời chúc mừng tới hành động quyết tâm này của Thượng viện. Dự kiến, văn bản sẽ được ông Obama ký thông qua thành luật trước ngày 4/7.
Trước đó, hôm 19/5, Ngày 19/5, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu chống lại Dự luật cải cách tài chính kể từ cuộc Đại suy thoái thập niên 30 của thế kỷ trước. Với tỷ lệ 57 phiếu ủng hộ và 42 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã không thể thông qua dự luật do không đạt được ngưỡng 60 phiếu cần thiết.
Dự luật cải cách tài chính đưa ra một loạt biện pháp cải cách thị trường Phố Wall, ngăn chặn nguy cơ các thể chế tài chính lớn sụp đổ gây ảnh hưởng tới kinh tế Mỹ, thành lập một cơ quan bảo vệ tài chính người tiêu dùng, kiểm soát các khoản tiền thưởng và ngăn chặn những khoản đầu tư rủi ro.
Dự luật cũng đưa ra các biện pháp quản lý và minh bạch thị trường phái sinh, một công cụ tài chính phức tạp được cho là đã góp phần tạo nên cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
ADB cảnh báo về dòng vốn “không ổn định” vào khu vực Châu Á
Ngày 18/5, ADB phát đi thông cáo với nội dung tập trung vào bản báo cáo về thị trường vốn khu vực vừa công bố. Thông cáo trên nhấn mạnh: các thị trường vốn ở khu vực châu Á mới nổi đã công bố các mức lợi nhuận ngày càng tăng khi sự phục hồi kinh tế ở khu vực đang tiến triển, thu hút được lượng vốn đầu tư lớn từ bên ngoài. Tác động của vấn đề nợ nần leo thang ở châu Âu không lớn.
Tuy nhiên, các nền kinh tế và các thị trường đang đối mặt với hàng loạt những rủi ro khác khi lạm phát, cho dù có thể kiểm soát được, đang tăng cao và khi các chính phủ chuẩn bị kết thúc các gói kích thích kinh tế.
Và theo báo cáo “Asia Capital Markets Monitor” (“Theo dõi các thị trường vốn châu Á”, là đánh giá hàng năm của ADB về tình hình hoạt động và triển vọng của các thị trường tiền tệ, cổ phiếu và trái phiếu của khu vực), vừa công bố, việc quản lý các dòng vốn lớn vào các thị trường khu vực đang là một thách thức chủ yếu.
Báo cáo cho rằng sự tăng vọt mới đây của dòng vốn chảy vào bắt nguồn từ dòng vốn đầu tư gián tiếp khi các nhà đầu tư tận dụng khả năng thu lời ngày càng chênh lệch giữa các thị trưởng châu Á mới nổi và các thị trường đã phát triển.
Việc áp dụng kiểm soát vốn có thể phù hợp trong một số tình huống khi dòng vốn đầu tư chỉ mang tính chất tạm thời, tạo thêm áp lực không phù hợp lên tỷ giá hối đoái và khi tính hiệu quả của các chính sách kinh tế vĩ mô đối phó với biến động về tỷ giá và biến động về dòng vốn là không chắc chắn. Và để quản lý dòng vốn, theo ông Madhur, đòi hỏi hàng loạt các biện pháp chính sách như có sự quản lý kinh tế vĩ mô chắc chắn, một cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt, một hệ thống tài chính vững vàng, và đôi khi cả việc áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn tạm thời và có trọng điểm. Báo cáo “Asia Capital Markets Monitor” đề cập đến 11 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm: Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
BoJ cho vay lãi suất siêu thấp
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cho biết sẽ cung cấp các khoản vay có lãi suất “siêu thấp” ở mức 0,1%, cho các ngân hàng tư nhân, trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng một số lĩnh vực như môi trường, năng lượng, du lịch và doanh nghiệp “xanh”. Động thái này nhằm đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế Nhật Bản và chống giảm phát.
Nhật Bản cũng là một trong những nước phải đối diện với núi nợ công. Tính đến cuối năm tài khóa 2009 (kết thúc ngày 31/3/2010), nợ công của Nhật Bản ở mức cao kỷ lục, 882.920 tỷ Yên, tăng 36.430 tỷ Yên so với năm tài khóa trước. Với mức cao như vậy, hiện Nhật Bản là nước “nặng gánh” nhất trong khu vực các nước công nghiệp phát triển.
Chủ tịch Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản, ông Fujio Mitarai, cho biết tỷ lệ nợ công trên GDP của nước này hiện là 190%. Dự tính, trong năm tới, tỷ lệ này sẽ lên tới 200%.
Về vấn đề định giá đồng NDT của Trung Quốc
Báo chí nước ngoài có dẫn nhận định Trung Quốc khó nâng giá NDT trong 2010. Trung Quốc chưa thể nâng giá đồng Nhân dân tệ so với đồng USD trong năm nay bởi cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu đã đẩy giá trị đồng Euro xuống quá thấp, ông Marc Faber nhận định. Từ đầu năm tới nay, đồng Nhân dân tệ đã tăng giá 16,8% so với Euro. Các công ty xuất khẩu Trung Quốc đang lo ngại về tỷ giá đồng Euro và chi phí tăng cao, trong khi triển vọng xuất khẩu không mấy lạc quan.
Việc Nhân dân tệ tăng giá mạnh so với Euro sẽ làm gia tăng áp lực về chi phí đối với các nhà xuất khẩu Trung Quốc và sẽ có tác động tiêu cực đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang các quốc gia châu Âu.
Kể từ tháng 7/2008 tới nay, Trung Quốc đã neo tỷ giá Nhân dân tệ so với USD ở mức 6,83 Nhân dân tệ/USD nhằm giúp các công ty xuất khẩu trong nước ứng phó với suy thoái kinh tế toàn cầu.
Còn theo Ngân hàng Thế giới (WB), định giá lại đồng NDT sẽ gây tổn thương hơn là có lợi cho kinh tế Mỹ. Phát biểu với sinh viên Chicago cuối tuần trước về vai trò của Trung Quốc đối với nền kinh tế toàn cầu trong tương lai, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Thế giới (WB) Justin Yifu nói rằng nếu Trung Quốc định giá lại đồng NDT vào thời điểm hiện nay thì điều này sẽ gây tổn thương hơn là có lợi cho kinh tế Mỹ.
Ông thừa nhận nếu Trung Quốc ngừng bán ra đồng NDT và ngừng mua các ngoại tệ khác – chính sách bị cho là đã khiến đồng NDT thấp một cách giả tạo, thì xuất khẩu của Trung Quốc sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Tuy nhiên, bởi vì hầu hết các sản phẩm mà Trung Quốc xuất sang Mỹ là những hàng hoá sử dụng nhiều lao động mà Mỹ đã ngừng sản xuất từ nhiều năm trở lại đây và Mỹ chỉ có hai lựa chọn là nhập khẩu hàng hoá này từ Trung Quốc hoặc các nước khác. Nếu hàng hoá sử dụng nhiều lao động nhập khẩu vào Mỹ có giá cao hơn, điều này không chỉ ảnh hưởng tới chi tiêu tiêu dùng của người Mỹ mà còn tác động đến tạo việc làm tại đây. Ông Justin Yifu cũng cho rằng các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp ở các nước đang phát triển khác còn cao hơn ở Trung Quốc.
Đài Bắc Kinh 19/5 thì cho rằng, đồng NDT nâng giá là con dao hai lưỡi đối với doanh nghiệp Trung Quốc. Một mặt, sau khi nâng giá, gia nguyên vật liệu quốc tế sẽ hạ thấp, điều này là tích cực đối với doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu mặt hàng hoặc nguyên vật liệu nước ngoài. Nhưng mặt khác, nó cũng sẽ ảnh hưởng đến giá xuất khẩu mặt hàng Trung Quốc.
SBV