Tương lai của dự án dầu khí Sakhalin-2 ở Nga đang được đặt lên bàn cân
Ngày 19/9, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Anh đã tỏ ý lo ngại về triển vọng thực thi dự án dầu khí Sakhalin-2 ở vùng Viễn Đông của Nga sau khi Nga rút lại giấy phép vì vấn đề môi trường trước những lời cáo buộc rằng tập đoàn Shell (Hà Lan/Anh) vi phạm các điều khoản của hợp đồng.
Ủy viên phụ trách năng lượng của EU, Andris Piebalgs, yêu cầu Nga giải thích rõ lý do, trong khi ông Shinzo Abe -người sẽ là Thủ tướng của Nhật Bản trong tương lai- cho rằng sự đình trệ trong việc triển khai dự án nói trên sẽ tác động tiêu cực đến mối quan hệ song phương. Còn giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Claude Mandil, cho rằng quyết định mà Nga đưa ra hôm đầu tuần đồng nghĩa với việc tạm đình chỉ tất cả các công việc trong giai đoạn hai của dự án và sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư ở Nga.
Giới quan sát lo ngại vụ này có thể kéo lùi thời gian thực hiện mục tiêu của Nga là trở thành nhà xuất khẩu năng lượng quan trọng tại thị trường châu Á. Việc tăng cường xuất khẩu dầu khí sang thị trường châu Á là mục tiêu quan trọng trong kế hoạch của Tổng thống Vladimir Putin, người hồi đầu tháng đã nói rằng ông muốn tăng thị phần dầu khí của Nga ở châu Á từ mức 5% hiện nay lên 30% trong vòng 15 năm.
Dự án Sakhalin-2 trị giá 20 tỷ USD là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Nga và là liên doanh có vốn đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới, với Shell nắm giữ 55% cổ phần và hai hãng Nhật Bản là Mitsui & Co Ltd và Mitsubishi Corp sở hữu 45%. Dự án này -bao gồm kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng có công suất 9,6 triệu tấn/năm để cung cấp cho Nhật Bản và Mỹ- là dự án năng lượng lớn duy nhất mà Nga không có công ty trong nước nào tham gia.
Sức ép đối với Shell dường như ngày càng tăng khi Gazprom, tập đoàn dầu khí quốc doanh của Nga, đang cố gắng thuyết phục Shell bán cho họ 25% cổ phần trong dự án, trong khi Chính phủ Nga đang đẩy mạnh chiến dịch tăng cường kiểm soát các nguồn tài nguyên của đất nước. Nga phản đối gay gắt dự định của Shell muốn nâng chi phí ước tính ban đầu của dự án từ 10 tỷ USD lên 20 tỷ USD.
Một ngày sau khi Nga đưa ra quyết định nói trên, Bộ trưởng Kinh tế và Thương Mại Nga, German Gref, nói rằng Nga không ủng hộ tất cả các đề xuất của các nhà đầu tư về việc nâng giá thành của dự án, do chúng sẽ ảnh hưởng tới nguồn doanh thu chung trong tương lai. Vì thế các bên cần có sự nhượng bộ về các vấn đề liên quan trong dự án.
TTXVN