Tỷ giá tăng, xuất khẩu cũng gặp khó
>>USD tăng, doanh nghiệp nhập khẩu điêu đứng
Như Pháp Luật TP.HCM phản ánh trong số báo hôm qua, việc điều chỉnh tỷgiá USD liên ngân hàng làm cho các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu điêu đứng. Trao đổi với chúng tôi, nhiều DN cho biết việc điều chỉnh này còn tác động rất lớn tới tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều DN, cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu.
Chỉ phần gia công sản phẩm may mặc là được hưởng lợi - Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Tổng Giám đốc CTCP Sản xuất - xuất nhập khẩu Dệt may:
Ngành dệt may chủ yếu là xuất khẩu. Theo lý thuyết, chúng ta được hưởng lợi từ chính sách tăng tỷ giá thêm 600 đồng/USD. Nếu như ngành dệt may chỉ gia công thôi, nghĩa là phía bạn hàng nước ngoài đưa vải, đưa chỉ vào thì ta sẽ có lợi. Đơn cử như một chiếc quần soóc có giá gia công là 2 USD, so với đầu tháng 2 thì 1 USD chỉ có 18.000 đồng thôi, nay nâng lên thêm hơn 600 đồng nữa thì đương nhiên là thu nhập có tăng lên.
Trong khi đó, gần 70% nguyên liệu sản xuất ngành dệt may là phải đi nhập khẩu như bông về để kéo ra sợi, hay cúc, chỉ,… thì hầu như không có lợi gì, hoặc có là rất ít, không đáng kể. Thực tế, giá nguyên liệu thế giới đang tăng cao, rồi giá điện tăng... Nói chung là chi phí đầu vào tăng sẽ tác động rất lớn đến các DN sử dụng nhiều lao động như ngành dệt may. Đương nhiên là giá thành sản phẩm sẽ phải tăng nhưng lo ngại là thị trường chưa chấp nhận được điều này. Thậm chí sản lượng xuất khẩu khó có thể tăng trong năm nay.
Với những khó khăn chung của nền kinh tế, giải pháp hiện nay là không nên phụ thuộc quá nhiều vào đồng USD, tức là cần phải đa dạng hóa ngoại tệ. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm thị trường mới là điều rất quan trọng đối với ngành dệt may Việt Nam.
Đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa - Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Điện tử Tân Bình
Đây là hai mặt của vấn đề chứ không thể nói là tỷ giá tăng sẽ hỗ trợ tốt cho xuất khẩu. Ngoại trừ gạo, cà phê, thủy sản, thực tế nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ chốt như dệt may, da giày, điện tử… của Việt Nam có phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu thế giới. Tức là giá trị thặng dư mà chúng ta mang lại quá thấp, khi 70%-80% nguyên liệu của các ngành xuất khẩu nói trên phải đi nhập khẩu.
Khi tỷ giá tăng điều đó cho thấy giá trong nước sẽ tăng theo. Người tiêu dùng trong nước sẽ gánh chịu. Trong bối cảnh hiện nay, việc tìm giải pháp để tăng trưởng đối với DN xuất khẩu là không hề đơn giản. Theo tôi, việc phát triển thị trường trong nước năm 2009 là hướng đi rất đúng đắn cho các DN Việt Nam. Thị trường nội địa có tiềm năng phát triển rất lớn. Bên cạnh đó, các DN nên đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đầu tư nghiên cứu rất bài bản để đưa ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người dân Việt Nam. Đặc biệt, các DN xuất khẩu cũng nên lưu ý chúng ta cần cạnh tranh với hàng ngoại bằng uy tín, chất lượng sản phẩm.
Buộc phải tăng giá bán - Ông Đinh Huy Tam, Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam
Tỷ giá đồng USD tăng cao tác động rất lớn tới ngành thép khi phần lớn nguyên liệu đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Hiện nay, 50% phôi thép, 60%-70% thép phế liệu, nguyên liệu điện cực, vật liệu chịu lửa… đều phải nhập từ nước ngoài. Ngoài ra, phần lớn thép sản xuất đều tiêu thụ ở thị trường nội địa thu bằng tiền VND, trong khi đó mua nguyên liệu bằng USD thì thiệt hại cho DN càng lớn. Trước mắt, hiệp hội đang lấy ý kiến DN xem mức độ thiệt hại đến đâu, cũng như kêu gọi DN tiết kiệm chi phí sản xuất. Tuy nhiên, cùng một lúc nhiều thứ tăng dồn dập như giá điện, than, tín dụng ngân hàng, cộng với tỷ giá đồng USD tăng thì buộc DN thép phải tăng giá bán để bù đắp chi phí.
Xuất khẩu nhiều thì mới có lợi - Ông Lê Trung Hải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam
Rõ ràng tỷ giá đồng USD tăng cao ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của dệt may bởi đây là ngành nhập nhiều nguyên phụ liệu nhưng cũng là ngành xuất khẩu rất lớn. DN nào nhập nguyên phụ liệu về để sản xuất bán hàng nội địa thì khi tỷ giá USD tăng chắc chắn sẽ lỗ, còn DN xuất càng nhiều thì càng có lợi. Trước đây khi tình hình kinh tế ổn định, DN thường ký hợp đồng mua nguyên phụ liệu khá dài hơi nhưng thời gian gần đây DN lại ký ngắn hạn do lo sợ khủng hoảng kinh tế cũng như tỷ giá ngoại tệ thường xuyên biến động. Việc ký ngắn hạn ở thời điểm hiện tại chính là bất lợi cho DN dệt may bởi tỷ giá USD đang lên cao. DN khi hết hợp đồng phải mua nguyên phụ liệu với giá cao.
Hiện chúng tôi đang gửi văn bản lấy ý kiến DN xem tỷ giá USD tăng ảnh hưởng như thế nào đến DN. Tuy nhiên, chủ trương của tập đoàn là đẩy mạnh xuất khẩu để giảm thiệt hại do USD tăng cao. Còn với DN sản xuất bán hàng nội địa thì phương án tăng giá cũng đang được tính đến.
L.Thanh - Tr.Hiếu
PHÁP LUẬT