Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư XDCB đạt mức cao
Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 10 tháng đầu năm, tổng nguồn vốn tập trung của ngân sách nhà nước năm 2009 giải ngân cho đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) đạt trên 77.455 tỷ đồng, bằng 76,4% kế hoạch năm (cùng kỳ năm 2008 chỉ đạt 63,8%).
Tình hình giải ngân vốn cho đầu tư XDCB đang có khởi sắc rõ rệt, đặc biệt kể từ tháng 8/2009 trở lại đây (thời điểm Luật sửa đổi một số điều luật liên quan đến đầu tư XDCB có hiệu lực). Với tiến độ giải ngân như hiện nay, Bộ Tài chính dự báo, cả năm, tổng số vốn ngân sách tập trung cho XDCB giải ngân đạt khoảng 99.802 tỷ đồng, đạt 98,4% kế hoạch năm. Đây là tỷ lệ giải ngân cao nhất kể từ trước đến nay.
Ngoài số vốn thuộc kế hoạch năm 2009 kể trên, số vốn thuộc kế hoạch 2008 còn lại tiếp tục được thực hiện và giải ngân tính đến hết tháng 10 đã thực hiện được 22.000 tỷ đồng, đạt 98%. Trong 2 tháng cuối năm, nguồn vốn này chỉ còn gần 490,5 tỷ đồng nên hoàn thành việc giải ngân nguồn vốn tồn đọng này chắc chắn sẽ đạt được.
Công tác giải ngân cho đầu tư phát triển, đặc biệt là giải ngân cho việc đầu tư XDCB năm 2009 được Bộ Tài chính đánh giá là tốt nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, xét trên từng khâu của quá trình đầu tư, Bộ Tài chính cho rằng, việc đầu tư XDCB bằng nguồn vốn ngân sách tập trung, nguồn vốn trái phiếu chính phủ vẫn còn không ít hạn chế.
Cụ thể, theo quy định về triển khai kế hoạch vốn năm 2009 thì các bộ, ngành, địa phương phải triển khai giao dự toán trước ngày 31/12/2008 (cơ quan nào không triển khai kế hoạch vốn đúng thời hạn sẽ bị cắt giảm nguồn vốn), nhưng đến hết ngày 31/12/2008 mới có 81% số cơ quan ở Trung ương triển khai đúng hạn. Và phải đến hết tháng 3/2009 thì về cơ bản toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố đã triển khai phân bổ xong kế hoạch vốn năm 2009.
Trong công tác phân bổ dự toán ngân sách năm 2009, theo Bộ Tài chính thì vẫn còn những tồn tại mà nhiều năm vẫn chưa được khắc phục như tính dàn trải; công trình thiếu thủ tục (đặc biệt một số dự án chuẩn bị đầu tư), bố trí vốn cho các dự án nhóm B quá 4 năm, nhóm C quá 2 năm...
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nguyên nhân của tình trạng trên là do năm 2009, cùng với chủ trương kích cầu đầu tư, mức vốn trái phiếu chính phủ dành cho đầu tư phát triển rất lớn, gồm chuyển tiếp từ năm trước, thuộc kế hoạch năm và bổ sung thêm.
Do khối lượng dự án, lượng vốn tăng nên khối lượng công việc của các chủ đầu tư, cơ quan chủ quản đầu tư tăng lên đột biến trong khi năng lực cũng như lực lượng cán bộ làm công tác quản lý đầu tư của các đơn vị chưa kịp đáp ứng, đặc biệt đối với một số chủ đầu tư làm công tác kiêm nhiệm đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện giải ngân.
Mặc dù thủ tục đầu tư đã được liên tục cải tiến, sửa đổi theo hướng phân cấp mạnh mẽ, song thực tế thời gian từ khi triển khai lập, thẩm định, phê duyệt dự án, tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, đến tổ chức thi công lên khối lượng nghiệm thu thanh toán vẫn mất rất nhiều thời gian; khi đi vào thực tế lại mất thêm thời gian cho các thủ tục điều chỉnh. Vì vậy tiến độ giải ngân cũng rất bị ảnh hưởng.
Công tác giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nóng đối với các dự án đầu tư trong năm 2009, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư với việc điều chỉnh, cải cách cơ chế chính sách liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng theo hướng tăng hỗ trợ đối với những đối tượng bị thu hồi cũng tạo tâm lý trông chờ chính sách mới của đối tượng bị thu hồi dẫn đến chậm chễ cho công tác giải phóng mặt bằng tại các địa phương.
Luật sửa đổi một số điều luật liên quan đến đầu tư XDCB được xem là đòn bẩy thúc đẩy việc xử lý tất cả những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư XDCB bằng nguồn vốn ngân sách cũng như nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, sau 4 tháng đi vào thực hiện, Bộ Tài chính cho rằng, đã xuất hiện nhiều trở ngại trong việc đưa Luật sửa đổi một số điều luật liên quan đến đầu tư XDCB vào cuộc sống.
Đơn cử, Luật phân cấp khá mạnh mẽ cho chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án như được quyết định và chịu trách nhiệm về định mức, đơn giá, hồ sơ thầu... Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại tâm lý né tránh trách nhiệm, không dám tự quyết, đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên.
Mạnh Bôn
ĐẦU TƯ