Tin tức
UOB điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2025 lên mức 6.9%

UOB điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2025 lên mức 6.9%

08/07/2025

Banner PHS

UOB điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2025 lên mức 6.9%

Bộ phận Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore) vừa có báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 2/2025.

Việt Nam: Xuất khẩu sớm tăng tốc, kinh tế quý 2 khởi sắc

GDP thực tế của Việt Nam trong quý 2/2025 đã phục hồi mạnh mẽ, đạt mức tăng 7.96% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa dự báo của Bloomberg là 6.85% và dự báo của UOB là 6.1%, cũng như so với mức đã điều chỉnh của quý 1/2025 là 7.05%. Trong nửa đầu năm 2025, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7.52% so với cùng kỳ, đây là mức tăng mạnh nhất trong nửa đầu năm kể từ khi có số liệu năm 2011.

Mức tăng trưởng vượt trội của Việt Nam trong nửa đầu năm chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu được thúc đẩy trước thời hạn áp thuế, đã tăng mạnh 14% so với cùng kỳ, trong bối cảnh tâm lý thị trường phục hồi sau khi Tổng thống Mỹ Trump rút lại tuyên bố áp thuế vào “Ngày Giải phóng” 02/04 và thay vào đó áp dụng mức thuế cơ bản đồng đều 10% đối với tất cả đối tác thương mại trong vòng 90 ngày tiến hành đàm phán thuế

Diễn biến mới nhất trong đàm phán thương mại với Mỹ đang cho thấy tín hiệu tích cực đối với Việt Nam, sau khi Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế 20% lên hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ, và 40% đối với hàng trung chuyển. UOB cho rằng giai đoạn căng thẳng nhất đã qua và dự báo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm 2025 sẽ ở mức vừa phải. Theo đó, điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2025 thêm 0.9 điểm phần trăm, lên mức 6.9%.

Giai đoạn tồi tệ nhất có thể đã qua, nhưng chính sách thuế vẫn là rào cản lớn

Tuyên bố “Ngày Giải phóng” hôm 02/04 của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây chấn động khi áp mức thuế “đối ứng” lên đến 46% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ - một trong những mức cao nhất trong số các đối tác thương mại của Mỹ. Tuy nhiên, đến ngày 09/04, ông Trump tuyên bố tạm hoãn áp dụng mức thuế này trong 90 ngày và thay vào đó áp dụng mức thuế cơ bản đồng đều 10% cho tất cả đối tác thương mại. Thời gian miễn áp thuế này dự kiến kết thúc vào 09/07, và đến nay chưa có dấu hiệu rõ ràng nào về định hướng tiếp theo của chính sách thương mại Mỹ.

Với Việt Nam, điểm tích cực là vào ngày 02/07, Tổng thống Trump đã tuyên bố áp mức thuế 20% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ, và 40% đối với hàng trung chuyển. Dù vẫn là mức thuế đáng kể, con số này thấp hơn nhiều so với mức 46% ban đầu công bố ngày 02/04 và được xem là giảm đáng kể cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Hiện tại, vẫn chưa có thông tin chi tiết nào về thỏa thuận thương mại giữa 2 bên và cả 2 Chính phủ cũng chưa có thông báo chính thức. Một điểm then chốt trong đàm phán là cách xác định rõ ràng thế nào là “hàng trung chuyển”. Trong trường hợp này, trọng tâm thảo luận giữa 2 nước nhiều khả năng xoay quanh quy tắc xuất xứ, cụ thể là tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa để một sản phẩm được công nhận là “Sản xuất tại Việt Nam”. Nếu Mỹ yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa cao hơn, chẳng hạn 40-50% hoặc thậm chí cao hơn, điều này có thể gây bất lợi cho ngành sản xuất non trẻ của Việt Nam, vốn dựa vào lực lượng lao động dồi dào với chi phí thấp, thay vì công nghệ sản xuất tiên tiến. Ngược lại, nếu mức yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa chỉ ở mức 20-30% hoặc thấp hơn, đây sẽ là tín hiệu tích cực, cho phép hoạt động kinh doanh tiếp tục ổn định mà ít bị gián đoạn.

Vào ngày 05/07, Tổng thống Trump cho biết Chính phủ Mỹ sẽ bắt đầu gửi thư thông báo cho các quốc gia liên quan về mức thuế mới sẽ được áp dụng từ ngày 01/08. Có khoảng 10-12 thư được gửi đi trong ngày 05/07, và các thư tiếp theo sẽ được gửi trong những ngày tới. Theo ông Trump, các mức thuế mới có thể dao động từ 60-70% đến 10-20%. Sau đó, ông xác nhận một số thư đã được ký và sẽ gửi đi vào 07/07, đồng thời cho biết có 12 quốc gia liên quan nhưng từ chối nêu tên hoặc công bố cụ thể mức thuế áp dụng cho từng nước.

Việt Nam đặc biệt dễ bị tổn thương trước các căng thẳng thương mại do tính chất mở của nền kinh tế: xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm tới 83% GDP của Việt Nam - cao thứ 2 trong khu vực ASEAN, chỉ sau Singapore (182%) - đồng thời Việt Nam có mức độ phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ.

Năm 2024, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 406 tỷ USD, tiếp theo là Trung Quốc (15%) và Hàn Quốc (6%). Các mặt hàng chính xuất khẩu sang Mỹ bao gồm: sản phẩm điện và điện tử (mã HS85) đạt 41.7 tỷ USD, điện thoại di động và sản phẩm liên quan (HS84) đạt 28.8 tỷ USD, đồ nội thất (HS94) đạt 13.2 tỷ USD, giày dép (HS64) đạt 8.8 tỷ USD, hàng dệt kim (HS61) đạt 8.2 tỷ USD, và hàng dệt không dệt kim (HS62) đạt 6.6 tỷ USD. Các nhóm hàng này chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong năm 2024.

Dù mức thuế mới được điều chỉnh giảm còn 20% thay vì mức cao tới 46% trước đó, Việt Nam và các nước xuất khẩu khác vẫn phải đối mặt nhu cầu tiêu dùng và đơn hàng từ Mỹ suy yếu, do người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ sẽ phải trả giá cao hơn cho các sản phẩm nhập khẩu.

Dựa trên mức thuế mới, UOB điều chỉnh lại giả định về triển vọng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2025, so với kịch bản đã nêu trong báo cáo “Việt Nam: GDP quý 1 bị lu mờ bởi thuế quan của Trump, ngày 07/04”. Cụ thể, UOB hiện dự báo xuất khẩu sang Mỹ sẽ tăng nhẹ 5% (so với mức tăng 23% trong năm 2024), thay vì giảm 20% như ước tính trước đó sau tuyên bố "Ngày Giải phóng". Với các thị trường ngoài Mỹ, UOB kỳ vọng xuất khẩu tăng 10%, tương đương mức tăng 11.3% trong năm 2024. Tổng thể, xuất khẩu của Việt Nam dự kiến chỉ tăng 8.5% trong năm 2025, thấp hơn đáng kể so với mức 14% năm trước.

Dựa trên các giả định này và sau khi tính đến tác động đối với sản xuất và dòng vốn FDI, mô hình của UOB ước tính tăng trưởng GDP Việt Nam 2025 sẽ cao hơn 0.9 điểm phần trăm so với dự báo cơ sở ban đầu.

Do đó, UOB điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2025 thêm 0.9 điểm phần trăm lên mức 6.9% (so với dự báo trước đó là 6%), so với mức 7.09% trong năm 2024. UOB dự báo tăng trưởng GDP quý 3 và 4/2025 khoảng 6.4%. Trong điều kiện này, dòng vốn FDI thực hiện dự kiến đạt khoảng 20 tỷ USD trong năm nay.

NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách trong thời điểm hiện tại

Với lạm phát tổng thể và lạm phát cơ bản vẫn dưới mục tiêu chính thức 4.5% trong nửa đầu năm 2025 và phần lớn năm 2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có khả năng cân nhắc nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, diễn biến trên thị trường ngoại hối cũng là một yếu tố quan trọng mà NHNN cần xem xét. Đồng Việt Nam (VND) là đồng tiền giảm giá mạnh nhất châu Á trong nửa đầu năm 2025, giảm 2.5% so với USD. Ngược lại, các đồng tiền trong khu vực được hưởng lợi từ sự suy yếu của USD, với mức tăng dao động từ 12% đối với TWD đến 2.5% đối với CNH trong cùng thời điểm.

Bên cạnh đó, kết quả tăng trưởng tích cực của nền kinh tế nói chung có thể đã làm giảm áp lực phải nới lỏng chính sách. Do vậy, UOB kỳ vọng NHNN giữ nguyên lãi suất chính sách hiện tại, với lãi suất tái cấp vốn được duy trì ở mức 4.5%.

Tuy nhiên, nếu tình hình kinh doanh trong nước và thị trường lao động xấu đi đáng kể trong 1-2 quý tới, UOB cho rằng NHNN có thể hạ lãi suất chính sách 1 lần xuống mức thấp trong thời kỳ COVID-19 là 4%, tiếp theo là một đợt giảm 50 điểm cơ bản xuống còn 3.5%, với điều kiện thị trường ngoại hối ổn định và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất. Hiện tại, kịch bản cơ sở vẫn là NHNN sẽ không thay đổi chính sách.

UOB dự báo VND sẽ duy trì gần mức thấp trong biên độ giao dịch so với USD đến hết quý 3/2025. Tuy nhiên, sang quý 4/2025, VND có thể bắt đầu phục hồi phù hợp với xu hướng hồi phục chung của các đồng tiền châu Á khi những bất ổn thương mại giảm bớt. Dự báo tỷ giá USD/VND cập nhật là: 26,400 trong quý 3/2025; 26,200 trong quý 4/2025; 26,000 trong quý 1/2026; và 25,800 trong quý 2/2026.

Hàn Đông

FILI - 15:58:00 08/07/2025

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh
(cũ: Phường Tân Phú, Quận 7)

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng