Tin tức
Urê im ắng, mừng hay lo?

Urê im ắng, mừng hay lo?

07/12/2005

Banner PHS

Urê im ắng, mừng hay lo?

Trước vụ đông xuân, Hiệp hội phân bón Việt khẳng định thiếu 400 ngàn tấn, còn con số này từ các bộ chỉ 100 ngàn tấn. Có ý kiến: cung - cầu urê đang bão hòa và con số “thiếu” của Hiệp hội chỉ là “đòn gió” để cứu hàng chục nghìn tấn urê ế ẩm của doanh nghiệp nhập khẩu...

Trước vụ đông xuân, Hiệp hội phân bón Việt khẳng định thiếu 400 ngàn tấn, còn con số này từ các bộ chỉ 100 ngàn tấn. Có ý kiến: cung - cầu urê đang bão hòa và con số “thiếu” của Hiệp hội chỉ là “đòn gió” để cứu hàng chục nghìn tấn urê ế ẩm của doanh nghiệp nhập khẩu...

 

Theo báo cáo của Tổ điều hành thị trường trong nước ngày 24/11/2005, giá urê tại các tỉnh phía Nam tăng từ 100 - 150 đồng/kg và giá bán lẻ các tỉnh phổ biến mức 4.600 - 4.900 đồng/kg; giá bán buôn từ 4.300 - 4.400 đồng/kg nhưng chỉ 10 ngày sau (3/12), mức giá này lại tụt xuống. Bản tin của Trung tâm thương mại (Bộ Thương mại) cho biết, hiện tại, giá urê đang giảm từ 150 - 160 đồng/kg: đồng bằng sông Cửu Long chỉ 4.600 đồng/kg, phân DAP khoảng 5.490 đồng/kg; phía Bắc, giá urê dao động từ 4.400 - 4.500 đồng/kg.

 

Giá giảm, đồng nghĩa với tồn đọng hàng nghìn tấn trong các kho chứa hàng của các doanh nghiệp cung ứng lớn. Khiến các doanh nghiệp này không dám mở đơn hàng mới với các đối tác trong và ngoài nước, dù vụ đông xuân đã cận kề. Ông Đinh Hữu Lộc, Giám đốc Nhà máy đạm Phú Mỹ cho biết:

 

“Phú Mỹ mở giá 4.370 đồng/kg từ 15/11/2005 nhưng tiêu thụ rất chật vật. Một doanh nghiệp đã ký hợp đồng nhưng đành phá ngang vì sợ lỗ”. Tại sao thị trường urê đầu vụ đông xuân lại im ắng như vậy?

 

Những năm trước đây, tổng cầu urê luôn ổn định từ 2 - 2,2 triệu tấn/năm nhưng hiện tại, con số này chỉ 1,7 triệu tấn/năm. Thị phần urê ngày càng thu hẹp, chủ yếu xuất phát từ mấy lý do cơ bản sau:

 

Thứ nhất, gần đây do có phong trào “3 giảm, 3 tăng”: giảm giống - phân - nông dược và tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả nên nông dân sử dụng urê ít đi.

 

Thứ hai, diễn biến phức tạp của thời tiết gần đây đã làm dịch chuyển thời điểm bón urê theo mùa vụ. Nông dân thường bón chậm lại, thay thế bằng nguồn phân khác hoặc bỏ không bón, làm cho yếu tố cầu giảm.

 

Thứ ba, nhiều năm trước, khi sản xuất trong nước mới chỉ có đạm Hà Bắc cung ứng 160 ngàn tấn/năm (hết công suất) thì thị phần urê nhập khẩu chiếm đến 93% và toàn bộ thị trường này hoàn toàn do các nhà nhập khẩu điều tiết về giá và cân đối cung cầu, lượng tồn kho rất ít.

 

Nhưng kể từ lúc đạm Phú Mỹ ra đời, tình hình đã khác. Hiện tại, nếu phát huy hết công suất, sản lượng của Phú Mỹ và Hà Bắc có thể chiếm đến 52%, có thời điểm chiếm tới 60% thị phần.

 

Tại công văn số 1100/CV ngày 14/11/2005 gửi Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội phân bón Việt Nam cho biết: tính đến 31/12/2005, tổng số urê nhập khẩu chỉ còn 170 ngàn tấn và nguồn sản xuất trong nước là 270 ngàn tấn. Cộng 2 nguồn đến 30/12/2005 là 440 ngàn tấn.

 

Trong khi con số này của Tổ điều hành thị trường trong nước từ 622 - 632 ngàn tấn (bao gồm tổng có đến 12/11 là 562 ngàn tấn cộng với bổ sung sản xuất đến 30/12 từ 60 - 70 ngàn tấn). Thêm một “vênh” nhau về số liệu nữa: theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nhu cầu urê cho đông xuân cả nước là 860 ngàn tấn, trong đó: miền Nam: 480 ngàn tấn, miền Trung: 130 ngàn tấn, miền Bắc: 250 ngàn tấn. So với tổng có 440 ngàn tấn thì phải nhập khẩu thêm 400 ngàn tấn. Ngược lại, con số này của Tổ điều hành thị trường chỉ 100 ngàn tấn.

 

Giữa lúc mỗi bên đưa ra con số khác nhau và chưa xác định cụ thể phải nhập 100 ngàn hay 400 ngàn tấn thì trên thực tế, giá urê đang giảm nhanh và cung cầu đang bão hòa. Rất nhiều doanh nghiệp nhập khẩu đang ế ẩm gần 200 nghìn tấn urê trong các kho hàng. Ông Đinh Hữu Lộc cho biết: “Hiện tại Phú Mỹ không hạn chế quota cho mỗi đơn hàng, giá bán sát giá nhập khẩu nhưng tiêu thụ vẫn ì ạch”. Có ý kiến nghi ngại, việc “kêu” thiếu của Hiệp hội Phân bón Việt Nam chỉ là cú “kích cầu” để “tiêu” hết số hàng tồn kho mà thôi!

 

Trong dài hạn, thị phần sản xuất urê chưa dừng ở đây. Vài năm tới, Nhà máy đạm Ninh Bình công suất 560 ngàn tấn/năm, đạm Cà Mau 760 ngàn tấn/năm đi vào hoạt động, sản lượng trong nước sẽ vượt qua 2 triệu tấn/năm, không chỉ đủ nhu cầu trong nước mà còn tính tới chuyện xuất khẩu.

 

Nhưng trong ngắn hạn, nhu cầu nhập khẩu mỗi năm vẫn cần khoảng 800 ngàn tấn, vậy phải làm sao để lợi ích các bên: sản xuất - nhập khẩu và nông dân được hài hòa? Qua theo dõi, thị trường phân bón hiện nay vẫn còn nhiều bất ổn. Lý do trực tiếp là sự chuyển giao “quyền lực” điều hành thị trường giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu. Giữa lúc sản xuất trong nước luôn có lợi thế hơn về giá và chi phí: được phép bán thấp hơn giá nhập khẩu 5%, không chịu phí bảo hiểm, thanh toán ngân hàng và trong tình thế giằng co thị phần thì thế yếu luôn thuộc về các doanh nghiệp nhập khẩu. Vì thế, một chính sách ổn định vĩ mô trong thời điểm này là vô cùng cần thiết.

TBKTVN

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh
(cũ: Phường Tân Phú, Quận 7)

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng