Tin tức
Vai trò gia tăng của các nền kinh tế đang phát triển và quyết tâm khôi phục vòng đàm phán Đôha

Vai trò gia tăng của các nền kinh tế đang phát triển và quyết tâm khôi phục vòng đàm phán Đôha

01/02/2007

Banner PHS

Vai trò gia tăng của các nền kinh tế đang phát triển và quyết tâm khôi phục vòng đàm phán Đôha

Diễn đàn Kinh tế thế giới 207 diễn ra trong các ngày từ 24 đến 28/1 tại Đavốt (Thụy Sỹ) đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận thế giới, khi có sự tham dự của 24 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước, trên 1.000 chuyên gia trên nhiều lĩnh vực khác nhau và trên 860 tổng giám đốc điều hành các doanh nghiệp lớn trên thế giới.

Diễn đàn thuờng niên năm nay có chủ đề "Thay đổi cán cân quyền lực" đã tập trung thảo luận nhằm tìm kiếm bước đột phá cho vòng đàm phán Đôha về tự do hoá thương mại toàn cầu, cũng như các giải pháp cho các vấn đề môi trường-năng lượng, và vai trò ngày một gia tăng của các nền kinh tế mới nổi.

Vòng đàm phán về tự do thương mại toàn cầu được phát động tại Đôha năm 2001 đã rơi vào tình trạng bế tắc kể từ tháng 7/06 chủ yếu do mâu thuẫn không thể điều hòa giữa nhóm các nước thành viên phát triển và đang phát triển trong WTO về vấn đề trợ cấp nông nghiệp. Ngay cả cuộc gặp cấp cao Mỹ-EU vừa diễn ra đầu tháng 1/07 vẫn chưa thực sự mở đường cho một thỏa thuận thành công với Braxin và Ấn Độ - đại diện cho nhóm nước thành viên đang phát triển trong WTO. Tuy nhiên, triển vọng dường như đã sáng sủa hơn khi các nhà lãnh đạo kinh tế bước vào cuộc thảo luận chính thức với dự báo vòng đàm phán này sẽ có bước đột phá trong vòng 1 tháng nữa của đại diện thương mại EU Peter Maldanson.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet ngày 27/1 đã cảnh báo thất bại của vòng đàm phán Đôha có thể gây nguy hiểm đối với nền kinh tế thế giới. Ông nói: "Nguy hiểm đầu tiên chính là vòng đàm phán hiện nay không mang lại kết quả". Thứ trưởng Tài chính Mỹ Robert M. Kimmitt tuyên bố Mỹ hoàn toàn ủng hộ việc nối lại vòng đàm phán Đôha. Trước đó, đại diện một số thành viên chủ chốt của vòng đàm phán Đôha như Braxin, Ấn Độ, nhóm các nước đang phát triển (G33) đã có các cuộc thảo luận song phương và thảo luận nhóm với mong muốn khai thông được các trở ngại.

Về vấn năng lượng, hội nghị tập trung bàn thảo các biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng toàn cầu, bao gồm phát triển các nguồn nhiên liệu thay thế, khả năng nguồn cung của Nga bị gián đoạn và các cuộc tấn công vào đường ống dẫn dầu ở Irắc và Nigiêria.

Trước đó, Tổng thống Mỹ G. W. Bush đã kêu gọi hạn chế tiêu thụ dầu mỏ để giảm 75% lượng dầu nhập khẩu của Mỹ từ khu vực Trung Đông. Ông Bush cũng đã cam kết sẽ giảm tiêu thụ dầu mỏ thêm 20% trong 10 năm tới.

Phát biểu tại WEF ngày 24/1, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã hoan nghênh đề nghị giảm tiêu thụ dầu mỏ của Tổng thống Mỹ, đồng thời tuyên bố với giới lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị quốc tế về việc Châu Âu mong muốn bước vào cuộc đua Liên Đại Tây Dương để giảm sự phụ thuộc vào xăng dầu.

Liên quan đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu, các đại biểu tiến hành thảo luận những biện pháp giúp các công ty và các chính phủ giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và làm sao có thể tạo ra một môi trường trong sạch trong khi làm ăn vẫn có lợi nhuận. Theo cuộc thăm dò các nhà điều hành doanh nghiệp, có tới 40% các trưởng điều hành cho rằng thay đổi khí hậu là nguy cơ tiềm tàng đối với tốc độ tăng trưởng trong kinh doanh. Thủ tướng Đức Merkel tuyên bố biến đổi khí hậu sẽ là vấn đề chính được đề cập trong bài phát biểu của bà. Còn Thủ tướng Anh Tony Blair -người đã đưa vấn đề môi trường trong diễn đàn Davos 2005- hy vọng WEF 2007 cũng sẽ phác thảo khuôn khổ hậu nghị định thư Kyoto trong tương lai.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo tham dự diễn đàn WEF còn tập trung thảo luận các vấn đề lớn của Châu Phi như viện trợ phát triển, xóa nợ, các cuộc xung đột sắc tộc triền miên, và đặc biệt là chủ đề "lãnh đạo một thế giới được nối mạng" nhằm tăng cường quản lý và đẩy mạnh việc sử dụng Internet trong nhiều lĩnh vực.

Chủ tịnh đồng thời là người sáng lập diễn đàn WEF Klaus Schwab nhận định thế giới hiện đang có những thay đổi cơ bản với các mối quan hệ đan xen. Chính vì vậy, các tổ chức cũng cần phải tìm cách thích ứng với những thay đổi đó. Thay đổi cán cân quyền lực diễn ra trên nhiều phương diện. Ngoài những thay đổi về địa chính trị với sự nổi lên của Trung Quốc và Ấn Độ, còn có những thay đổi quyền lực chuyển sang người tiêu dùng và các cổ đông trong giới lãnh đạo doanh nghiệp.

Ông Zhu Min, Giám đốc điều hành hàng đầu của Ngân hàng nhà nước Trung Quốc dự đoán mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tiếp tục ở tốc độ 10%, do lạm p̣hát thấp, tiêu thụ nội địa gia tăng và lợi nhuận cao. Phó Chủ tịch Uỷ ban Kế hoạch của Ấn Độ, Montek Ahlwalia, cũng tỏ ra lạc quan không kém khi cho biết, mặc dù có một số dấu hiệu lạm phát, quá nóng trong nền kinh tế, nhưng nói chung tình hình đều được kiểm soát tốt, mức đầu tư vào Ấn Độ vẫn cao, và dự kiến 5 năm tới Ấn Độ sẽ đạt mức tăng trưởng 10%/năm.

Thủ tướng Đức Merkel - hiện giữ chức chủ tịch Nhóm G8- cho rằng 10 năm sau khi Nga được mời gia nhập, Trung Quốc và Ấn Độ cũng sẽ được hưởng quan hệ gần gũi với nhóm các cường quốc giàu có này. Theo các nhà kinh tế, khoảng 40% đến 50% sản lượng kinh tế toàn cầu hiện nay là xuất phát từ các nền kinh tế mới nổi lên và đây cũng là một trong những lý do để diễn đàn WEF 2007 với sự tham gia của gần 2.500 nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp lấy khẩu hiệu "thay đổi cán cân quyền lực".

TTXVN

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng