Tin tức
VAMC được sử dụng vốn để đầu tư khi nào?

VAMC được sử dụng vốn để đầu tư khi nào?

24/07/2013

Banner PHS

Ngày 23/7, Bộ Tài chính đã ra Dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ tài chính đối với Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Theo nội dung trong dự thảo, VAMC ngoài việc mua nợ xấu thì còn được sử dụng vốn để đầu tư ra ngoài (không thông qua việc mua bán nợ và tài sản).

Tại Điều 3 của Thông tư nêu rõ Sử dụng vốn, tài sản của VAMC. Cụ thể: VAMC có trách nhiệm quản lý, sử dụng, theo dõi toàn bộ tài sản và vốn hiện có, thực hiện hạch toán theo đúng chế độ kế toán hiện hành; phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời tình hình sử dụng, biến động của vốn và tài sản trong quá trình kinh doanh; quy rõ trách nhiệm và hình thức xử lý đối với từng bộ phận, cá nhân trong trường hợp làm hư hỏng, mất mát tài sản, tiền vốn của VAMC...

Trái phiếu đặc biệt chỉ được sử dụng để mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định tại khoản 1, Điều 7 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP. VAMC được sử dụng các nguồn vốn hợp pháp của VAMC ngoại trừ trái phiếu đặc biệt để mua các khoản nợ xấu theo giá trị thị trường theo quy định tại khoản 2, Điều 7 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP. Hội đồng thành viên của VAMC xây dựng phương án mua các khoản nợ xấu theo giá trị thị trường trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận trước khi thực hiện.

VAMC được sử dụng vốn để đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ hoạt động của VAMC theo nguyên tắc trang bị phù hợp với nhu cầu hoạt động của VAMC, hiệu quả, tiết kiệm và tuân thủ các quy định của Nhà nước đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu về đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản cố định.

VAMC chỉ được sử dụng vốn để đầu tư ra ngoài (không thông qua việc mua bán nợ và tài sản) dưới các hình thức sau: 

Thứ nhất, gửi tiền tại các tổ chức tín dụng trong nước.

Thứ hai, tham gia góp vốn, mua cổ phần để cơ cấu lại tài chính và hoạt động của khách hàng vay theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 12 và khoản 4, Điều 16 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP. Việc góp vốn, mua cổ phần thực hiện theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Khoản nợ VAMC mua theo giá trị thị trường khi chuyển thành vốn góp, vốn cổ phần được xác định là một khoản đầu tư. VAMC thực hiện theo dõi và hạch toán khoản đầu tư này theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, sửa chữa, nâng cấp tài sản đảm bảo đã được VAMC thu nợ theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 12 Nghị định 53/2013/NĐ-CP nhằm mục đích gia tăng giá trị, tạo thuận lợi cho việc xử lý tài sản để thu hồi nợ. Việc sửa chữa, nâng cấp tài sản phải theo phương án xử lý nợ xấu đã được cấp có thẩm quyền quy định tại Điều lệ VAMC phê duyệt; đồng thời tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng.

Thứ tư, VAMC được sử dụng vốn để đầu tư, cung cấp tài chính cho khách hàng vay để xử lý khó khăn tài chính tạm thời và phục hồi sản xuất kinh doanh theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định 53/2013/NĐ-CP trong trường hợp đánh giá khách hàng có khả năng hoàn trả khoản đầu tư, cung cấp tài chính của VAMC đúng hạn.

Cũng theo dự thảo, VAMC phải gửi báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán kèm theo báo cáo kiểm toán cho Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngay sau khi kết thúc kiểm toán.

Theo PV

Diễn đàn doanh nghiệp

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng