Tin tức
“Vấn đề của Việt Nam bây giờ không còn là tăng về số lượng”

“Vấn đề của Việt Nam bây giờ không còn là tăng về số lượng”

05/06/2006

Banner PHS

“Vấn đề của Việt Nam bây giờ không còn là tăng về số lượng”

Ông Klaus Rohland, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam vừa dành cho chúng tôi một cuộc trao đổi về những nội dung chính tại hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) giữa kỳ, dự kiến sẽ diễn ra từ 9 đến 10/6 tại Nha Trang...

Ông Klaus Rohland, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam vừa dành cho chúng tôi một cuộc trao đổi về những nội dung chính tại hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) giữa kỳ, dự kiến sẽ diễn ra từ 9 đến 10/6 tại Nha Trang.

Thưa ông, tại hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) giữa kỳ diễn ra tại Nha Trang, chủ đề chính sẽ được đưa ra thảo luận giữa chính phủ và các nhà tài trợ liên quan đến Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam giai đoạn 2006-2010 và đưa ra các khuyến nghị?

Đúng vậy! Chúng tôi sẽ thảo luận về chủ đề này nhằm đưa ra tầm nhìn dài hạn hơn về sự phát triển của Việt Nam cho 5 năm tới.

Điều đầu tiên phải ghi nhận của kế hoạch 5 năm này là đã được tham vấn rộng rãi và sâu sắc với người dân Việt Nam, cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, với cả doanh nghiệp nước ngoài, Việt kiều, cộng đồng doanh nghiệp quốc tế tại Việt Nam. Quá trình tham vấn rất tích cực và đáng chú ý. Tôi tin tưởng kế hoạch 5 năm tới chú trọng đến giảm nghèo và đem lại sự tăng trưởng đồng đều cho người dân vẫn là vấn đề trung tâm.

Chúng tôi cũng thảo luận rất nhiều với Chính phủ về khía cạnh giả định tài chính của kế hoạch 5 năm đó. Đây là kế hoạch có mục tiêu rất tham vọng. Tất nhiên kế hoạch thì phải tham vọng nhưng khi thực hiện phải có điều chỉnh thay đổi theo môi trường thực tế cũng như mức nguồn lực tài chính mà chúng ta có để tài trợ cho đầu tư. Chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ Việt Nam làm sao chú trọng vào chất lượng của đầu tư.

Hiện nay, Việt Nam đã đầu tư gần 40% GDP, trừ Trung Quốc đây là tỉ lệ đầu tư cao nhất trên thế giới. Như vậy, để tăng trưởng, vấn đề của Việt Nam bây giờ không còn là tăng về số lượng mà cần chú trọng vào hiệu quả.

Điều này liên quan đến việc quản lý tài sản như thế nào? Đầu tư vào đường mới cũng rất quan trọng nhưng mạng lưới đường đó phải được bảo dưỡng phù hợp còn quan trọng hơn. Đây chính là mối liên hệ giữa ngân sách đầu tư và ngân sách chi thường xuyên.

Sẽ là lãng phí thời gian nếu chúng ta lại quá đầu tư nhiều mà không có khả năng bảo dưỡng, bảo dưỡng không tốt lại phải xây dựng lại từ đầu. Chúng ta muốn tránh “cái bẫy” đó thì phải điều chỉnh lại giữa chi đầu tư và chi thường xuyên .

Quản lý hành chính công ở Việt Nam cũng sẽ được thảo luận ở CG. Vấn đề này không chỉ liên quan đến tham nhũng mà bao quát cả hiệu quả làm thế nào để giảm quan liêu để Chính phủ có thể ra quyết định dựa trên thông tin tốt hơn nhưng tốc độ quyết định phải nhanh hơn. Nếu chúng ta chậm trễ về đầu tư 1 tháng có nghĩa là chậm 1 tháng trong việc cải thiện dịch vụ cho người dân Việt Nam.

Bên cạnh đó, hiệu quả trong quản lý hành chính công, hệ thống tạo điều kiện cho trách nhiệm giải trình tốt hơn đối với những người ở vị trí có nhiệm vụ, là một loạt vấn đề mà kế hoạch 5 năm sắp tới cần phải xử lý.

WB đã từng đưa ra nhiều đánh giá khá tốt về sử dụng vốn ODA tại Việt Nam. Tuy nhiên vừa qua vấn đề sử dụng vốn ODA đã được Quốc hội Việt Nam đưa ra bàn nghị sự và có một số đánh giá không lạc quan về trách nhiệm ban quản lý vốn ODA. Vậy điều này có làm ảnh hưởng đến niềm tin của WB và những đánh giá trước đây không? Tại hội nghị CG, WB và Việt Nam sẽ đưa ra bức tranh về quản lý và sử dụng vốn ODA Việt Nam như thế nào để các nhà tài trợ thảo luận?

Chúng tôi đã có đánh giá chung về việc sử dụng ODA. Những tín dụng của chúng tôi được đánh giá bởi đơn vị thanh tra độc lập của WB khi dự án hoàn thành xong. Và kết quả đánh giá nói chung đạt và thậm chí đạt ở mức độ cao.

Liệu điều đó có nghĩa là tất cả mọi thứ đều hoàn hảo hay không? Chắc là không! Ví dụ như trong trường hợp chúng tôi tài trợ xây dựng 500 km hay 1.000 km đường nông thôn nào đó của Việt Nam, có thể có vấn đề về thiết kế hay thi công chưa tốt lắm. Nhưng điều này khác so với tham nhũng. Đây chỉ là năng lực kỹ thuật về mặt xây dựng chưa tốt có thể xảy ra.

Nhưng nhìn chung danh mục đầu tư và cho vay của chúng tôi xét tổng thể đạt được mục tiêu phát triển. Chúng tôi vẫn tin tưởng vào đánh giá độc lập của mình nhưng cũng khuyến nghị khi thảo luận về vấn đề tham nhũng phải biết phân biệt giữa việc xây dựng không tốt về mặt chất lượng do lí do kỹ thuật với trường hợp tham nhũng.

Nếu tài trợ cho 3.000 km đường nông thôn thì không thể đi hết tất cả con đường đó để xem xem nó được làm như thế nào. Đó là bất khả thi. Những người dân ở thôn và huyện nếu thấy có điều gì đó không tốt có thể liên hệ với chúng tôi hay cơ quan báo chí để thông báo nhằm nâng cao tính minh bạch và thông qua đó cải thiện hiệu quả và chất lượng của các dự án phát triển.

Trong khuôn khổ thảo luận tại CG, nội dung hướng tới nhằm tăng tính minh bạch. Điều xấu xa của tham nhũng là luôn diễn ra trong bóng tối. Những kẻ tham nhũng, kẻ hối lộ muốn chiếm ưu thế so với người khác rất khó xác định nên phải rọi sáng được vùng tối đó.

Liên quan đến phát triển của Việt Nam dường như có những ý kiến trái chiều giữa Việt Nam và các nhà tài trợ. Ví dụ như trên diễn đàn Quốc hội và diễn đàn nhân dân Việt Nam, các ý kiến tỏ ra lo lắng về vấn đề phát triển của Việt Nam trong khi đó các nhà tài trợ luôn đánh giá cao về tiến bộ trong phát triển của Việt Nam,  vấn đề này được hiểu như thế nào, thưa ông?

Khi làm việc với nhóm cố vấn của chính phủ Việt Nam, chúng tôi nghĩ rằng mọi người sẽ phàn nàn ghê lắm về những kết quả chúng tôi đánh giá về Việt Nam, họ sẽ yêu cầu Việt Nam phải có thứ hạng cao hơn.

Nhưng ban cố vấn lại nghĩ khác hẳn. Họ nói tại sao quản trị, quản lý tài chính của chúng tôi được WB đánh giá cao như vậy. Thái độ tự phê phán, đề ra những tiêu chí cao hơn, muốn nghiêm khắc với bản thân mình hơn là những điều khích lệ chúng tôi.

Còn chúng tôi có đánh giá quá tích cực về Việt Nam không? Chúng tôi không nghĩ thế. Bởi vì chúng tôi nhìn từ toàn cảnh với qui mô toàn cầu, đánh giá mọi người như nhau. Tất nhiên không phải mọi thứ ở Việt Nam đều hoàn hảo nhưng cũng hoàn toàn công bằng để nói những gì diễn ra ở Việt Nam trong 10 năm qua so với các nước khác có xuất phát điểm tương tự như Việt Nam cách đây 15 năm thì rõ ràng Việt Nam đã thành công.

TBKTVN

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng