VCCI Đà Nẵng: Cùng DN miền Trung vượt khủng hoảng
Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, đơn hàng xuất khẩu và sức mua giảm. Bên cạnh đó, bão lụt đổ bộ vào miền Trung đã gây thêm nhiều thiệt hại nặng nề cho nhân dân và doanh nghiệp. Trước những khó khăn lớn đó, VCCI đã sát cánh và nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp, đề ra các chương trình, mục tiêu hành động tích cực, vượt qua thời kỳ khủng hoảng. Ngày 12/1/2010, gần 500 doanh nhân khu vực miền Trung – Tây Nguyên về tham dự Hội nghị Hội viên khu vực miền Trung do VCCI Đà Nẵng tổ chức.
Đây là dịp để các doanh nghiệp nói lên những vướng mắc về cơ chế quản lý và mong muốn VCCI báo cáo với Chính phủ điều chỉnh cơ chế hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chấp hành tốt luật pháp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Bà Nguyễn Thị Nhung – Giám đốc Xí nghiệp may tư nhân Kim Anh - Quảng Nam, cho biết: chính sách thay đổi quá nhanh và không phổ biến rộng rãi đến với doanh nghiệp, để xảy ra tình trạng doanh nghiệp thực hiện kê khai không đúng, bị phạt. Trước đây, chính sách thuế xuất khẩu doanh nghiệp ủy thác là 0%. Tháng 6/2007, thông tư 32 của Bộ tài chính quyết định thuế xuất khẩu doanh nghiệp ủy thác là 10%. Thế nhưng các doanh nghiệp tại Quảng Nam không được Cục thuế Quảng Nam thông báo, phổ biến rộng rãi. Đến tháng 4/2008, khi các doanh nghiệp bắt đầu lâm vào khó khăn do ảnh hưởng suy thoái toàn cầu thì Cục thuế Quảng Nam đến truy thu. Có 4 doanh nghiệp may tại Quảng Nam phải đóng đến 700 triệu đồng thuế xuất khẩu doanh nghiệp ủy thác. Các doanh nghiệp phải sao lục lại hóa đơn, kê khai thuế để được hoàn thuế, song nhiều đối tác là doanh nghiệp khác đã phá sản, vẫn phải sao lục kê khai lại hóa đơn cho đúng thủ tục pháp lý nhưng nhưng không được hoàn thuế.
Bà Nhung bức xúc: “Nộp thuế là quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, chúng tôi thực hiện một cách nghiêm túc. Nhưng nếu những thay đổi về chính sách thuế mà không được phổ biến, khiến cho chúng tôi tính toán sai các chi phí hoạt động, không thể điều chỉnh giá thành sản phẩm cho phù hợp. Qua đây, tôi đề xuất, thuế xuất khẩu doanh nghiệp ủy thác về lại mức 0%, xin được miễn thuế cho các doanh nghiệp đã giải thể và nộp phạt thuế khi doanh nghiệp đã có thông tin đầy đủ”.
Chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã thu hút được sự quan tâm của nhân dân và các cấp các ngành. Trong đó VCCI Đà Nẵng đã phối hợp với các trường Đại học và phụ nữ, tuyên truyền vận động sinh viên, phụ nữ ủng hộ mạnh mẽ chương trình này. Các tổ chức và doanh nghiệp đều đạt được hiệu quả cao qua các lần phát động. Theo ý kiến của ông Phan Hải – Giám đốc Công ty Giày BQ, thì: chương trình đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp quảng bá sản phẩm rất tốt. Tuy nhiên, nhiều chương trình khuyến mãi ở Đà Nẵng còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, không tạo được một tổng lực mạnh mẽ. Mặt khác, để người Việt Nam ưa chuộng hàng nội địa không chỉ tuyên truyền lòng yêu nước, mà chính doanh nghiệp hãy tự mình nâng cao chất lượng tốt hơn hoặc ít nhất cũng phải tương đương sản phẩm ngoại nhập. Ông Hải cũng mong muốn, VCCI đẩy mạnh công tác làm trọng tài liên kết doanh nghiệp và mời chuyên gia tập huấn chiến lược thị trường cho doanh nghiệp miền Trung”
Ông Trần Văn Lĩnh – Giám đốc Công ty Cổ phần thuỷ sản và thương mại Thuận Phước, nêu lên những khó khăn mà doanh nghiệp thủy sản miền Trung gặp phải trong năm 2009 là do thuế nhập nguyên liệu quá cao (30%). Nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thuỷ sản mới nghĩ đến bán mà không nghĩ đến mua nguyên liệu. Vùng nguyên liệu mới chỉ tập trung nội địa khiến các doanh nghiệp không có tính chủ động cao. Tại sao chúng ta lại không đẩy mạnh nhập nguyên liệu? Đây cũng chính là cách giúp kích thích sản xuất và bảo vệ tiêu dùng”.
Nhiều doanh nhân khác đề nghị ngân hàng nên tạo điều kiện nhiều hơn để giúp doanh nghiệp giải quyết những khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Bà Nguyễn Thị Tiên Nữ, Giám đốc Công ty CP Thiên Kim cho rằng: ngân hàng không nên thắt chặt tín dụng khi doanh nghiệp cần vay vốn, nhất là những doanh nghiệp đã có uy tín, có chỉ số với ngân hàng khá tốt. Vì trong lúc kinh tế khủng hoảng chung, hầu như doanh nghiệp nào cũng đều bị ảnh hưởng. Khi ngân hàng cắt nguồn vay, doanh nghiệp cũng bị ứ đọng nợ vay, không có khả năng trả nợ. Nhiều doanh nghiệp bị cô lập, không giải quyết được vòng luân chuyển tiền vốn, trong khi nhiều dự án đang có tính khả thi rất cao”.
Để có cái nhìn lạc quan hơn về nền kinh tế Việt Nam, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, cho biết: doanh nghiệp Việt Nam là những người hiểu rõ nội lực của mình và dự đoán chính xác về tình hình phục hồi kinh tế trong nước. Trong tháng 3 và 4/2009, một số chuyên gia nước ngoài và trong nước dự báo, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng lớn của khủng hoảng kinh tế thế giới. Có dự báo cho rằng, có đến 20% doanh nghiệp phá sản, 40% doanh nghiệp điêu đứng, 40% doanh nghiệp đứng vững. Ngay lập tức, VCCI trực tiếp khảo sát các doanh nghiệp trên toàn quốc, qua thống kê có tới 90% doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động và mở rộng sản xuất kinh doanh, chỉ có 10% doanh nghiệp thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa. Doanh nghiệp Việt Nam đã có những nỗ lực và đóng góp lớn vào công cuộc khôi phục nền kinh tế.
VCCI ghi nhận và tập hợp tất cả các ý kiến để đề nghị với các bộ, ngành và Chính phủ nhằm đề ra chính sách vừa có lợi cho đất nước và có lợi cho doanh nghiệp. Về vấn đề Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, ông nhấn mạnh: Muốn cho nhân dân có ý thức và quan tâm đến hàng nội thì chính những doanh nhân phải đi đầu, gương mẫu dùng hàng Việt Nam. Doanh nghiệp sản xuất và cung ứng nguyên vật liệu đều phải ý thức rõ tầm quan trọng của việc người Việt Nam dùng Việt Nam. VCCI đang xây dựng thị trường sản phẩm nội bộ VCCI để các thành viên VCCI sử dụng sản phẩm nội bộ với những cơ chế ưu tiên phù hợp.
Thu Hằng
Công thương