Tin tức
Vì sao chè Việt Nam xuất khẩu chưa có uy tín?

Vì sao chè Việt Nam xuất khẩu chưa có uy tín?

11/11/2005

Banner PHS

Vì sao chè Việt Nam xuất khẩu chưa có uy tín?

Một trong những nguyên nhân dẫn tới chất lượng chè của Việt Nam luôn thấp hơn các nước khác trong khu vực và thế giới lại nằm ngay những khâu đầu của quy trình sản xuất...

Một trong những nguyên nhân dẫn tới chất lượng chè của Việt Nam luôn thấp hơn các nước khác trong khu vực và thế giới lại nằm ngay những khâu đầu của quy trình sản xuất.

 

Ðột phá từ khâu giống và công nghệ

 

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn hiện nay, giống chè Việt Nam rất nhiều: Giống chè trung du chiếm 59% diện tích; giống chè Shan chiếm 27,3% diện tích và gần đây chúng ta mới nhập một số giống chè của Ðài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản... nhưng trong sản xuất, gieo trồng đại trà vẫn là giống chè địa phương, mặc dù đây không phải là những giống chè có chất lượng và năng suất cao (ước tính chỉ có khoảng trên 10%).

 

Các chuyên gia cho rằng, chè Việt Nam hiện nay trồng chủ yếu bằng hạt, trong khi đó thế giới chủ yếu trồng bằng khóm. Ðiều này ảnh hưởng rõ rệt đến năng suất cũng như chất lượng chè xuất khẩu. Ðây là điểm yếu trong thời gian tới chúng ta nên khắc phục.

 

Công nghệ chế biến cũng là vấn đề cần bàn. Theo số liệu thống kê hiện nay, cả nước có khoảng gần 600 doanh nghiệp chế biến chè công nghiệp. Tuy một số cơ sở được trang bị mới, xây dựng chế độ quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, song hiện  vẫn còn rất nhiều cơ sở chế biến quy mô nhỏ, các lò chế biến thủ công hộ gia đình phục vụ cho thị trường nội địa với công nghệ chế biến lạc hậu.

 

Thực tế cho thấy, công nghệ hiện có của các cơ sở này đều được nhập từ Liên Xô (trước đây), chưa kể hầu hết các dây chuyền, thiết bị đã thay thế bằng các phụ tùng trong nước nhiều lần, không bảo đảm tính đồng bộ.

 

Cũng theo một số quan chức Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mặc dù  những năm gần đây, Việt Nam đã đầu tư những dây chuyền chế biến chè hiện đại hơn của Ấn Ðộ, song vẫn còn lạc hậu so với các nước tiên tiến. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân chính làm giảm uy tín chè xuất khẩu Việt Nam trên thị trường quốc tế.

 

Ðể giải quyết tình trạng này, theo các chuyên gia, bên cạnh việc đầu tư phát triển công nghệ chế biến, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu, cần phải xây dựng thương hiệu chè quốc gia. Muốn vậy, cần có cách đi đúng hướng. Ðiều đầu tiên, trước khi cho phép cơ sở chế biến chè nào mang thương hiệu quốc gia, cơ sở đó phải đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định; mặt khác, cần xây dựng phòng kiểm nghiệm tiêu chuẩn quốc tế trước khi xuất khẩu sản phẩm.

 

Tổ chức thị trường: Khâu "hậu cần" cho xuất khẩu

 

Một trong những điểm yếu của công tác xuất khẩu chè  thời gian qua là khâu tổ chức thị trường cả trong nước lẫn nước ngoài. Cho dù năm 2002, Chính phủ ra Quyết định 80 liên kết "bốn nhà" trong tiêu thụ sản phẩm, song vẫn còn nhiều doanh nghiệp phàn nàn: nhiều khi ký hợp đồng với đối tác và thực hiện đầy đủ việc miễn lãi suất ngân hàng để mua phân bón, chuyển giao kiến thức miễn phí, nhưng hầu như các đối tác không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bán chè, đặc biệt có những đối tác không bán một cân nào cho công ty.

 

Sự yếu kém trong việc tổ chức thị trường trong nước còn biểu hiện ở thực tế "bùng nổ" của doanh nghiệp chế biến, sự phân bố không đồng đều ở các vùng nguyên liệu dẫn đến tranh mua, tranh bán; "sốt giá" ảo và mua sản phẩm trôi nổi kém chất lượng trên thị trường.

 

Ðiều này lý giải phần nào vì sao chè Việt Nam chất lượng thường thấp, giá thường rẻ hơn so với chè của các nước khác. Bên cạnh những khiếm khuyết trong việc tổ chức sản xuất và thị trường trong nước, công tác xúc tiến thương mại, tổ chức thị trường xuất khẩu tuy được chú trọng, song vẫn còn nhiều hạn chế.

 

Sau khủng hoảng ở Liên Xô và các nước Ðông Âu, thị trường bị thu hẹp, ngành chè tưởng chừng không thể vượt qua, song với sự năng động của mình, đến nay chè Việt Nam đã có mặt khắp ở 60 thị trường thế giới, trong đó có nhiều thị trường mới: Nhật Bản, Ðức, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Kenya, Ma-rốc... Song thị trường xuất khẩu chè của Việt Nam so với thế giới vẫn còn nhỏ, dàn trải, doanh nghiệp chưa tạo cho mình được thị trường trọng điểm. Thị trường xuất khẩu từ một nghìn tấn trở lên chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi thị trường dưới một trăm tấn chiếm khoảng một nửa. Ðiều này dẫn tới thực tế, cho dù 80% sản lượng chè thành phẩm được xuất khẩu, chúng ta đứng số 7 thế giới về xuất khẩu, nhưng bức tranh tổng thể về xuất khẩu chè của Việt Nam vẫn còn những điểm đáng lo ngại.

 

Như vậy, rõ ràng lời giải của bài toán nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường nằm ngay trong các khâu đầu tiên của quy trình sản xuất và ở tính "chuyên nghiệp" trong kinh doanh. Ðây cũng là yêu cầu tất yếu phải vươn tới để thực hiện lộ trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới của ngành Nông nghiệp.

ND

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh
(cũ: Phường Tân Phú, Quận 7)

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng