Vị thế của Kiểm toán nhà nước còn bất lợi
“…Vị thế của Kiểm toán nhà nước còn những bất lợi như hoạt động theo các văn bản dưới luật, có tính pháp lý thấp, chưa bao quát, chưa tương xứng với vị thế và vai trò của KTNN trong bối cảnh nâng cao năng lực giám sát tài chính - ngân sách”...
Phỏng vấn GS. TS. Tào Hữu Phùng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế ngân sách Quốc hội
“…Vị thế của Kiểm toán nhà nước còn những bất lợi như hoạt động theo các văn bản dưới luật, có tính pháp lý thấp, chưa bao quát, chưa tương xứng với vị thế và vai trò của KTNN trong bối cảnh nâng cao năng lực giám sát tài chính - ngân sách”.
Hiện nay thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản đang là vấn đề rất bức xúc. Vậy Kiểm toán nhà nước (KTNN) có phát hiện ra tỷ lệ thất thoát này không, thưa ông?
Kiểm toán vào đâu thì sẽ phát hiện được ở đó. Thực tế KTNN chỉ làm được một số điểm mà không thể làm hết được. Tuy nhiên, để làm được việc này thì hiện nay Uỷ ban thường vụ Quốc hội đang phải tổ chức một đoàn giám sát do Phó chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được làm trưởng đoàn với mục tiêu: giám sát thất thoát lãng phí trong XDCB và giám sát nợ XDCB. Phải trả lời trước Quốc hội và chờ đợi báo cáo đó trước Quốc hội... Đoàn sẽ tiến hành kiểm tra các công trình XDCB tại ba vùng Bắc,
Muốn giám sát được thì phải nói có sách, mách có chứng, phải có cơ quan giám sát của Quốc hội, cơ quan thanh tra tài chính, kiểm toán xác định, còn đại biểu Quốc hội nêu vụ việc đó chỉ là áng chừng, trong dư luận thôi. Ví dụ như thanh tra hầm chui Văn Thánh ở Tp.HCM dự toán là 3 tỷ đồng nhưng tham nhũng 1,3 tỷ đồng, như vậy là thất thoát quá 35%.
Theo quan điểm của ông bằng những phương pháp thống kê và điện toán liệu chúng ta có khả năng xác định được tỷ lệ này không?
Theo tôi, để làm được rất khó vì thực tế chúng ta có hàng vạn công trình, mà chỉ có thể kiểm tra giám sát điển hình chọn mẫu thôi, từ đấy tính ra mức bình quân , xác định được ở mức tương đối, không thể tuyệt đối được.
Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, KTNN đã thực hiện được chức năng và vai trò của mình là một công cụ hữu hiệu để hỗ trợ Quốc hội thực hiện nhiệm vụ chưa, thưa ông?
KTNN mới đưa vào hoạt động nên chưa đáp ứng được hết các yêu cầu của Uỷ ban kinh tế và ngân sách Quốc hội. Hàng năm, chúng tôi phải thẩm tra các báo cáo kiểm toán của 64 tỉnh thành trong cả nước và 27 bộ để làm căn cứ trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán nhưng trên thực tế, KTNN đã rất cố gắng nhưng cũng mới đi kiểm tra và kiểm toán được 17 tỉnh và 6 bộ và đó mới chỉ là kiểm tra xác suất chọn mẫu điển hình thôi.
Tuy vậy KTNN cũng đã giúp cho chúng tôi nhiều thông tin tư liệu báo cáo để giúp Quốc hội làm căn cứ quyết toán.
Theo tôi, mặc dù KTNN chưa đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu nhưng những yêu cầu cấp bách trong việc cung cấp, phát hiện được những việc chi tiêu sai chế độ, kiến nghị đưa kỷ luật tài chính vào nề nếp, chấp hành kỷ luật thu không đủ... kiểm toán đã phát hiện và báo cáo Quốc hội giúp chấn chỉnh lại kỷ luật của nền tài chính quốc gia.
Theo ông, nguyên nhân chính ở đây là gì?
Hiện nay, KTNN vẫn là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện những chức năng kiểm toán, xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp của báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước các cấp và báo cáo tổng quyết toán ngân sách Nhà nước, báo cáo quyết toán, báo cáo tài chính của các cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng ngân sách Nhà nước, kiểm toán tính tuân thủ pháp luật, tính kinh tế trong việc quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước và tài sản công theo kế hoạch kiểm toán hàng năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các nhiệm vụ kiểm toán đột xuất do Thủ tướng Chính phủ giao hoặc do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
Như vậy vị thế của cơ quan KTNN có những bất lợi như: hoạt động theo các văn bản dưới luật, có tính pháp lý thấp, chưa bao quát, chưa tương xứng với vị thế và vai trò của KTNN trong bối cảnh nâng cao năng lực giám sát tài chính - ngân sách ở tầm vĩ mô, không phù hợp với tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị là đưa KTNN lên ngang tầm và vị trí sẽ do Quốc hội quyết định, không phù hợp với đa số nguyện vọng của các đại biểu Quốc hội là phải đưa KTNN trực thuộc Quốc hội với tư cách là một Uỷ ban chuyên môn của Quốc hội.
Trong thời gian qua, để có thêm căn cứ thẩm tra Tổng quyết toán ngân sách Nhà nước, hàng năm Uỷ ban kinh tế và ngân sách đã đề nghị KTNN gửi ý kiến của mình về vấn đề này trên cơ sở các kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách ở các đơn vị nhưng việc này còn rất hạn chế do vị trí pháp lý của KTNN.
KTNN hiện nay không có thẩm quyền kiểm toán tổng quyết toán ngân sách Nhà nước do Chính phủ trình Quốc hội. Do không có cơ quan kiểm toán trực thuộc nên Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn trong lĩnh vực tài chính - ngân sách Nhà nước còn mang tính hình thức.
Để phát huy vai trò là cơ quan quản lý kiểm tra giám sát thanh tra, KTNN phải làm gì?
Một trong những điều kiện để KTNN hoạt động tốt là địa vị pháp lý của nó phải trực thuộc Quốc hội và là công cụ do Quốc hội chỉ đạo.
Về việc này, ý kiến của Uỷ ban kinh tế và ngân sách cũng như Uỷ ban thường vụ Quốc hội thế nào?
Vừa rồi, chúng tôi đã lấy ý kiến của 45/60 đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị đưa KTNN về Quốc hội. Uỷ ban kinh tế và ngân sách kiên quyết đưa kiểm toán về Quốc hội và Bộ Chính trị đã có Nghị quyết là chỉ có một cơ quan kiểm toán thôi và kiểm toán về đâu là do Quốc hội quy định. Kỳ họp Quốc hội tới đây sẽ thảo luận về Luật kiểm toán thì mục quan trọng nhất là xác định địa vị pháp lý của KTNN. Cuối năm, Quốc hội cho ý kiến và tháng 3, 4/2005 sẽ thông qua luật.
TBKTVN