Tin tức
Việt Nam kiện Mỹ ra WTO: Khả năng thắng rất cao !

Việt Nam kiện Mỹ ra WTO: Khả năng thắng rất cao !

27/03/2010

Banner PHS

Việt Nam kiện Mỹ ra WTO: Khả năng thắng rất cao !

Mới đây, VN đã kiện Hoa Kỳ lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhờ phân xử bởi Hoa Kỳ đã áp dụng nhiều phương pháp đối với tôm đông lạnh của VN không đúng với quy định của WTO. Trao đổi với DĐDN tại Tọa đàm "Các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp liên quan đến xuất khẩu VN. Những diễn tiến mới - Tác động và ảnh hưởng - Giải pháp đối phó" tổ chức tại Hà Nội mới đây, TS Nguyễn Thị Thu Trang - Hội đồng Tư vấn chống bán phá giá, chống trợ cấp tự vệ (TRC), Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) khẳng định: Khả năng thắng kiện của VN là rất cao.

- Đây là lần đầu tiên VN khởi kiện ra WTO về việc Mỹ đã sử dụng các phương pháp tính toán không phù hợp trong vụ điều tra chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh VN (đặc biệt là phương pháp quy về 0). Bà đánh giá về thành công như thế nào ?

Là thành viên của WTO, VN có quyền tranh cãi bình đẳng với bất cứ đối tác thương mại nào của mình trong tổ chức quốc tế này. Thực tế, nhiều nước đã tham gia khởi kiện và nhiều nước đã thắng. Bởi khi tranh tụng các vụ kiện như vậy Mỹ sẽ gặp khó khăn do không thể đưa ra các câu trả lời nhất quán. Qua các lần cân, đo, đong, đếm và nghiên cứu kỹ lưỡng, chúng tôi thấy khả năng thắng của VN là rất cao. Chúng tôi cũng hoàn toàn tự tin và thấy được những ảnh hưởng tích cực cho ngành này.

- Lần đầu tiên VN trong vai trò một nguyên đơn đi kiện, theo bà, VN cần phải làm gì ?

Đây là lần đầu tiên VN là "nguyên đơn" kiện Mỹ nên còn có nhiều khó khăn. Hơn nữa, chúng ta lại đang hướng tới một đối thủ nặng ký và rất nhiều kinh nghiệm trong các vụ kiện chống bán phá giá. Do đó, việc lập luận, tìm những lý lẽ sắc bén và nhờ sự tư vấn của các luật sư giỏi là điều rất cần thiết.

- Theo bà, trong thời gian tới những mặt hàng nào tiếp theo của VN có nguy cơ bị kiện ?

Nguyên cớ dẫn đến những vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ là do mặt hàng nhập khẩu bị kiện bán phá giá có bán tại thị trường nước nhập khẩu, ngành sản xuất trong nước của mặt hàng bị kiện bán phá giá đang bị đe dọa hay đang bị tổn thương.

Trong năm tiếp theo, những mặt hàng như dệt may, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, thép, đinh, ốc vít... là những nhóm mặt hàng có nguy cơ cao nhất bị liệt vào danh sách bán phá giá. Ngoài ra, một khi có vụ kiện của Mỹ với Trung Quốc về mặt hàng nào thì những mặt hàng tương tự của VN cần phải lưu ý.

Đặc biệt, đối với mặt hàng đồ gỗ thì các nhà sản xuất ở Mỹ đang rất "căng" vì nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc không phải nhà xuất khẩu lớn nhất mà có thể là VN. Do đó, khả năng VN có nguy cơ bị kiện là khá cao.

- Vậy bà có khuyến cáo gì đối với các DN, nhất là với những DN có sản phẩm đang phải đối mặt với nguy cơ bị kiện chống bán phá giá ?

Tính đến thời điểm này VN đã có 42 vụ kiện phòng vệ thương mại, nhưng nhiều DN VN vẫn chủ quan cho rằng DN của họ không có tên trong đơn kiện thì không liên quan. Nhưng thực chất những vụ kiện này liên quan đến toàn bộ ngành sản xuất ra mặt hàng bị kiện chống bán phá giá, trợ cấp... Khi vụ kiện xảy ra sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới cả ngành sản xuất hàng xuất khẩu đó, vì thế gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho toàn bộ ngành.

Do đó, các DN có sản phẩm đang phải đối mặt với nguy cơ bị kiện chống bán phá giá nên coi các nước nhập khẩu đang áp dụng các biện pháp phòng vệ đối với hàng hóa của mình là một hình thức rủi ro trong thương mại. Trong kế hoạch kinh doanh, các DN cần đưa nội dung này vào quản lý như các rủi ro thường gặp khác trong quá trình phát triển thị trường.

Khi hàng hóa của mình bị khởi kiện, các DN nên tích cực, chủ động tham gia quá trình điều tra để hạn chế tới mức thấp nhất những tổn thất do vụ kiện gây ra và chứng minh không bán phá giá để bảo vệ mình. Ngoài ra, bản thân DN cũng cần có biện pháp phòng chống từ xa, thường xuyên chủ động theo dõi thị trường xem hàng hóa của mình vào thị trường đó có nguy cơ bị bán phá giá hay không, để từ đó có những điều chỉnh thích hợp hay có những chuẩn bị khi đối phó với các vụ kiện.

- Xin cảm ơn bà !

Luật sư Sidney N.Weiss (Mỹ) đánh giá vụ VN kiện Mỹ ra Tổ chức Thương mại thế giới vì áp thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh của VN có khả năng thắng cao do mức thuế này bất hợp lý và nhiều nước đã đạt được thành công tương tự.

Trong một động thái liên quan, ông Trần Duy Đông - đại diện Vụ Châu Mỹ, Bộ Công Thương cũng cho biết, đạo luật Lacey sửa đổi có hiệu lực từ đầu tháng sau (đồ gỗ nhập khẩu phải cung cấp đầy đủ chứng nhận nguồn gốc khai thác) sẽ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp VN. Ông Đông khuyến cáo, Mỹ sẽ ngày càng sử dụng nhiều vụ kiện thương mại nhằm bảo hộ sản xuất nội địa. Do đó, doanh nghiệp phải chuẩn bị hồ sơ và số liệu thống kê chứng minh không bán phá giá để sẵn sàng xuất trình khi phía Mỹ kiểm tra.

Theo bà Nguyễn Chi Mai - Trưởng ban tự vệ thương mại Cục Quản lý cạnh tranh, ngày 1/3/2010, phái đoàn VN chính thức chuyển yêu cầu tham vấn cho đoàn Mỹ. Ngày 23/3/2010 diễn ra phiên tham vấn chính thức của đại diện hai chính phủ tại Geneva. Ngay khi VN gửi yêu cầu tham vấn, phái đoàn EU, Nhật Bản và Thái Lan cũng đưa ra yêu cầu tham gia cuộc tham vấn đó, nhưng phía Mỹ đã từ chối.

Lưu Vân

diễn đàn doanh nghiệp

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng