Vụ sáp nhập hai đại gia Nhật Bản bất thành
Kirin Holdings Co., nhà sản xuất đồ uống lớn nhất của Nhật Bản có trụ sở ở Tokyo, vừa công bố chấm dứt đàm phán mua lại Suntory Holdings Ltd. sau khi công ty này đưa ra mức giá 10 tỷ USD.
Như vậy, kế hoạch trở thành công ty thực phẩm lớn thứ năm trên thế giới của Kirin đã thất bại. Cùng với đó, giá cổ phiếu Kirin đã giảm mạnh nhất trong vòng 15 tháng trở lại đây.
Sau nhiều ngày đàm phán, hai đại gia đồ uống của xứ sở hoa Anh Đào này đã không thể đi đến thống nhất xem ai sẽ là người sở hữu và quản lý công ty mới sau sáp nhập này. Gia đình sáng lập ra Suntory đòi nắm giữ ít nhất 33,4% cổ phần trong công ty mới này để họ có được sức mạnh phủ quyết đối với các vụ tiếp quản và các quyết định quan trọng khác. Trong khi đó, Kirin thì không thể có được sự độc lập trong vấn đề quản lý.
Hồi tháng 7 vừa rồi, Công ty Kirin có trụ sở ở Tokyo này đã công bố đàm phán thương vụ này bởi vì Kirin muốn loại bỏ đi đối thủ cạnh tranh lớn này ở thị trường nội địa. Trong vòng 3 năm qua, chủ tịch Kirin là Kazuyasu Kato đã chi 7 tỷ USD để mở rộng thị phần ra nước ngoài do tình trạng dân số giảm và kinh tế trì trệ ở Nhật Bản đã làm cho nhu cầu trong nước đối với các sản phẩm đồ uống giảm xuống.
“Công ty sau sáp nhập chắc chắn sẽ có quy mô lớn hơn để theo đuổi kế hoạch mở rộng thị phần ra những phần còn lại ở châu Á, nơi mà nhu cầu nội địa đang ngày càng tăng lên,” MitsushigeAkino, người đang quản lý khoảng 450 triệu USD ở Công ty quản lý đầu tư Ichiyoshi có trụ sở ở Tokyo, nói. “Kirin cần phải mở rộng quy mô thông qua các vụ mua lại.”
Trong thương vụ này, Suntory muốn nắm giữ khoảng 0,9% trong mỗi cổ phiếu Kirin ở công ty mới sau sáp nhập. Với tỷ lệ này, Suntory được định giá ở mức 892 tỷ yên (tương đương 10 tỷ USD) dựa trên giá đóng cửa của Kirin vào tuần trước.
“Rất khó khăn để lập nên một công ty mới bởi vì có quá nhiều sự khác nhau về quan điểm giữa hai đại gia đồ uống này, trong đó gồm cả tỷ tệ sáp nhập,” Suntory nói.
Hợp nhất hai nhà sản xuất đồ uống hàng trăm năm tuổi sẽ tạo ra một công ty với doanh thu bán hàng lên đến 42,7 tỷ USD, vượt cả doanh thu của Coca-Cola với 31,9 tỷ USD và chỉ đứng sau Nestle SA, Unilever PLC, Kraft Foods Inc. và PepsiCo Inc.
“Nếu như thương vụ này thành công đã tạo ra một công ty có thể cạnh tranh trên toàn cầu bởi vì nhu cầu trong nước đã giảm do tỷ lệ sinh thấp và dân số già,” Yuuki Sakurai, giám đốc điều hành của Công ty quản lý quỹ Fukoku tại Tokyo, nói.
Tại Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo, cổ phiếu Kirin đóng cửa ở mức 1.337 yên, giảm 7,4% - mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2008. Trong khi đó, chỉ số Topix giảm 1%.
Các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống của Nhật Bản đã mở rộng thị trường ra nước ngoài để giảm sự phụ thuộc vào thị trường trong nước nơi mà dân số được dự báo sẽ giảm 10% vào năm 2030.
Năm ngoái, tiêu thụ bia nội địa của Kirin đã giảm 0,9% và tiêu thụ các loại đồ uống nhẹ giảm tới 7%.
Kirin được thành lập vào năm 1907 và nổi tiếng với các nhãn hiệu bia như Kirin Lager. Công ty này công bố doanh thu bán hàng đạt 2,3 nghìn tỷ yên trong năm kết thúc vào ngày 31/12/2008. Kirin dự kiến sẽ công bố lợi nhuận năm 2009 vào ngày 10/2.
Santory được thành lập vào năm 1899. Chủ tịch Nobutada Saji và các thành viên của gia đình sáng lập Santory sở hữu khoảng 89% cổ phần ở Suntory. Ông của Saji là Shinjiro Torii bắt đầu xây dựng nhà máy chưng cất rượu whiskey đầu tiên của Nhật Bản ở quận Osaka vào năm 1923.
Kiều Linh (Theo báo chí nước ngoài)
ĐẦU TƯ