“Vua hồ tiêu” Phúc Sinh: Nghị quyết 68 đã thổi bùng tinh thần của doanh nghiệp tư nhân
Nghị quyết 68 thực sự truyền cảm hứng cho khối doanh nghiệp tư nhân. Nếu đi theo một cách bài bản, 5 năm tới sẽ có nhiều doanh nghiệp tư nhân phát triển, và 10 năm tới sẽ có hàng loạt doanh nghiệp tư nhân hàng đầu.
Đây là những chia sẻ của ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh tại tọa đàm “Báo chí và doanh nghiệp: Đồng hành thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân” tổ chức vào sáng ngày 04/07.
![]() ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh
|
Về vai trò của báo chí, Chủ tịch Phúc Sinh nhận định đây là một phần rất quan trọng đối với doanh nghiệp. “Báo chí là cầu nối để doanh nghiệp kết nối với các cơ quan Nhà nước để giải quyết khó khăn tồn đọng” - trích lời ông Phan Minh Thông. Ông cũng bày tỏ hy vọng báo chí sẽ đồng hành chặt chẽ với các doanh nghiệp, chia sẻ những câu chuyện khó khăn và cả những mô hình thành công, vì việc chia sẻ thành công có thể tiết kiệm vô vàn công sức và tiền bạc cho xã hội. Đặc biệt, với tinh thần của Nghị quyết 68, báo chí sẽ là cầu nối hiệu quả giúp doanh nghiệp mạnh dạn phát triển và đưa ra ý kiến.
Theo “vua hồ tiêu”, Nghị quyết 68 đã thổi bùng tinh thần cho doanh nghiệp tư nhân, là một động lực đầy cảm hứng. “Lần đầu tiên, doanh nghiệp tư nhân được phép tư duy mình là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế”.
Ông Thông cho rằng rằng nếu đi theo một cách bài bản, 5 năm tới sẽ có nhiều doanh nghiệp tư nhân phát triển, và 10 năm tới sẽ có hàng loạt doanh nghiệp tư nhân hàng đầu. Ông cũng kêu gọi mọi người nên kiên nhẫn hơn với kinh tế tư nhân, cho họ cơ hội và ủng hộ để họ có thể nhận được trách nhiệm và trở thành niềm tin hàng đầu của nền kinh tế Việt Nam.
Chia sẻ về kinh nghiệm cá nhân, Chủ tịch Phúc Sinh cho biết Tập đoàn của mình đã hoạt động 25 năm, chuyên xuất khẩu nông sản trên toàn thế giới. Phát triển bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm là yếu tố rất quan trọng mà công ty đã theo đuổi từ 10-15 năm trước, khi những khái niệm này còn chưa phổ biến. Đến nay, đây đã trở thành một xu hướng mạnh mẽ không thể thay đổi.
Ông nhận thấy nông nghiệp Việt Nam là một "mỏ vàng lớn" và Phúc Sinh đã đầu tư mạnh vào sản xuất, với 6 nhà máy trong 24 năm và 2 dự án đang xây dựng, biến nhiều vùng trở thành nơi sản xuất giá trị cao trên toàn thế giới.
Phúc Sinh là công ty tư nhân đầu tiên đầu tư vào nhà máy hạt tiêu sạch ở Việt Nam. Chia sẻ từ ông Thông, trong vòng 5 năm, công ty đã vươn lên vị trí số một tại Việt Nam, vượt qua cả các tập đoàn đa quốc gia và công ty nhà nước.
Để có sự thành công này, ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng các nhà máy chế biến lớn để không phải lo đầu ra khi thu hoạch, tạo môi trường cạnh tranh lớn hơn. Ông lấy ví dụ dừa Bến Tre, nhờ tác động của các doanh nghiệp, giá dừa đã tăng mạnh, mang lại lợi ích lớn cho người dân.
Tuy nhiên, câu chuyện phát triển bền vững cũng gặp nhiều trắc trở. Phúc Sinh từng bị khách hàng lớn như Unilever yêu cầu phải có chứng chỉ bền vững vào năm 2015, và họ đã dành 5 tỷ đồng để làm từ 2010 và thất bại sau 2 năm đầu. “Nhưng chúng tôi đã không bỏ cuộc, coi đó là khoản đầu tư vào con người, đào tạo, và ý thức. Đến năm 2014, Phúc Sinh đã thành công và là công ty tư nhân đầu tiên tại Việt Nam đạt được chứng chỉ phát triển bền vững”.
Châu An