Tin tức
Xuất khẩu cá tra tăng trong nửa đầu năm nhưng đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới

Xuất khẩu cá tra tăng trong nửa đầu năm nhưng đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới

12/07/2025

Banner PHS

Xuất khẩu cá tra tăng trong nửa đầu năm nhưng đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, nửa đầu tháng 6/2025, xuất khẩu (XK) cá tra đạt 86 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế xuất khẩu cá tra tính đến ngày 15/6/2025, đạt 915 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên chuỗi giá trị của cá tra Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các dòng sản phẩm sơ chế giá trị gia tăng thấp.

Xuất khẩu cá tra đang đối mặt với thách thức từ thuế quan đến yêu cầu chế biến sâu

Theo VASEP, nhóm sản phẩm phi lê đông lạnh HS0304 tiếp tục giữ vai trò chủ lực, chiếm trên 80% tổng giá trị XK, với mức tăng trưởng 10%. Tuy nhiên, điểm sáng nằm ở nhóm sản phẩm chế biến sâu thuộc mã HS16, XK các sản phẩm này tính đến ngày 15/6/2025 đạt 24 triệu USD – tăng 59% dù chỉ chiếm 2.6% tỷ trọng trong tổng giá trị cá tra Việt Nam XK sang các thị trường.

Điều đó cho thấy nhu cầu thị trường đối với các dòng sản phẩm có hàm lượng chế biến cao đang tăng lên rất nhanh, và các DN đã bắt đầu phản ứng bằng cách mở rộng danh mục sản phẩm. Nhưng nhìn từ góc độ chiến lược, đây mới chỉ là bước khởi đầu – chưa phải một cuộc dịch chuyển mạnh mẽ đủ để bảo vệ ngành trước những “cú sốc” bên ngoài.

Những thách thức từ thuế đối ứng của Mỹ và yêu cầu chế biến sâu

Mỹ đã công bố áp thuế đối ứng đối với một loạt mặt hàng từ Việt Nam, trong đó có cá tra. Thuế đối ứng tạo ra áp lực lớn đối với các doanh nghiệp XK, nhất là trong bối cảnh giá nguyên liệu, chi phí logistics và tỷ giá đều có biến động bất lợi.

Mức thuế này tác động trực tiếp đến nhóm sản phẩm phi lê đông lạnh – vốn đang chiếm tỷ trọng lớn. Với biên lợi nhuận gộp ngành trung bình chỉ 8–12% (tham khảo từ báo cáo tài chính của các doanh nghiệp lớn như Vĩnh Hoàn (VHC), IDI, Nam Việt (ANV) trong 3 quý gần nhất (2024–2025)), thuế đối ứng có thể khiến nhiều đơn hàng trở nên không còn hiệu quả.

Cụ thể, đối với các lô hàng phi lê đông lạnh xuất khẩu sang Mỹ với giá FOB trung bình 2.6–2.8 USD/kg, thuế đối ứng sẽ khiến giá sau thuế bị đội lên trong khi giá bán tại thị trường Mỹ không thể điều chỉnh tương ứng ngay. Nếu doanh nghiệp phải tự “gánh” toàn bộ phần chênh lệch, nhiều hợp đồng sẽ không còn đạt điểm hòa vốn. Điều này buộc các doanh nghiệp phải cân nhắc nghiêm túc đến việc chuyển hướng sang sản phẩm chế biến sâu – không chỉ để đa dạng hóa danh mục, mà còn để phân tán rủi ro và tối ưu cấu trúc chi phí trong dài hạn.

Chuyển dịch bằng hành động, không chỉ là khẩu hiệu

Một số DN đầu ngành như Vĩnh Hoàn đã sớm đi trước trong xu hướng này. Theo các nguồn tin, Vĩnh Hoàn công bố khoản đầu tư 26 triệu USD nhằm đa dạng hóa sản phẩm và tối ưu chi phí trước áp lực thuế Mỹ. Không chỉ vậy, tại hội chợ SEAFOOD EXPO NORTH AMERICA 2025, DN này đã giới thiệu loạt sản phẩm chế biến sâu như surimi cá tra, cá tra tẩm bột đóng khay, và bánh bao nhân cá tra hấp chín, cho thấy họ đã chuyển hướng rõ rệt sang các dòng hàng mã HS16 phục vụ thị trường cao cấp.

Tuy nhiên, số lượng DN có đủ năng lực đầu tư chế biến sâu vẫn còn hạn chế. Phần lớn các đơn vị nhỏ và vừa chưa có dây chuyền tự động hóa, chưa xây dựng được đội ngũ R&D hoặc chưa tiếp cận được các chuỗi phân phối đòi hỏi sản phẩm tiện lợi – có thương hiệu. Đây là điểm nghẽn khiến quá trình chuyển dịch cấu trúc sản phẩm diễn ra chậm và thiếu đồng đều.

Không chỉ Mỹ, nhiều thị trường khác như châu Âu, Canada, Nhật Bản, Mexico... cũng đang yêu cầu sản phẩm có mức độ chế biến cao hơn. Họ không chỉ cần một miếng phi lê, mà cần một sản phẩm có thể dùng được ngay: chín sẵn, đóng gói sạch, kèm nước sốt, thậm chí được thiết kế theo khẩu phần phù hợp cho kênh bán lẻ hiện đại hoặc nhà hàng. Tức là không còn là "nguyên liệu thủy sản", mà là thực phẩm thủy sản hoàn chỉnh.

Các nhà nhập khẩu Mỹ và EU đang tăng đơn hàng đối với nhóm sản phẩm pangasius chế biến – chủ yếu từ Việt Nam, do các nước cạnh tranh như Ấn Độ, Indonesia chưa có năng lực chế biến đủ sâu.

Phải đồng bộ từ ao nuôi đến thương hiệu

Chế biến sâu không thể tách rời khỏi toàn bộ chuỗi giá trị. Từ con giống, vùng nuôi đạt chuẩn ASC/BAP, đến nhà máy chế biến và chuỗi logistics lạnh – tất cả đều phải được quy hoạch lại để phục vụ cho định hướng "sâu hóa sản phẩm". Cá nguyên liệu phải đảm bảo đồng đều kích cỡ, chất lượng tốt, đạt chuẩn cảm quan để có thể sản xuất ra các sản phẩm hấp chín IQF hay bánh cá chất lượng cao.

Chế biến sâu cũng đòi hỏi chiến lược thương hiệu. Một sản phẩm tẩm ướp, đóng gói khay nếu không có thương hiệu thì vẫn chỉ là hàng gia công. Muốn nâng giá trị thật sự, ngành cá tra Việt Nam phải xây dựng được thương hiệu quốc gia cho dòng sản phẩm chế biến – tương tự như Chile làm với cá hồi, hay Na Uy với cá tuyết.

Dù muốn hay không, ngành cá tra đang bị đẩy vào giai đoạn mà sản phẩm sơ chế giá trị thấp không còn đảm bảo tính cạnh tranh. Những biến động thương mại như thuế Mỹ cũng là cú thúc mạnh hơn cho một quá trình đã âm ỉ từ lâu.

Chuyển dịch sang chế biến sâu không chỉ là một xu hướng – mà là điều bắt buộc để tồn tại. DN nào còn chần chừ trong việc tái cấu trúc danh mục, đầu tư công nghệ và xây dựng thương hiệu thì sẽ sớm bị thị trường bỏ lại phía sau. Trái lại, những đơn vị dám thay đổi, dám đầu tư và đi trước – sẽ là những người giữ lại phần giá trị cao nhất của con cá tra Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhật Quang

FILI - 10:05:00 12/07/2025

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh
(cũ: Phường Tân Phú, Quận 7)

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng