Xuất khẩu vào Nhật sẽ bị ảnh hưởng vì động đất
Thiệt hại kinh tế do trận thiên tai tại Nhật Bản gây ra có thể lên đến con số 300 tỷ USD và con số này sẽ còn thay đổi, ước tính mất đi khoảng 5% GDP. Điều này sẽ tác động nhất định đến đến kinh tế thế giới, cũng như cán cân xuất nhập khẩu giữa Việt Nam-Nhật Bản.
Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, khi nói về tình hình xuất nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm của Việt Nam.
- Năm 2011 là một năm có ý nghĩa hết sức là quan trọng, do đây là năm đầu tiên nước ta triển khai Nghị quyết 11, cũng với đó là năm thực hiện kế hoạch phát triển xã hội 5 năm 2011 – 2015. Trong bối cảnh đó, tình hình xuất khẩu của nước ta đã phát triển như thế nào, thưa ông?
Có thể nói là những tháng đầu năm 2011, tình hình xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng rất là đáng kích lệ.
Theo ước tính, tình hình xuất khẩu trong tháng 3/2011 đạt trên 7 tỷ USD tăng 26% so với cùng kỳ năm 2010 và nhập khẩu là 8,2 tỷ USD tăng 20% so với cùng kỳ. Tính chung cả ba tháng, kim ngạch xuất khẩu đã đạt 19,2 tỷ USD tăng 33% so với cùng kỳ, nhập khẩu là 22,2 tỷ USD tăng 23% và nhập siêu 3 tỷ USD bằng 15,7% giá trị xuất khẩu, đây là những con số rất khả quan về bức tranh xuất nhập khẩu những tháng đầu năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu đáng mừng, trong thời gian tới tình hình xuất khẩu của chúng ta sẽ gặp phải những khó khăn nhất định, do biến động của giá nguyên vật liệu, giá đầu vào và những bất ổn trên thị trường khu vực như Bắc phi, động đất tại Nhật Bản…
- Vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11, theo đó sẽ thắt chặt tín dụng để kìm chế lạm phát. Động thái này đã gây những khó khăn như thế nào đối với các doanh nghiệp trong việc vay vốn, ngoại tệ…để hoạt động, thưa ông?
Nghị quyết 11 đã đi qua được một tháng, và trong tuần trước Chính phủ có tổ chức họp giao ban trực tuyến với các bộ ngành, địa phương của 63 tỉnh thành. Trong cuộc họp này, Chính phủ cũng đã đưa ra những đánh giá chung trong bối cảnh kinh tế thế giới, cũng như khu vực đang có những diễn biến hết sức là phức tạp, những khó khăn về thời tiết, về khí hậu, thiên tai, rồi những diễn biến về chính trị tại khu vực Bắc phi… tất cả đã tác động đến bức tranh kinh tế của thế giới và tác động đến tình hình kinh tế Việt Nam.
Vì vậy, trong bối cảnh đó việc ra đời Nghị quyết 11 là hết sức cần thiết và kịp thời, có thể nói chủ trương của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, cùng với các biện phát của bộ ngành đã triển khai trong những tháng qua thì ít nhiều đã phát huy tác dụng.
Cụ thể, hiện tại thị trường ngoại tệ, ngoại hối, tỷ giá giữa đồng Việt Nam/USD đã có sự ổn định trở lại, không có những diễn biến mang tính giật cục như là trước và sau Tết Nguyên Đán. Việc đảm bảo ngoại tệ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu ít nhiều cũng đã cân đối, đảm bảo việc nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu.
Tuy nhiên, hiện tại mặt bằng lãi suất chưa thể kéo xuống thấp như chúng ta mong muốn, vì trọng tâm năm nay của Chính phủ là kìm chế lạm phát, muốn làm tốt nhiệm vụ này phải hút tiền về, muốn hút tiền về có nhiều cách nhưng một trong những cách hiệu quả nhất đó là tăng lãi suất, việc làm mang tính nguyên lý của điều hành kinh tế.
- Trong thời gian qua, Nhật bản đã liên tục phải hứng chịu nhiều thảm họa như động đất, nhiễm phóng xạ… , điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của đất nước này. Còn về Việt Nam, theo ông thảm họa này có ảnh hưởng thế nào đến tình hình xuất khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản?
Chắc chắn là thảm họa về động đất, kèm theo sự cố hạt nhân của Nhật Bản đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Nhật bản. Như chúng ta đã biết, theo dự báo của các chuyên gia trên thế giới, thiệt hại kinh tế do trận thiên tai tại Nhật Bản gây ra có thể lên đến con số 300 tỷ USD và con số này sẽ còn thay đổi. Vì vậy, khi một nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới mất đi khoảng 5% GDP sẽ tác động nhất định đến đến kinh tế thế giới, cũng như cán cân xuất nhập khẩu giữa Việt Nam-Nhật Bản.
Tuy nhiên, từng ngành hàng và ở từng thời điểm khác nhau thì mức độ ảnh hưởng cũng khác nhau. Chúng ta cũng không nên bỏ qua sự tác động đó, nhưng mặt khác cũng không nên làm trầm trọng hơn, thậm chí là nghiêm trọng hơn.
Ví dụ trong việc xuất khẩu cao su vào thị trường Nhật Bản, rõ ràng trong bối cảnh một số nhà máy và công ty sản xuất ô tô lớn của Nhật Bản bị ảnh hưởng và gián đoạn trong việc cung ứng một số phụ tùng và linh kiện, nhưng rõ ràng tác động đó không đến mức như thông tin đưa ra. Tuy nhiên, do thông tin quá nên đã tác động đến giá cao su Việt Nam – Nhật Bản nói riêng, và vô hình chung đã tác động đến tình hình xuất khẩu của chúng ta nói chung.
Hiện nay, hiệp hội cao su cũng đang có những chỉ đạo và khuyến cáo để các doanh nghiệp không nên vội bán tháo cao su vào thời điểm này và không nên để khuynh hướng đó làm ảnh hưởng đến giá cao su xuất khẩu của Việt Nam.
Tôi cho rằng, trong trung hạn và dài hạn thì giá cao su sẽ tương đương với giá mặt hàng được sản xuất ra từ các sản phẩm của dầu mỏ và dầu thô, hiện giá dầu thô cũng đang có diễn biến tương đối cao.
- Xin cảm ơn ông!
Yến Nhi
Vnmedia