ASEAN – Trung Quốc: Người mừng cơ hội, kẻ lo thách thức
Khi đồng hồ điểm 0 giờ ngày đầu tiên của năm 2010, thế giới có thêm một khu vực tự do mậu dịch mới ASEAN – Trung Quốc với dân số 1,9 tỉ người. Trong những ngày cuối năm chờ đợi sự ra đời của khu vực này, nhiều ngành nghề hy vọng đổi đời, nhiều nơi khác lo sợ phá sản.
Giao dịch thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN tăng liên tục trong vài năm gần đây từ 59,6 tỉ USD năm 2003 lên đến 192,5 tỉ USD trong năm 2008. Con số này được dự đoán còn tăng nhiều nữa, sau khi 90% hàng rào thuế quan giữa Trung Quốc và ASEAN được tháo bỏ. Xét về khối lượng giao dịch thương mại, khối ASEAN – Trung Quốc chỉ thua liên minh châu Âu và khu vực tự do mậu dịch Bắc Mỹ.
Theo thoả thuận tự do thương mại (FTA) ASEAN – Trung Quốc được ký năm 2002, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore và Brunei bỏ hầu hết mức thuế trong năm 2010. Những thành viên mới của ASEAN như Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam thực hiện điều này trong năm 2015.
Trên lý thuyết, khối ASEAN sẽ xuất khẩu nhiều hơn nhờ FTA với Trung Quốc. Ông Rodolfo Severino, tổng thư ký khối Asean nhiệm kỳ 1998 – 2002, cho rằng Malaysia được xem là nước có lợi nhất trong khối ASEAN khi FTA với Trung Quốc đi vào thực hiện. Malaysia sẽ tự do xuất dầu cọ, cao su và khí đốt tự nhiên qua Trung Quốc. Đây là những mặt hàng Trung Quốc cần và ít đối thủ cạnh tranh trong khối.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nghĩ vậy, như lời ông Sothirak Pou, cựu bộ trưởng Công nghiệp khoáng sản năng lượng Campuchia, hiện là học giả ở viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore: “Không phải ai cũng thấy FTA này là một lợi thế”. Nhiều nhà sản xuất ASEAN lo ngại hàng hoá giá rẻ của Trung Quốc sẽ tràn ngập thị trường các nước ASEAN, nhất là khi hàng rào thuế quan không còn nữa, khiến họ trở tay không kịp. Trong số này, Indonesia tỏ ra lo lắng nhất. Indonesia dự định xin hoãn thực hiện FTA đối với các mặt hàng thép, vải, hoá dầu và các mặt hàng điện.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã thay Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN sau Nhật và liên minh châu Âu. Vấn đề là, theo Thomas Kaegi, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô khu vực châu Á Thái Bình Dương của trung tâm Nghiên cứu quản lý tài sản UBS, cán cân thương mại hầu hết các nước đều lệch về phía có lợi cho Trung Quốc. Ví dụ, con số thâm hụt của Việt Nam đối với Trung Quốc quá lớn. Năm 2008, Việt Nam chỉ xuất được 4,5 tỉ USD qua Trung Quốc, trong khi phải nhập 15,7 tỉ USD hàng hoá từ đại lục. FTA với Trung Quốc có thể làm vấn đề này trầm trọng hơn.
Chưa kể ông Severino cảnh báo Việt Nam là nước gặp nhiều bất lợi nhất và dễ bị tổn thương bởi Việt Nam chỉ tập trung xuất khẩu hàng tiêu dùng giá rẻ, lợi thế của Trung Quốc. Ông Severino nói: “Việt Nam phải tìm kiếm sản phẩm mới và xác định khoảng trống thị trường”.
Một lợi thế may ra những nước như Việt Nam, Thái Lan và Malaysia có thể phát huy được là thị trường nông sản. Ông Song Hong, giám đốc nghiên cứu thương mại của viện Kinh tế và chính trị thế giới thuộc học viện Khoa học xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh, dự đoán Trung Quốc sẽ nhập nhiều trái cây từ ba nước nói trên.
Bởi vậy, ông Severino cảnh báo đừng mừng vội vì ngày ra đời khối tự do thương mại ASEAN – Trung Quốc không phải là cột mốc rồi sau đó khối lượng thương mại tăng ào ạt mà phải chờ phản ứng của giới đầu tư, các nhà sản xuất… Còn ông Pushpanathan Sundram, phó tổng thư ký ASEAN phụ trách cộng đồng kinh tế ASEAN dự đoán rất “nước đôi”: “Một số nước phải trả giá, nhưng nhìn chung hai bên đều có lợi”.
Một vấn đề nữa các nước ASEAN không thể bỏ qua đó là FTA sẽ giúp Trung Quốc hút các nguyên liệu ở ASEAN. Chính Zhang Kening, một giám đốc trong bộ Thương mại Trung Quốc công nhận FTA với ASEAN sẽ giúp Trung Quốc thu gom tài nguyên khoáng sản từ các nước ASEAN để thoả mãn cơn khát nguyên liệu của mình. |
P.V (NYT, Reuters)
Sài Gòn Tiếp thị