Cải cách Luật Thuế thu nhập cá nhân: Rà soát mức giảm trừ, hỗ trợ giáo dục, y tế, an sinh
Bộ Tài chính đang khẩn trương xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), bảo đảm tiến độ trình theo yêu cầu của Chính phủ. Dự thảo luật đang được xây dựng toàn diện, có tham khảo kinh nghiệm quốc tế và lấy ý kiến rộng rãi.
![]() Ông Trương Bá Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) trao đổi thông tin tại họp báo - Ảnh: VGP/HT |
Các nhóm nội dung sửa đổi chính sách theo hướng tổng thể
Tại họp báo chuyên đề quý II/2025 của Bộ Tài chính ngày 2/7, ông Trương Bá Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết: Bộ Tài chính đang xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), thực hiện theo chỉ đạo tại Nghị quyết 191/NQ-CP ngày 21/6/2025.
Theo đó, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính hai nhiệm vụ: Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đề nghị bổ sung dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025; Khẩn trương xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế để trình Chính phủ đúng tiến độ.
Ông Trương Bá Tuấn khẳng định: Dự án luật được xây dựng trên cơ sở đánh giá đầy đủ, toàn diện các quy định hiện hành, những bất cập trong quá trình thực thi và kinh nghiệm quốc tế. Mục tiêu là sửa đổi tổng thể với 6 nhóm nội dung chính.
Thứ nhất, xác định lại các khoản thu nhập chịu thuế và phương pháp tính thuế đối với từng nhóm thu nhập, phù hợp với thay đổi kinh tế, thị trường lao động và thông lệ quốc tế.
Thứ hai, rà soát, bổ sung các khoản thu nhập miễn thuế, thể chế hóa chủ trương lớn về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo Nghị quyết 57/NQ-CP, thúc đẩy công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo.
Thứ ba, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh và bổ sung các khoản giảm trừ mới, dựa trên chỉ số giá tiêu dùng, mức sống và thu nhập bình quân đầu người.
Thứ tư, nghiên cứu bổ sung các khoản giảm trừ mới liên quan đến giáo dục, y tế, an sinh xã hội, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho người dân.
Thứ năm, thiết kế lại biểu thuế lũy tiến từng phần. "Biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công hiện nay đang gồm 7 bậc thuế sẽ được nghiên cứu thiết kế lại theo hướng rút gọn, đơn giản hơn. Việc điều chỉnh này nhằm làm rõ nguyên tắc tính thuế, đảm bảo công bằng và dễ áp dụng hơn cho người nộp thuế", ông Trương Bá Tuấn nhấn mạnh.
Thứ sáu, tích hợp, làm rõ các quy định liên quan đến các nhóm đối tượng mới phát sinh, nhất là các cơ chế ưu đãi cá nhân trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, và cơ chế đặc thù phát triển nhân tài theo các nghị quyết Quốc hội đã ban hành.
Bám sát chỉ đạo, hoàn thiện để trình đúng kỳ hạn
Ngoài những nội dung cốt lõi về chính sách thuế, lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí cho hay: Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu bổ sung cơ chế ủy quyền linh hoạt cho Chính phủ trong việc quy định một số nội dung chi tiết như: biểu thuế, mức thuế suất, phương pháp tính thuế… nhằm bảo đảm khả năng điều chỉnh linh hoạt mà không cần sửa toàn bộ luật.
Các nội dung liên quan đến kê khai, nộp thuế cũng được nghiên cứu theo hướng đơn giản hóa, ứng dụng công nghệ số để tăng tính minh bạch, giảm chi phí tuân thủ cho người dân.
Về tiến độ, ông Trương Bá Tuấn cho biết: Bộ Tài chính đang hoàn thiện phương án chi tiết, sau khi thống nhất sẽ ban hành văn bản lấy ý kiến rộng rãi từ các bộ, ngành, hiệp hội, chuyên gia, doanh nghiệp và người dân. Hồ sơ dự thảo sẽ được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
"Chúng tôi bám sát các mốc tiến độ theo Nghị quyết 191/NQ-CP về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6 năm 2025. Mục tiêu là bảo đảm trình dự án luật kịp thời để Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tháng 10/2025", ông Trương Bá Tuấn chia sẻ.
Ông Trương Bá Tuấn khẳng định, dự thảo luật là kết quả của quá trình rà soát, tổng hợp thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Với định hướng sửa đổi toàn diện, Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ hướng tới xây dựng hệ thống thuế công bằng, hiện đại, hỗ trợ người dân, phù hợp bối cảnh phát triển mới.
"Việc tổ chức tham vấn được Bộ Tài chính đặc biệt chú trọng nhằm bảo đảm chính sách đi vào thực tiễn và nhận được sự đồng thuận từ người dân. Đây cũng là nền tảng giúp chính sách thuế phát huy hiệu quả lâu dài, đáp ứng yêu cầu cải cách hệ thống thuế quốc gia", ông Trương Bá Tuấn nhấn mạnh.
Hải Âu