Tin tức
Canada: Nền kinh tế có GDP đạt hơn 1.000 tỷ USD

Canada: Nền kinh tế có GDP đạt hơn 1.000 tỷ USD

28/06/2005

Banner PHS

Canada: Nền kinh tế có GDP đạt hơn 1.000 tỷ USD

Năm 2004, Canada có tốc độ tăng trưởng kinh tế là 2,4%, tổng sản phẩm quốc nội đạt 1.023 tỷ USD, GDP bình quân đầu người 31.500 USD và là thành viên của câu lạc bộ một nghìn tỷ USD...

Năm 2004, Canada có tốc độ tăng trưởng kinh tế là 2,4%, tổng sản phẩm quốc nội đạt 1.023 tỷ USD, GDP bình quân đầu người 31.500 USD và là thành viên của câu lạc bộ một nghìn tỷ USD.

 

Nằm ở phía bắc châu Mỹ, phía nam và một phần lãnh thổ phía bắc giáp với Hoa Kỳ, diện tích tự nhiên rộng 9.984.670 km2, trong đó diện tích đất liền hơn 9 triệu km2, dân số hơn 32,8 triệu nguời, trong đó người gốc Anh chiếm 28%, người gốc Pháp chiếm 23%, người gốc các nước châu Âu khác chiếm 15%, người da đỏ chiếm 2%, ngoài ra còn có người gốc châu Á, châu Phi và Ảrập.

 

Công nghiệp và thương mại phát triển

Nguồn tài nguyên phong phú, có vàng, bạc, đồng, sắt, chì, nicken, kẽm, uranium, coban. Về năng lượng, có dầu mỏ, khí tự nhiên và có tiềm năng phát triển thuỷ điện. Tài nguyên thiên nhiên phong phú đã tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp lọc dầu, khai khoáng, luyện kim, sắt thép, hoá chất phát triển.

 

Sản phẩm công nghiệp chính của Canada gồm các loại quặng có chất lượng cao, thiết bị giao thông, hoá chất, dầu mỏ, khí tự nhiên, gỗ, giấy, thực phẩm, các sản phẩm từ cá. Sản phẩm nông nghiệp có lúa mì, lúa mạch, thịt bò, bơ sữa, hạt có dầu, trái cây, thuốc lá. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm máy móc,xe cơ giới, phụ tùng, dầu thô, khí đốt, nhôm, thiết bị thông tin, gỗ xây dựng, giấy in báo và bột giấy. Các nước nhập khẩu chủ yếu sản phẩm của Canada là Mỹ chiếm 86%, Nhật Bản chiếm 2,1%, Anh chiếm 1,4%.

 

Năm 2004, Canada nhập khẩu hàng hoá trị giá 256,1 tỷ USD, chủ yếu nhập máy móc, thiết bị, hoá chất, hàng tiêu dùng lâu bền. Nhập khẩu hàng từ Mỹ chiếm tới 60,6%, từ Trung Quốc chiếm 5,6%, từ Nhật Bản chiếm 4,1%... Sau khi ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mỹ năm 1989 và Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) năm 1994 gồm Mỹ, Canada và Mexico, doanh số thương mại Canada-Mỹ tăng hàng năm, năm 2003 đạt 391,5 tỷ USD.

 

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phát triển chậm lại, kinh tế Canada không thoát khỏi xu thế chung. Theo số liệu của Cơ quan thống kê Canada công bố ngày 30/5, thặng dư thương mại của Canada với các nước trên thế giới trong quý I/2005 giảm hơn 1 tỷ USD, xuống còn 3,3 tỷ USD, mức thặng dư thấp nhất kể từ quý II/2003 và là quý thứ 3 giảm liên tiếp. Nguyên nhân của tình trạng giảm thặng dư thương mại là do nhập khẩu máy, thiết bị, hàng công nghiệp tăng. Xuất khẩu ô tô và các sản phẩm dầu thô của nước này giảm đáng kể.

 

Xuất khẩu của Mexico sang thị trường Canada đạt 2,663 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi hàng hoá Canada xuất sang thị trường Mexico chỉ đạt 469 triệu USD, giảm 9,6%. Theo báo cáo của Văn phòng thương mại Canada, các loại máy, thiết bị của Mexico xuất sang Canada trong quý I năm nay đạt 964 triệu USD, tăng 3,6%, xe hơi đạt 941 triệu USD, các sản phẩm công nghiệp đạt 220 triệu USD và hàng tiêu dùng đạt 200 triệu USD. Mexico đứng vị trí thứ 4 trong số các nước xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Canada, sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.

 

Hỗ trợ Việt Nam hội nhập kinh tế

Việt NamCanada chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 21/8/1973. Trước đó, năm 1954, Canada đã tham gia Uỷ ban quốc tế vì hoà bình ở Việt Nam và sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam ký ngày 27/1/1973, Canada tiếp tục tham gia Uỷ ban giám sát việc Mỹ và chính quyền nguỵ Sài Gòn thực hiện Hiệp định này. Quan hệ 2 nứơc ngày càng gắn bó vì hai nước có nhiều điểm tương đồng, có sự phối hợp và hợp tác tại nhiều tổ chức, tại nhiều diễn đàn khu vực và quốc tế. Canada khẳng định tiếp tục giúp đỡ Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, ủng hộ và giúp đỡ thiết thực nước ta gia nhập WTO.

 

Hai nước đã ký nhiều hiệp định hợp tác, như Hiệp định chung về hợp tác phát triển chính phủ Việt Nam và Chính phủ Canada, Hiệp định về hợp tác kinh tế giữa 2 chính phủ (1994); Bản ghi nhớ giữa hai chính phủ về một số sản phẩm dệt; Hiệp định giữa hai chính phủ về thương mại và mậu dịch (1995); Hiệp định giữa 2 chính phủ về tránh đánh thuế 2 lần và ngăn ngừa việc trốn thuế đối với các loại thuế thu nhập; Bản ghi nhớ giữa 2 nước về dự án dịch vụ và phát triển hạ tầng; Bản ghi nhớ giữa 2 nước về "Dự án hỗ trợ chính sách giai đoạn 2"; Ký tắt Hiệp định hàng không giữa 2 nước và thoả thuận hợp tác trong một số lĩnh vực khác.

 

Trong quan hệ thương mại, chính phủ Canada đã dành sự quan tâm và hỗ trợ thích đáng giúp các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực châu Á-TBD, như kéo dài chế độ ưu đãi thuế quan cho nhiều nước đang phát triển thêm 10 năm (đến năm 2014), trong đó có Việt Nam. Hàng hoá nước ta xuất khẩu vào thị trường Canada tiếp tục được hưởng mức thuế thấp. Từ ngày 1/1/2005 Canada chính thức bỏ hạn ngạch dệt may cho Việt Nam như các nước thành viên WTO. Năm 2004, quan hệ kinh tế, thương mại giữa 2 nước vẫn tăng trưởng ổn định. Kim ngạch 2 chiều tăng từ 192 triệu USD năm 2001 lên 230 triệu USD năm 2002, năm 2003 đạt 315 triệu USD và năm 2004 đạt 448 triệu USD. Những mặt hàng xuất khẩu của nước ta vào thị trường Canada chủ yếu là giày dép, hàng may sẵn, thuỷ sản, xe đạp và phụ tùng xe đạp, cà phê, hạt điều, chè gia vị.

 

Theo các nhà phân tích, quan hệ hợp tác, kinh tế, thương mại chưa tương xứng với tiềm năng hai nước, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vào thị trường Canada còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Canada. Riêng nhóm hàng xe đạp và phụ tùng xe đạp, một trong 4 nhóm hàng xuất khẩu chính vào thị trường Canada, năm 1999 đạt 229.000 USD, nhưng năm 2003 đã đạt 10 triệu USD, năm 2004 đạt hơn 23 triệu USD, đứng vị trí thứ 3 trong số các nước xuất khẩu mặt hàng này vào thị trường Canada.

 

Trong lĩnh vực đầu tư, tính đến tháng 3/2004, Canada có 34 dự án FDI tại nước ta với tổng số vốn 217 triệu USD, đứng thứ 28 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Về viện trợ, Canada là nước có nhiều chương trình viện trợ không hoàn lại giúp Việt Nam với số lượng lớn. Quỹ phát triển hợp tác của Canada với Việt Nam lên tới 30 triệu USD/năm.

 

Tổ chức hợp tác quốc tế Canada (CIDA) triển khai nhiều dự án trợ giúp nước ta trong các lĩnh vực xoá đói giảm nghèo, phát triển các thành phần kinh tế, giáo dục, văn hoá, thực hiện ở hầu hết các tỉnh, có hiệu quả. Chương trình hợp tác song phương của CIDA với Việt Nam được giải ngân khoảng 11,7 triệu USD/ năm, góp phần cải thiện điều kiện sống của nhiều vùng dân cư nước ta. Quá trình xây dựng nền tảng cho mối quan hệ giữa 2 nước Việt Nam-Canada trong thời kỳ mới luôn được củng cố và phát triển, mở ra triển vọng tốt đẹp và bền vững trong quan hệ hai nước.

TBKTVN

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng