Chứng khoán Châu Á: Một số thị trường đã gượng dậy
Nguồn: Grettyimages |
Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tiếp tục chuỗi ngày đen tối trước lực xả hàng mạnh. Đồng EUR phục hồi sau khi rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 7 tháng qua so với đồng USD, giá dầu dao động dưới 73 USD/thùng.
Nhiều nhà đầu tư khu vực không mấy phấn chấn khi nhận được thông tin Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý IV/2009 tăng trưởng với tốc độ mạnh nhất trong vòng 6 năm qua 5.7%.
Mặc dù con số này đánh bật mọi dự đoán trước đó, nhưng đà tăng trưởng chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu trong ngắn hạn đã làm dấy lên mối nghi ngờ về tính bền vững của đà phục hồi kinh tế Mỹ một khi Chính phủ rút lại các chính sách kích thích.
Nhà đầu tư cũng tỏ ra thận trọng trước thời điểm công bố một loạt báo cáo kinh tế trên khắp thế giới, từ chỉ số sản xuất của Mỹ đến sản lượng công nghiệp Đức. Các báo cáo này sẽ cho biết liệu nền kinh tế toàn cầu có giữ được tốc độ phục hồi bền vững. Các chỉ báo được quan tâm nhất trong tuần này chính là bản báo cáo việc làm Tháng 1 của Mỹ công bố vào ngày Thứ Sáu cùng quyết định lãi suất của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Australia.
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 6.98 điểm (0.1%) lên 10,205.02 điểm. Trong khi đó tại Hàn Quốc, thông tin xuất khẩu Tháng 1 tăng vọt với tốc độ mạnh nhất trong vòng hơn hai thập kỷ qua đã giúp chỉ số Kospi tiến 4.46 điểm (0.3%) lên 1,606.89 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông cũng nỗ lực đảo chiều tăng 0.6% lên 20,243.75 điểm.
Đáng chú ý, cổ phiếu của các công ty xe hơi Nhật như Toyota và Honda bị tác động nặng nề do việc thu hồi 2.3 triệu xe tại thị trường Mỹ. Trong khi đó, cổ phiếu của các hãng đối thủ tại Hàn Quốc như Hyundai và Kia Motors lại tăng giá mạnh.
Còn đối với nhà đầu tư Trung Quốc, thông tin khả quan về hoạt động sản xuất trong Tháng 1 là chứng cứ cho thấy Chính phủ nước này sẽ tiếp tục duy trì các nỗ lực ngặn chặn tăng trưởng nóng và lạm phát. Đóng cửa phiên, chỉ số Shanghai Composite hạ 47.93 điểm (1.6%) xuống 2,941.36 điểm. Các thị trường khác như Australia, Singapore và Đài Loan cũng nằm trong xu hướng giảm.
Giá dầu tại Châu Á tăng nhẹ, hợp đồng giao dầu Tháng 3 nhích 11 cent lên 72.99 USD/thùng. Đồng USD tăng từ 89.79 JPY/USD lên 90.41 JPY/USD, đồng EUR tăng từ 1.3861 USD/EUR lên 1.3905 USD/EUR.
Trong phiên giao dịch buổi sáng tại Châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0.1%, chỉ số DAX của Đức đánh mất 0.3% và chỉ số CAC 40 của Pháp lùi 0.6%. Thị trường tương lai Mỹ ra dấu cho phiên tăng điểm nhẹ, chỉ số S&P 500 tăng 3.1 điểm (0.3%) lên 1,073.50 điểm.
Khánh Hà (Theo AP)