Tin tức
Chuyên gia: NHNN đang điều tiết linh hoạt theo nhịp thở thị trường

Chuyên gia: NHNN đang điều tiết linh hoạt theo nhịp thở thị trường

01/07/2025

Banner PHS

Chuyên gia: NHNN đang điều tiết linh hoạt theo nhịp thở thị trường

Theo ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Nguyễn Trãi, động thái đảo chiều bơm ròng ngay sau 2 phiên hút ròng cho thấy NHNN ưu tiên hỗ trợ cân bằng thanh khoản ngắn hạn, tránh gián đoạn dòng vốn sản xuất kinh doanh, không phải chính sách tiền tệ quay đầu, mà là linh hoạt theo nhịp thở thị trường.

Trong phiên giao dịch 30/06/2025, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục bơm lượng lớn thanh khoản cho hệ thống ngân hàng qua kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO).

Nguồn: NHNN

Cụ thể, NHNN cung ứng cho 16 thành viên thị trường với số tiền 33,055 tỷ đồng, với kỳ hạn 7 ngày; 8 thành viên với số tiền gần 19,020 tỷ đồng tại kỳ hạn 14 ngày và 1 thành viên với số tiền hơn 829 tỷ đồng tại kỳ hạn 91 ngày. Tổng cộng, NHNN đã cung cấp cho hệ thống ngân hàng vay hơn 52,904 tỷ đồng qua kênh OMO trong phiên 30/06. Lãi suất trúng thầu đều ở mức 4%/năm.

Trước đó, ngày 24/06, NHNN đã mở lại kênh tín phiếu sau gần 4 tháng tạm ngưng. Tổng cộng từ ngày 24/06 đến 30/06, NHNN đã bơm ròng ra thị trường 94,558 tỷ đồng.

NHNN đã bơm ròng gần 95,000 tỷ đồng

Ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Nguyễn Trãi đánh giá, động thái của NHNN là một bước điều chỉnh chiến lược, linh hoạt và thăm dò.

Trong suốt quý 1 và đầu quý 2/2025, NHNN đã chủ trương bơm thanh khoản mạnh mẽ để hỗ trợ mặt bằng lãi suất thấp, kích thích tín dụng. Điều này phù hợp với bối cảnh nền kinh tế cần hồi phục sau chu kỳ chậm lại năm 2023-2024.

Tuy nhiên, từ tháng 6 trở đi, thanh khoản hệ thống bắt đầu dư thừa, lãi suất liên ngân hàng duy trì dưới lãi suất điều hành. Dòng tiền không đi vào sản xuất kinh doanh đủ mạnh, mà có xu hướng tìm đến các tài sản đầu cơ, dẫn đến nguy cơ bong bóng cục bộ.

Theo đó, phát hành tín phiếu được NHNN tái sử dụng nhằm tạm thời rút bớt tiền nhàn rỗi ra khỏi hệ thống, truyền đi tín hiệu kiểm soát kỳ vọng lạm phát và tỷ giá, đồng thời cũng thăm dò phản ứng thị trường để chuẩn bị cho giai đoạn điều hành tiếp theo. Đây là một bước đi “mềm”, không hàm ý siết chính sách tiền tệ, mà để giữ thế chủ động và cân bằng tâm lý thị trường.

Sau 2 phiên hút ròng, NHNN nhanh chóng chuyển sang bơm ròng trở lại, thể hiện thái độ “điều tiết động”, không duy ý chí theo chu kỳ siết - nới cố định. Động thái đảo chiều ngay sau 2 phiên hút ròng, cho thấy NHNN ưu tiên hỗ trợ cân bằng thanh khoản ngắn hạn, tránh gián đoạn dòng vốn sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong thời điểm nhạy cảm về báo cáo kết quả kinh doanh bán niên. Không phải chính sách tiền tệ quay đầu, mà là linh hoạt theo nhịp thở thị trường.

Để tỷ giá vận động linh hoạt trong vùng kiểm soát

Tuy nhiên, tháng 6 cũng là thời gian cao điểm giải ngân của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đồng loạt giải ngân mạnh để thanh toán đơn hàng nhập khẩu, chi trả nhà cung ứng và trả lãi vay đến hạn trước thời điểm chốt số liệu bán niên. Đây cũng là thời điểm nhiều doanh nghiệp thanh toán cổ tức bằng tiền mặt, hoặc mua nguyên vật liệu cho đơn hàng quý 3, nên nhu cầu tiền mặt nội tệ và ngoại tệ tăng mạnh.

Nhu cầu găm giữ ngoại tệ tăng nhẹ trước bất định về giá dầu, rủi ro địa chính trị trong khu vực. Một số doanh nghiệp chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, và các tổ chức đầu tư nước ngoài thực hiện tái cơ cấu danh mục sau 6 tháng đầu năm.

Trong khi đó, nguồn cung USD chưa dồi dào như kỳ vọng do FDI giải ngân chậm, kiều hối chưa vào mạnh trong nửa đầu năm, phần lớn rơi vào cuối quý 4, một số tập đoàn xuất khẩu lớn giữ lại USD để dự phòng biến động nguyên vật liệu, thay vì bán ra thị trường.

Vì vậy, NHNN không can thiệp mạnh để giữ tỷ giá “cứng nhắc”, mà để tỷ giá phản ánh cung - cầu thực tế, tránh lệch kỳ vọng thị trường.

Việc “thả nhẹ” tỷ giá tăng trong vùng biên an toàn cũng giúp hỗ trợ xuất khẩu trong bối cảnh các nước khu vực đang phá giá nội tệ. Đồng thời, tăng sức hấp dẫn đầu tư vào các tài sản tài chính có lợi suất bằng VND.

Trong phiên 01/07, tỷ giá trung tâm được NHNN niêm yết lên mức 25,058 VND/USD, sau vài phiên giảm nhẹ. Bên cạnh đó, giá bán USD tại các ngân hàng đồng loạt tăng vượt ngưỡng 26,310 VND/USD.

Tỷ giá trung tâm từ đầu năm đến nay
Nguồn: VietstockFinance

Dự báo cho nửa cuối năm 2025, ông Huy cho rằng áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu, nhưng ở mức kiểm soát được nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chính thức giảm lãi suất trong tháng 9 và tháng 12/2025. Bên cạnh đó, xuất khẩu kỳ vọng phục hồi, đặc biệt từ khối FDI. NHNN sẽ có thể tiếp tục linh hoạt điều tiết bằng công cụ phái sinh, hoán đổi ngoại tệ, và tín phiếu.

Tuy nhiên, cần lưu ý, tâm lý đầu cơ USD có thể nổi lên cục bộ, nhất là khi giá vàng và giá dầu biến động mạnh. Dòng tiền đầu tư nước ngoài sẽ phân hóa rõ rệt, đòi hỏi chính sách tỷ giá minh bạch, ổn định để duy trì niềm tin.

Cát Lam

FILI - 16:44:16 01/07/2025

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng