Tin tức
Đằng sau vẻ ngoài vững chắc của nền kinh tế Trung Quốc

Đằng sau vẻ ngoài vững chắc của nền kinh tế Trung Quốc

16/07/2025

Banner PHS

Đằng sau vẻ ngoài vững chắc của nền kinh tế Trung Quốc

Zhang Jinming, nhân viên công ty nhà nước Trung Quốc, vừa bị cắt 24% lương và phải đi giao đồ ăn 3 giờ mỗi tối sau giờ làm cùng cuối tuần để bù đắp thu nhập. Anh cũng mong tránh những cuộc gặp khó xử với đồng nghiệp.

"Thật xấu hổ khi vừa làm công ty nhà nước vừa đi giao hàng bán thời gian", Zhang cho biết. Công ty bất động sản chỉ trả cho anh 4,200 Nhân dân tệ (585 USD) mỗi tháng, giảm từ 5,500 Nhân dân tệ.

Mặc dù Trung Quốc đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bằng cách duy trì hoạt động cảng và nhà máy, việc thiếu nhu cầu đã ảnh hưởng lợi nhuận, buộc các công nhân như Zhang phải chịu cắt lương và đi làm thêm việc khác.

"Không có cách nào khác", người đàn ông 30 tuổi nói. Anh lái xe máy đến 11h30 tối để kiếm 60-70 Nhân dân tệ mỗi tối. "Việc giảm lương gây áp lực rất lớn cho tôi. Nhiều đồng nghiệp đã nghỉ việc và tôi phải gánh thêm công việc của họ”.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5.2% trong quý 2, cho thấy mô hình dựa vào xuất khẩu cho đến nay đã chống chọi được thuế quan Mỹ. Nhưng đằng sau vẻ ngoài kiên cường, các vết nứt đang lan rộng.

Tình trạng thanh toán chậm trễ hợp đồng và hóa đơn đang gia tăng, ngay cả ở những ngành xuất khẩu mạnh như ô tô và điện tử, cũng như các công ty tiện ích. Các chính quyền địa phương - chủ sở hữu những công ty này - đang mắc nợ nên phải cắt giảm chi tiêu, nhưng vẫn phải hỗ trợ các nhà máy bị ảnh hưởng bởi thuế quan.

Nợ quá hạn

Các công ty công nghiệp Trung Quốc nợ nần chồng chất khi lợi nhuận giảm và cuộc chiến giá cả gia tăng

Cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành thị trường xuất khẩu – vốn bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại toàn cầu – đang làm giảm lợi nhuận các công ty, khiến giá hàng hóa tại nhà máy giảm dù xuất khẩu khối lượng lớn hơn. Công nhân phải gánh chịu hậu quả khi doanh nghiệp cắt giảm chi phí.

Lợi nhuận và lương giảm khiến doanh thu thuế ít đi, buộc các công ty Nhà nước như công ty của Zhang phải "thắt lưng buộc bụng". Trong hệ thống ngân hàng, các khoản vay khó đòi đang tăng mạnh khi chính quyền ép ngân hàng cho vay nhiều hơn.

Sự mất cân bằng trong tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chủ yếu do các chính sách thiên về hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hơn là người tiêu dùng.

Các nhà kinh tế từ lâu đã kêu gọi Bắc Kinh nên chuyển sang hỗ trợ các lĩnh vực trong nước như giáo dục và y tế, hoặc khuyến khích người dân tiêu dùng nhiều hơn - chẳng hạn bằng cách tăng phúc lợi - nếu không muốn tăng trưởng chậm lại trong nửa cuối năm

Max Zenglein, nhà kinh tế cấp cao châu Á-Thái Bình Dương tại Conference Board of Asia, mô tả Trung Quốc như "nền kinh tế hai tốc độ" với công nghiệp mạnh và tiêu dùng yếu.

"Một số thách thức kinh tế như lợi nhuận thấp và áp lực giảm phát chủ yếu do các ngành sản xuất và công nghệ tiếp tục mở rộng công suất", Zenglein cho biết. "Những gì đang diễn ra trong cuộc chiến thương mại với Mỹ giờ đây đang ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước”.

Thu nhập bị ảnh hưởng

Frank Huang, giáo viên 28 tuổi ở Sùng Tả - thành phố hơn 2 triệu người ở Trung Quốc - cho biết trường đã không trả lương cho anh trong 2-3 tháng.

"Tôi chỉ có thể chịu đựng, không dám nghỉ việc", Huang nói. Anh phải nhờ cha mẹ hỗ trợ khi trường không chỉ trả lương (5,000 Nhân dân tệ/tháng). "Nếu tôi đã lập gia đình với khoản vay mua nhà, vay xe và con cái, áp lực sẽ rất khủng khiếp”.

Một giáo viên khác từ Lâm Tuyền, một huyện có 1.5 triệu dân ở miền Đông Trung Quốc, cho biết cô chỉ nhận được lương cơ bản 3,000 Nhân dân tệ hàng tháng. Phia nhà trường đã nhiều lần trì hoãn trả phần lương hiệu suất, thường khoảng 16%.

"Sau khi trả tiền xăng, phí đỗ xe và quản lý, số tiền còn lại không đủ mua đồ ăn", giáo viên họ Yun chia sẻ. "Tôi cảm thấy như đang ăn xin. Nếu không có cha mẹ, tôi sẽ chết đói”.

Mặc dù không có số liệu về tình trạng chậm thanh toán trong khu vực Chính phủ, nợ quá hạn ở các công ty công nghiệp đã tăng nhanh trong những lĩnh vực có sự hiện diện mạnh của Nhà nước.

Nợ quá hạn trong lĩnh vực máy tính, truyền thông và thiết bị điện tử tăng 16.6%, trong sản xuất ô tô tăng 11.2% trong giai đoạn 12 tháng tính đến tháng 5. Tình trạng chậm thanh toán trong lĩnh vực nước và khí đốt tăng 17.1% và 11.1%.

"Những con số này cho thấy tình trạng thiếu tiền và là hệ quả của việc chính quyền ưu tiên sản lượng hơn nhu cầu", Minxiong Liao, nhà kinh tế cấp cao tại GlobalData.TS Lombard APAC nhận định.

Hoãn chi tiêu

Do thu nhập sụt giảm, Bắc Kinh khó thực hiện cam kết thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Nhiều chuyên gia lo ngại giảm phát kéo dài sẽ gây tổn thương thêm cho nền kinh tế vì người dân sẽ hoãn mua sắm.

Huang Tingting vừa nghỉ việc phục vụ nhà hàng trong tháng trước sau khi lượng khách đến nhà hàng - và hầu hết cửa hàng gần đó - giảm mạnh vào tháng 4, thời điểm căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang leo thang. Để đối phó với doanh thu giảm, chủ nhà hàng bắt nhân viên nghỉ không lương 4 ngày mỗi tháng.

"Tôi vẫn phải trả tiền thuê nhà và sinh hoạt", cô gái 20 tuổi từ tỉnh Giang Tô giải thích lý do nghỉ việc.

Dù vậy, cô rơi vào thế khó khi không tìm được công việc thay thế. Trước đây, cô có thể tìm được việc ở nhà hàng khác trong 1-2 ngày. Lần này, cô đã thất nghiệp từ tháng 6. Một nhà tuyển dụng cho biết vị trí cô ứng tuyển có hơn 10 ứng viên khác. "Thị trường việc làm năm nay tệ hơn năm ngoái", Huang nói.

Vũ Hạo (Theo Reuters)

FiLi - 19:00:00 16/07/2025

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh
(cũ: Phường Tân Phú, Quận 7)

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng