Tin tức
Đằng sau vụ tiêu cực ở PJICO

Đằng sau vụ tiêu cực ở PJICO

24/05/2005

Banner PHS

Đằng sau vụ tiêu cực ở PJICO

Công ty bảo hiểm phi nhân thọ PJICO từng được nhắc đến như một điển hình về tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành bảo hiểm...

Công ty bảo hiểm phi nhân thọ PJICO từng được nhắc đến như một điển hình về tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành bảo hiểm.

 

Thực sự năm 2004, PJICO đã có những bước nhảy đáng chú ý trong kinh doanh. Doanh thu phí bảo hiểm của công ty từ 330 tỉ đồng năm 2003 đã vọt lên gần 600 tỉ đồng năm ngoái. Đã có đề nghị tặng thưởng danh hiệu đơn vị anh hùng cho PJICO!

 

Vậy mà giờ đây trong một số cuộc đấu thầu bảo hiểm các công trình xây dựng, chủ thầu lặng lẽ gạch tên PJICO khỏi danh sách tham dự. Tất cả chỉ vì ảnh hưởng vụ nhận hối lộ và trục lợi bảo hiểm 3,8 tỉ đồng liên quan trực tiếp tới tổng và phó tổng giám đốc công ty...

 

Nỗi buồn thương hiệu

 

Một quan chức, nguyên Tổng giám đốc PJICO đã nghỉ hưu, nói với giọng buồn: “Thương hiệu và hình ảnh của PJICO đang trải qua những ngày sóng gió. PJICO là thương hiệu được xây dựng trong suốt mười năm với công sức của bao con người. Vụ việc mang tính cá nhân, nhưng “con sâu làm rầu nồi canh”, ảnh hưởng tới mọi nhân viên công ty”.

Ở các chi nhánh, nhân viên PJICO phản ánh: nhiều khách hàng đang dự định ký các hợp đồng bảo hiểm với công ty đã dừng lại. Phần lớn họ viện dẫn lý do cần thời gian xem xét thêm, nhưng thực chất là một sự rút lui, tìm đến những doanh nghiệp bảo hiểm khác.

 

Việc giữ chân các khách hàng cũ đã khó, phát triển khách hàng mới chắc chắn sẽ gian nan. Tuy chưa biết dịch vụ của PJICO xấu tốt ra sao, chế độ bồi thường thế nào, nhưng nghe chuyện người điều hành cao nhất công ty bị cáo buộc nhận hối lộ, tiêu cực, khách hàng nào mà lại không nghi ngờ. Tốt nhất cứ tìm một đơn vị bảo hiểm khác cho chắc ăn...

 

Phản ứng của giới kinh doanh bảo hiểm Việt Nam trước sự kiện PJICO tương đối giống nhau: những vụ tiêu cực cần phải được xử lý nghiêm để trả lại cho thị trường bảo hiểm sự trong sạch và minh bạch. Ông Lê Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm, Bộ Tài chính, cho biết việc xử phạt hành vi trục lợi bảo hiểm được đề cập rất rõ ràng trong Luật Bảo hiểm.

 

Giám đốc một công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài, đề nghị không nêu tên, nói các nhà đầu tư nước ngoài đang chờ xem vụ trục lợi bảo hiểm đầu tiên được Việt Nam xử lý thế nào. Ông nói: “Một số hãng tái bảo hiểm nước ngoài có ý nghi ngờ việc Việt Nam xử lý chưa thích đáng các vụ tiêu cực trong kinh doanh bảo hiểm. Hầu hết các công ty bảo hiểm trong nước đều tái bảo hiểm ra ngoài. Nếu có tiêu cực, mà không phân xử rạch ròi trách nhiệm, tái bảo hiểm vẫn phải bồi thường. Đây cũng là một trong những lý do giải thích vì sao các hãng tái bảo hiểm thường đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam một tỷ lệ phí tái bảo hiểm cao hơn so với các nước khu vực”.

 

Kiểm soát trong công ty cổ phần: hình thức

 

Tổng công ty Xăng dầu Petrolimex sở hữu 51% cổ phần của PJICO. Cán bộ công nhân viên ngành xăng dầu cũng tham gia mua cổ phần ở PJICO. Theo thống kê sơ bộ, vốn của Petrolimex và công nhân viên xăng dầu ở PJICO lên tới 70%. Các cổ đông khác còn lại là các doanh nghiệp nhà nước như Ngân hàng Ngoại thương, Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia Vinare... Bốn trong số bảy thành viên Hội đồng Quản trị của PJICO là đại diện của ngành xăng dầu.

 

Thế nhưng, điều đáng quan tâm là khi vụ việc xảy ra, tất cả các cổ đông lớn của PJICO đều phát biểu họ bị bất ngờ. Đáng lý kiểm soát nội bộ của công ty phải biết trước, song họ đã chỉ biết khi cơ quan an ninh vào cuộc.

 

Vậy cơ chế kiểm soát nội bộ của PJICO vận hành như thế nào? Hội đồng Quản trị và Ban kiểm soát PJICO phải chăng đã không nắm được chính xác quyền hạn, trách nhiệm điều hành của ban giám đốc, mà cụ thể là tổng giám đốc?

 

Giả sử cổ đông của PJICO đại chúng hơn với thành phần chủ yếu là các cá nhân, công ty tư nhân, TNHH, thì cơ chế kiểm soát có chặt chẽ hơn? Vụ việc sẽ không xảy ra? Khó trả lời! Chỉ có điều khi cá nhân, tư nhân góp vốn vào công ty cổ phần bằng đồng tiền mồ hôi nước mắt của họ, họ sẽ có những yêu cầu giám sát bộ phận điều hành một cách căn cơ.

 

Còn với PJICO, vốn góp của cổ đông doanh nghiệp quốc doanh là tiền của Nhà nước, của ngân sách và có lẽ vì thế, trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như việc sử dụng quyền hạn của cổ đông công ty nhà nước đã không ở mức tối đa cần có.

Chuyện thông tin

 

Ba tháng trước khi vụ PJICO bị phanh phui, cơ quan an ninh đã làm việc với các chuyên viên nghiệp vụ ngành bảo hiểm để xác định liệu có hành vi trục lợi bảo hiểm. Và mới vỡ lẽ ra rằng đối với hàng vận chuyển container của Việt Nam, các hãng tàu thường thu gom. Chẳng hạn hàng xuất đi châu Âu nhiều khi không đến thẳng các cảng châu Âu mà tập kết tại một cảng thuộc khu vực Đông Nam Á, sau đó mới chuyển đi. Do đó cũng đã có trường hợp hàng đã lên tàu, nhà xuất khẩu mới mua bảo hiểm.

 

Tuy nhiên, liên quan đến vụ việc ở PJICO, vào thời điểm xảy ra cháy tàu, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt đã biết được vụ cháy. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu của Bảo Việt, “bật mí” rằng Bảo Việt hợp tác với hãng Lloyd. Khi các tai nạn tàu bè vận chuyển đường biển xảy ra trên thế giới, Lloyd ngay lập tức và tự động gửi thông tin chi tiết đến Bảo Việt. Chiếc tàu có chở hàng của công ty bà Phan Hồng Thu đã cháy ở ngoài khơi một nước lân cận Việt Nam suốt một tuần liền. Đó là đám cháy thiệt hại rất lớn.

 

Ngay sau đó, một số khách hàng có hàng xuất trên chuyến tàu ấy đã liên hệ với chi nhánh Bảo Việt ở các địa phương để mua bảo hiểm. Nhưng do biết được vụ cháy, Bảo Việt đã từ chối.

 

Nếu PJICO cũng chú trọng đầu tư cho thông tin như Bảo Việt và nếu các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước hợp tác với nhau trong trao đổi thông tin, có thể PJICO và những công ty bảo hiểm khác đã nắm được thông tin nóng về tai nạn cháy tàu nọ và sự việc trục lợi bảo hiểm có thể được ngăn chặn ngay từ trong trứng nước.

 

Giả thiết chỉ là giả thiết. Nhưng câu chuyện chúng tôi thu thập được từ Bảo Việt một lần nữa minh chứng tầm quan trọng của thông tin trong kinh doanh ngày nay.

TBKTSG

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng