Tin tức
Diễn đàn Kinh tế thế giới và vai trò của các NHTW

Diễn đàn Kinh tế thế giới và vai trò của các NHTW

08/02/2010

Banner PHS

Diễn đàn Kinh tế thế giới và vai trò của các NHTW

Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2010 được diễn ra trong các ngày 27-31/01/2010 tại Davos, Thụy Sĩ để bàn các biện pháp tái thiết kinh tế toàn cầu. Hội nghị đã đánh giá ưu điểm và nhược điểm của các công cụ chính sách. Đáng chú ý, một báo cáo đặc biệt đã đề cập đến vai trò của một số Thống đốc ngân hàng trung ương (NHTW).

Trong đó, Glenn Stevens – Thống đốc NHTW Australia, được coi là người hùng bất ngờ của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Khi Australia là nước đầu tiên của nhóm G20 quyết định tăng lãi suất vào ngày 6/10/2009, phát tín hiệu về triển vọng lạc quan của hoạt động kinh tế, lý do cơ bản để NHTW Australia tăng lãi suất tới 3 lần vào cuối năm 2009 là xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh. Cùng với Australia, Israel và Nauy cũng đã tăng lãi suất lên mức chưa có tiền lệ. Kết quả là cả ba nước này đã tránh được chấn động dữ dội của khủng hoảng.

Nhà kinh tế Su-Lin Ong cho rằng, Chính phủ Australia có thể phải đối mặt với lãi suất cao của các khoản nợ mới, nhưng nếu quốc gia này chỉ tổn thương nhẹ thì kinh tế toàn cầu có thể tránh được nguy cơ rơi xuống vực thẳm, và cho đến nay, thảm họa này vẫn chưa xảy ra.

Việc tăng lãi suất tại Australia được tiến hành khi Mỹ và EU còn cầu may và hy vọng kinh tế sẽ thoát khỏi suy thoái trong quí 3. Điều mà Bernanke và các thống đốc NHTW phải làm sẽ có tầm quan trọng không chỉ đối với từng nước, mà còn vì kinh tế toàn cầu do có sự gắn bó chặt chẽ về mặt tài chính. Thách thức chủ yếu đối với các NHTW là làm thế nào để giữ kinh tế tăng trưởng mà không làm tăng bong bóng giá cả tài sản, nghĩa là phải tăng lãi suất nhằm chặn đứng việc mở rộng cho vay với lãi suất thấp, đây là quyết định khó khăn khi kinh tế thế giới đang bị “mắc nghiện” thanh khoản.

Bernanke giữ chức Thống đốc Fed từ tháng 2/2006, nhưng Bernanke đã không sử dụng chính sách tiền tệ (CSTT) để khắc phục bong bóng giá cả tài sản với lập luận là công cụ không sắc bén – một cách làm mà người tiền nhiệm Alan Greenspan đã tiến hành. Việc Fed duy trì cho vay lãi suất thấp quá lâu đã đặt nền móng cho rạn nứt tài chính năm 2008. Với việc phản ứng chậm trễ với khủng hoảng, nước Mỹ đã để bong bóng nhà đất vượt quá tầm kiểm soát và giá phải trả là rất đắt.

Trong khi kinh tế Mỹ và EU ít nhiều chỉ tăng trung bình, đồng thời phải đối mặt với thất nghiệp và nợ nần gia tăng, Trung Quốc và nhiều nước mới nổi khác tỏ ra rất năng động, các thị trường tài chính toàn cầu bị tác động nhẹ tiếp theo khi Trung quốc thắt chặt điều chỉnh chính sách – tăng dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng, bắt đầu từ năm 2010. Nỗi lo là điều này có thể cản trở phục hồi kinh tế toàn cầu vốn đang rất khó khăn và cắt giảm chi tiêu tại một số nước có tiết kiệm dư thừa như Trung Quốc, Australia và một số nước sẽ gây khó khăn cho việc mở rộng sản xuất.

Trong số các nước G20, Australia, Trung Quốc, A rập Xê út và Liên bang Nga đã thoát khỏi suy thoái mà không mắc nợ quá cao. Đây là những nước may mắn nhờ tăng dự trữ khi thành đạt trong những thập kỷ trước, cho phép chính phủ chi tiêu mạnh tay. Chính điều này đã giúp họ vượt qua khủng hoảng dễ dàng.

Vòng xoáy nợ nần

Cách thức của Stevens, Bernanke và các đồng nghiệp trong việc đối phó với 3 vấn đề cấp bách – khắc phục nợ nần, kiềm chế lạm phát và bong bóng tiềm tàng phát sinh – sẽ quyết định số phận của kinh tế toàn cầu trong vài năm tới.

Những lo ngại thế giới có thể rơi vào suy thoái tiếp theo đã hối thúc các chính phủ thực hiện những biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ tăng trưởng và khu vực ngân hàng.

Theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), nợ chính phủ so với GDP của các nước phát triển sẽ tăng từ 78% GDP năm 2007 lên mức cao 118% vào năm 2014. Trong đó, tăng thâm hụt sẽ kéo theo tăng trưởng kinh tế, giảm áp lực tiền tệ và tăng lạm phát nếu các NHTW không tăng chi phí cho vay và chống lại cám dỗ giữ lãi suất thấp. Đối với những nước mắc nợ quá mức, tốc độ tăng trưởng chậm có thể sẽ kéo dài hàng thập kỷ. Tăng nợ nần có thể làm lãi suất tăng thêm 2 điểm phần trăm, làm tăng chi phí dịch vụ nợ và tăng áp lực lên những chính phủ phải đối mặt với thất thu thuế do tăng trưởng chậm. Thanh toán lãi suất ròng tại các nước phát triển được dự báo là tăng gần gấp đôi từ 1,9% so GDP trong 3 năm trước lên 3,5% trong năm 2014. Sau đó, số tiền này tại Mỹ sẽ vượt tổng chi tiêu cho quốc phòng, y tế và giáo dục. Để giảm nợ xuống dưới 60% GDP, các nước phát triển phải chuyển từ trạng thái thâm hụt trung bình 3,5% trong năm nay sang thặng dư 4,5% cho đến năm 2020, nhưng với tiền đề kinh tế hiện nay thì điều này rất khó thực hiện.

Báo cáo mới đây của WEF về rủi ro toàn cầu cho thấy, rối loạn tài chính công đang đẩy các nền kinh tế vào khủng hoảng nợ toàn diện và là mối quan tâm hàng đầu trong năm 2010. Trong cố gắng kích thích kinh tế và chống suy thoái, các chính phủ đang xây dựng mức nợ không có tiền lệ và gây ra rủi ro nợ xấu quốc gia.  Chi phí chống đỡ rủi ro nợ xấu tại các nước EU đã đạt kỷ lục và gần ngang với mức đầu tư của những doanh nghiệp hàng đầu, nợ công sẽ tiếp tục tăng cao tại Italia trong thập kỷ tới, cái giá phải trả ở đây là tăng trưởng tiềm năng thấp.

Vấn đề lạm phát

Giá cả leo thang là nỗi lo đối với các NHTW, nếu các chính phủ không cắt giảm chi tiêu, lạm phát có thể bùng phát và bắt đầu xói mòn sức mua của người tiêu dùng, khi đó NHTW sẽ có ít lựa chọn và buộc phải tăng lãi suất. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi phải rất khéo léo do áp lực chính trị giúp chính phủ hỗ trợ tăng trưởng bằng cách duy trì lãi suất thấp và giảm giá trị các khoản nợ.

Ian Stewart, Giám đốc Viện nghiên cứu Deloitte cho rằng, động lực của các NHTW là thiên về lạm phát và tăng trưởng hơn là giảm phát và suy thoái. Nghiên cứu của các nhà kinh tế Joshua Aizenman and Nancy Marion đã so sánh tác động của lạm phát sau thế chiến thứ II với tình hình hiện nay. Nếu giảm 6% lạm phát hiện nay thì cần giảm tỉ lệ nợ/GDP tới 20% trong vòng 4 năm. Thời gian đáo hạn trung bình hiện nay thấp hơn nhiều so với những năm 1940, nghĩa là các chính phủ có thể phải đối mặt với mức nợ phát sinh cao hơn.

Những nước lún sâu vào nợ nần không thể khắc phục được một cách đơn giản bằng công cụ lạm phát. IMF ước lượng là, lạm phát 6% có thể chỉ xói mòn ¼ nợ tăng thêm dồn tích bắt nguồn từ khủng hoảng tại các nước phát triển, và lạm phát không thể giải quyết được vấn đề. Thậm chí, lạm phát có thể không tăng 6% mà tăng 12% hay 20%…, sau đó tạo thành vòng xoáy chôn ốc. Nghĩa là, việc giảm nhẹ lạm phát không giúp ích gì, đành rằng không ai muốn lạm phát hai con số.

Bong bóng tài sản

Các NHTW cũng bắt đầu lo lắng là các biện pháp không có trong tiền lệ có thể làm hình thành bong bóng tiếp theo, và câu hỏi đặt ra là phải làm gì. Trước những tổn thất nặng nề, các NHTW dường như không có khả năng kiểm soát hậu quả của bùng nổ bong bóng giá tài sản do các chính phủ có thể phải đối mặt với lãi suất cao đối với nợ phát sinh.

Việc đã rồi là, thanh khoản rẻ và hào phóng của NHTW đã giúp tăng giá hàng hóa như vàng và dầu, tạo cơ hội cho nhiều ngân hàng tăng thu lợi nhuận kinh doanh trong năm 2009.

Trong năm 2009, việc tìm kiếm nơi ẩn náu an toàn cũng đã đẩy hoạt động đầu tư liều lĩnh một cách bất ngờ vào trái phiếu chính phủ rủi ro hơn, một lượng tiền rất lớn đã được đầu tư vào trái phiếu chính phủ dưới dạng tiền gửi tiết kiệm, điều này phần nào làm tăng bong bóng tài sản.

Nouriel Roubini là một trong số rất ít nhà kinh tế đã dự đoán chính xác qui mô khủng hoảng tài chính và cho rằng, CSTT của Fed đã nới lỏng quá mức so với thế giới còn lại, trong đó lãi suất rất thấp tại Mỹ đã làm tăng việc sử dụng USD vào carry trade (vay USD lãi suất thấp để đầu tư vào đồng tiền khác để thu lãi cao hơn) và làm tăng giá tài sản, nó sẽ tăng dần đến mức thái quá và sẽ có sự điều chỉnh lớn với nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Nguyên tắc chống bong bóng tài sản

Bernanke cho rằng, mặc dù điều chỉnh và giám sát là cách thức tốt nhất để ngăn chặn bong bóng từ khi mới hình thành, nhưng nếu nỗ lực này không thành thì các NHTW không thể loại trừ hoàn toàn việc sử dụng CSTT.

Mức tín nhiệm của NHTW Australia đã tăng lên khi kiềm chế bong bóng nhà đất bằng cách thắt chặt lãi suất từ năm 2002, một trong những yếu tố tránh đổ vỡ thị trường bất động sản. Theo đánh giá và đề xuất của các chuyên gia, trong tương lai có thể ưu tiên tăng lãi suất để giảm bong bóng tài sản. Tuy nhiên, Charles Dallara (Viện Tài chính quốc tế) cho rằng, tăng lãi suất tại các nước đang phát triển để tránh bong bóng tài sản có thể đơn giản giúp hấp thụ thêm nhiều vốn, đây là vấn đề nan giải đối với các nhà tạo lập chính sách. Khác với Australia, Fed, ECB và BoE dường như sẽ duy trì lãi suất thấp cho tới cuối năm 2010.

Một phương án thay thế cho việc tăng lãi suất là NHTW có thể giới hạn thanh khoản bằng cách tăng dự trữ tại các ngân hàng – chiến thuật được Trung Quốc sử dụng trong tháng này, sau khi tăng trưởng kinh tế quí 4 đã lên đến 10,7%.

Cách lựa chọn khác là tăng vai trò điều chỉnh tài chính: Chẳng hạn, ECB dự kiến tăng cường giám sát tài chính thông qua ban lãnh đạo của cơ quan quản lý rủi ro vĩ mô. Điều này đòi hỏi các NHTW phải mở rộng phạm vi hoạt động chứ không bó hẹp trong phạm vi ngành ngân hàng và phải hành động thực tế hơn, cụ thể là kinh tế thực và toàn bộ khu vực tài chính.

Văn Thanh

SBV

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh
(cũ: Phường Tân Phú, Quận 7)

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng