Dòng tiền chảy vào nhóm bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ
Chứng khoán có một tuần bứt phá mạnh cả về điểm số và thanh khoản. Trong đó, xu hướng dòng tiền được thể hiện rõ rệt ở một số nhóm ngành.
Thị trường chứng khoán cực kỳ hứng khởi trong tuần giao dịch 07 - 11/07, điểm số và thanh khoản thị trường cùng bùng nổ mạnh. VN-Index tăng 5% lên 1,457.7 điểm, trong khi, HNX-Index tăng tới gần 3% lên mức 239 điểm.
Khối lượng giao dịch ở sàn HOSE bùng nổ hơn 35% so với tuần trước, đạt gần 1.3 tỷ đơn vị/phiên. Kéo theo đó là giá trị giao dịch tăng hơn 30% lên trên 30 ngàn tỷ đồng/phiên. Ở sàn HNX, khối lượng giao dịch cũng bứt phá không kém khi ghi nhận mức tăng gần 40% lên hơn 133 triệu đơn vị/phiên. Giá trị giao dịch bật tăng 30%, đạt 2.2 ngàn tỷ đồng/phiên.
Tổng quan thanh khoản tuần 07 - 11/07
![]() |
Dòng tiền tuần qua thể hiện xu hướng rõ rệt ở các nhóm ngành. Trong khi một số nhóm bứt tăng mạnh về thanh khoản thì một số nhóm khác bị rút tiền mạnh.
Nhóm hút tiền nổi bật đầu tiên có thể kể tới các mã bất động sản vốn hóa nhỏ. HAR dẫn đầu nhóm tăng thanh khoản toàn thị trường khi ghi nhận đà tăng hơn 700% về khối lượng giao dịch. Nhờ vậy, cổ phiếu này có tuần tăng hơn 12% lên 3,730 đông/cp. Tương tự, VPH cũng đạt mức tăng hơn 600% về khối lượng giao dịch trong một tuần.
Các mã khác như QCG, HQC, HPX, DRH, NRC, L14, AAV cùng lọt vào top cổ phiếu bứt phá mạnh về thanh khoản.
Song song đó, cổ phiếu chứng khoán ở sàn HNX cũng đã có một tuần bứt tốc về thanh khoản. VIG, PSI, EVS, MBS, SHS, BVS cùng các cổ phiếu thuộc nhóm quỹ như IPA, TVC lọt vào top cổ phiếu tăng mạnh thanh khoản tại sàn HNX.
Trong tuần qua, nhóm cổ phiếu xây dựng và vật liệu xây dựng cũng đã có một tuần hút tiền. Với nhóm xây dựng, DC4, FCN, MST, S99 lọt nhóm tăng mạnh thanh khoản. Đồng thời, các cổ phiếu vật liệu xây dựng như HPG, GKM cũng ghi nhận diễn biến tích cực về thanh khoản.
Ở chiều ngược lại, dòng tiền đã giảm nhiệt tại nhóm bất động sản khu công nghiệp. Loạt cổ phiếu thuộc nhóm này ghi nhận mức giảm đáng kể về khối lượng giao dịch. LHG, DPR, PHR, BCM, GVR, SIP… ghi nhận khối lượng giao dịch giảm từ 35% - 60%.
Cổ phiếu thuộc các ngành xuất khẩu cũng không mấy hút tiền. Ở nhóm thủy sản, CMX, ANV, IDI là các đại diện giảm mạnh thanh khoản. Với nhóm dệt may, MSH, TCM, TNG, SVN giảm thanh khoản trong khoảng 40 - 45%.
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HOSE
![]() |
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HNX
![]() |
* Danh sách các mã tăng, giảm thanh khoản nhiều nhất xét đến khối lượng giao dịch bình quân trên 100,000 đơn vị/phiên.
Chí Kiên