Dow Jones bị hạ knock-out khỏi mốc 10,000
* Wall Street có gượng dậy sau cơn bão lửa?
Như vậy, chứng khoán Mỹ đã trải qua hơn 4 tuần sụt giảm liên tiếp khi niềm lạc quan từng nhấc thị trường khỏi các mức thấp 12 năm hồi đầu Tháng 3 đã nhường chỗ cho tâm lý thận trọng. Được biết chính niềm tin phục hồi kinh tế cùng với các gói kích cầu tài chính và tiền tệ đã tiếp sức cho đợt phục hồi trong năm 2009.
Tuy nhiên từ đầu năm 2010 đến nay, chứng khoán Mỹ liên tục biến động và điều chỉnh giảm do nhà đầu tư vẫn còn chờ đợi thêm các chứng cứ cho thấy nền kinh tế đã đạt được tốc độ phục hồi bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh bức tranh thị trường lao động và nhà ở vẫn chưa có gì tươi sáng.
Vào Tháng 1 năm nay, mối quan ngại về động thái siết chặt tín dụng ngân hàng của Trung Quốc và việc giới hạn hoạt động giao dịch tại các tổ chức tài chính lớn của chính quyền Tổng thống Obama đã làm thổi bùng lên ngọn lửa lo lắng về các điều kiện cho vay thắt chặt cũng như các thị trường tín dụng.
Đáng chú ý, thị trường lại tiếp tục lướt cơn sóng đỏ trong tuần trước do lo sợ rằng nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp sẽ kéo theo cho một loạt vụ sụp đổ khác của các quốc gia Châu Âu như Bồ Đào Nha, Ireland, Ý và Tây Ban Nha. Dù vậy, sự suy yếu của đợt xả hàng hôm Thứ Sáu cho thấy phản ứng dây chuyền đã không xảy ra.
Được biết vào cuối tuần trước, các bộ trưởng tài chính của nhóm G7 đã cam kết duy trì hoạt động cung cấp thanh khoản để hỗ trợ cho đà phục hồi kinh tế. Thế nhưng các nhà lãnh đạo này lại không đề cập chi tiết đến khả năng vỡ nợ của Hy Lạp.
Trong ngày, giá cả hàng hóa, năng lượng và kim loại cùng nhau leo thang trước sự suy yếu của đồng USD. Đó cũng là nguyên nhân khiến lực chốt lời trên thị trường chứng khoán diễn ra mạnh hơn.
|
|
Nguồn: Reuters |
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Dow Jones trượt 103.84 điểm (1.04%) xuống 9,908.39 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 9.45 điểm (0.89%) đóng cửa tại 1,056.74 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite rớt 15.07 điểm (0.7%) xuống 2,126.05 điểm.
Tính đến thời điểm này, chỉ số S&P 500 đánh mất 8.1% giá trị so với mức cao 15 tháng xác lập ngày 19/01. Còn so với mức thấp 12 năm ngày 09/03, chỉ số này vẫn còn tăng 56.2%.
Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm từ 3.61% xuống 3.59%, giá dầu thô ngọt nhẹ giao Tháng 3 trên sàn NYMEX tăng 70 cent lên 71.89 USD/thùng, giá vàng COMEX giao Tháng 4 phục hồi 13.40 USD/oz lên 1,066.2 USD/oz.
Đồng USD trượt dài so với đồng EUR sau khi leo lên mức cao 6 tháng so với đồng tiền chung của 16 quốc gia Châu Âu trong tuần trước. Tuy nhiên đồng bạc xanh lại giảm so với đồng JPY.
Sắc đỏ vẫn là gam màu chủ đạo trên các bảng điện tại thị trường chứng khoán Châu Á trong khi đó tại Châu Âu sắc xanh đã ghé thăm ba chỉ số chính. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0.62%, chỉ số DAX của Đức nhận thêm 0.93% và CAC 40 tiến 1.22%.
Phạm Thị Phước (Theo Reuters, CNN Money)