Dư nợ thẻ tín dụng – Chỉ báo sớm về sức khỏe tiêu dùng của nền kinh tế
Dư nợ thẻ tín dụng, vì tính chất linh hoạt và phổ cập, đóng vai trò như tấm gương soi sức mua của đại chúng trong thời gian thực. Việc con số này chạm trần, đi ngang và kéo theo tỷ lệ quá hạn cao là tín hiệu sớm rằng ví tiền hộ gia đình đã gồng hết cỡ.
Nhịp chi tiêu sau đại dịch
Sau giai đoạn đóng băng vì COVID-19, nước Mỹ bước vào “cơn bùng nổ tiêu dùng trả thù”. Chưa đầy bốn năm, dư nợ thẻ tín dụng đã nhảy vọt từ đáy 770 tỷ USD (Q1/2021) lên đỉnh lịch sử 1,211 tỷ USD cuối năm 2024. Báo cáo của Fed New York cho thấy sang quý 1/2025, số dư nợ thẻ tín dụng đã sụt giảm nhẹ còn 1,180 tỷ USD và duy trì gần như đi ngang trong nửa đầu năm 2025, khác hẳn quỹ đạo leo dốc trước đó. Sự mất đà này xuất hiện đúng lúc lãi suất thẻ bình quân nằm quanh 24%/năm, mức cao nhất từ trước đến nay, khiến chi phí vay hàng ngày phình to và người tiêu dùng chùn tay tiêu xài.
Tại Việt Nam, mặc dù có quy mô nhỏ hơn nhiều nhưng câu chuyện có nét tương đồng. Dư nợ thẻ tín dụng (ước đạt 50–60 nghìn tỷ đồng), chiếm chưa tới 1% dư nợ bán lẻ nhưng cũng đã đạt đỉnh vào cuối năm 2024, rồi hầu như bất động suốt sáu tháng đầu năm 2025.
Lý do thẻ tín dụng là “chiếc nhiệt kế” sớm nhất
Khác với vay mua nhà hay vay sản xuất kinh doanh, vốn gắn với tài sản thế chấp và thủ tục dài hơi, thẻ tín dụng thường là khoản vay không bảo đảm, đáo hạn 30-45 ngày và phủ sóng hầu như mọi lớp dân cư. Mỗi cú quẹt thẻ là quyết định tiêu dùng tức thì, mỗi khoản chậm thanh toán lập tức đẩy chủ thẻ vào quá trình tính lãi phạt lũy tiến. Vì vậy, khi thu nhập co lại hoặc kỳ vọng kinh tế xấu đi, người tiêu dùng phản ứng theo bản năng: Giảm quẹt thẻ, ưu tiên trả nợ, thậm chí đóng bớt thẻ. Sự thay đổi tức thời này khiến dư nợ thẻ tín dụng “nhúc nhích” sớm hơn nhiều so với các khoản vay dài hạn.
Bên cạnh tính tức thời, nợ thẻ còn ít bị “che” bởi biến động giá tài sản. Thị trường nhà đất nóng lên có thể tạm phủ lấp rủi ro vay mua nhà, nhưng thẻ tín dụng không có điểm tựa giá, nên tỷ lệ quá hạn của nó lộ rõ sức khỏe tài chính của các hộ gia đình.
Khi tín hiệu “đèn vàng” đã bật
Trong hai năm 2022–2023, dư nợ thẻ tín dụng tại Mỹ đã tăng thêm hơn 400 tỷ USD, được thúc đẩy bởi tiết kiệm dư thừa sau đại dịch và thị trường việc làm sôi động. Bước sang năm 2024, dù Fed vẫn duy trì mức lãi suất cao, người Mỹ vẫn cố quẹt thẻ để chống chọi chi phí sinh hoạt leo thang. Đến cuối năm, khi hạn mức sử dụng đạt đỉnh và thu nhập thực suy yếu, đà tăng dư nợ thẻ tín dụng đã có dấu hiệu dừng lại.
Tín hiệu đáng lo hơn nằm ở nợ xấu. Fed New York ghi nhận tỷ trọng dư nợ thẻ đang ở trạng thái 90+ ngày quá hạn đã tiến tới vùng hai chữ số; nhiều bảng vẽ dữ liệu nội bộ của Fed cho thấy ngưỡng xấp xỉ 12 % trong quý 1/2025 – cao nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008. Với lãi suất thẻ trung bình hơn 24%, mỗi 1 USD chậm trả có thể thành 1.30 USD sau một năm, đẩy nhiều hộ gia đình vào vòng xoáy nợ nần chồng chất. Hệ quả tâm lý đã xuất hiện: Theo khảo sát của LendingTree cho thấy 39% chủ thẻ từng “giấu” khoản nợ với gia đình và gần 2/3 số chủ thẻ hoãn các quyết định tài chính lớn vì gánh nặng thẻ. Chỉ số niềm tin tiêu dùng (Conference Board) cũng suy giảm ba tháng liên tục – hiện tượng trùng khớp với pha đi ngang của dư nợ thẻ.
Sự kết hợp giữa “đỉnh nợ” và “đỉnh quá hạn” tạo nên bức tranh trái chiều: Tổng cầu tiêu dùng có vẻ ổn nhờ thị trường lao động, nhưng tầng đáy tài chính hộ gia đình đã mỏi mệt. Nếu lãi suất thẻ chỉ hạ rất chậm ngay cả khi Fed bắt đầu nới lỏng, một cú sốc thu nhập nhỏ nhất cũng có thể kích hoạt làn sóng vỡ nợ cục bộ, thu hẹp tiêu dùng và làm GDP mất xung lực.
Ở Việt Nam, thẻ tín dụng mới phổ biến trong tầng lớp trung lưu đô thị. Do đa phần ngân hàng yêu cầu tài sản bảo đảm hoặc thu nhập ổn định, nợ xấu thẻ đã không “bốc đầu” như ở Mỹ. Thực tế, tỷ lệ quá hạn trên dư nợ thẻ tín dụng hiện chỉ quanh 6–8% trong nửa đầu năm 2025. Tuy nhiên, sự đi ngang của dư nợ thẻ tín dụng, cho dù mức nợ xấu không tăng, vẫn gửi đi một thông điệp kém lạc quan: Người dân dường như ưu tiên dòng tiền cho các nhu cầu thiết yếu và trả nợ hiện hữu, thay vì mở rộng chi tiêu hàng hóa, dịch vụ. Điều đó phần nào lý giải vì sao tăng trưởng tín dụng của Việt Nam những năm gần đây nghiêng mạnh về cho vay bất động sản và nhu cầu nhà ở, trong khi tín dụng tiêu dùng, đại diện cho cầu nội địa đại chúng tăng chậm. Nếu thước đo thẻ tín dụng cho thấy ví tiền của hàng chục triệu hộ gia đình đã ngần ngại mở rộng, kỳ vọng tiêu dùng trong hai, ba quý tới sẽ khó bứt phá, trừ khi thu nhập thực được cải thiện.
Dư nợ thẻ tín dụng, vì tính chất linh hoạt và phổ cập, đóng vai trò như tấm gương soi sức mua của đại chúng trong thời gian thực. Việc con số này chạm trần, đi ngang và kéo theo tỷ lệ quá hạn cao là tín hiệu sớm rằng ví tiền hộ gia đình đã gồng hết cỡ. Ở Mỹ, cảnh báo ấy ám chỉ chu kỳ thắt chặt tiền tệ đã “ăn” vào chi tiêu, đòi hỏi chính sách điều tiết khôn khéo giữa ổn định giá và bảo vệ tầng đáy tài chính. Ở Việt Nam, dù quy mô nợ thẻ nhỏ, sự chững lại của nó nhấn mạnh một thực tế: Tăng trưởng bền vững phải dựa trên tiêu dùng đại chúng chứ không thể dựa mãi vào bất động sản.
LH
LH