Khu công nghệ cao Tp.HCM chưa hấp dẫn
Hiện Khu công nghệ cao Tp.HCM mới chỉ thu hút được 4 dự án đầu tư nước ngoài - một kết quả đáng buồn đối với bài toán “chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ thâm dụng lao động sang thâm dụng chất xám” mà lãnh đạo thành phố vẫn tâm huyết...
Hiện Khu công nghệ cao Tp.HCM mới chỉ thu hút được 4 dự án đầu tư nước ngoài - một kết quả đáng buồn đối với bài toán “chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ thâm dụng lao động sang thâm dụng chất xám” mà lãnh đạo thành phố vẫn tâm huyết.
Việc tìm lời giải cho bài toán thu hút đầu tư nước ngoài vào những ngành có giá trị gia tăng cao đang được các cấp có thẩm quyền nghiên cứu với nhiều giải pháp.
Hạ tiêu chuẩn công nghệ cao?
Sáu tháng đầu năm 2005, Tp.HCM chỉ thu hút được duy nhất 1 dự án vào Khu công nghệ cao với tổng vốn đầu tư 15 triệu USD.
Sốt ruột trước sự ì ạch trong thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao, một quan chức có thẩm quyền cho rằng, tiêu chuẩn để được công nhận là dự án công nghệ cao hiện nay của ta quá cao.
Để được xét là một dự án công nghệ cao phải bảo đảm những yếu tố như: doanh thu từ sản xuất các sản phẩm công nghệ, kỹ thuật cao từ 70% trên tổng doanh thu; giá trị thiết bị bình quân cho đầu người là 40.000 USD trở lên; 40% cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng được thực tập nghiệp vụ ở nước ngoài...
Tiến sĩ Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế Tp.HCM, cũng cho rằng nên lấy tiêu chí công nghệ cao về ngành thay vì tiêu chí về kỹ thuật như hiện nay. Đơn cử trường hợp tập đoàn Canon đầu tư sản xuất máy in tại Việt
“Với những tập đoàn lớn như Canon, Intel... mời họ vào còn khó, nói gì đến việc xét, duyệt”, ông Lịch nói.
Bên cạnh đó, điều làm các nhà đầu tư ngán nhất tại Khu công nghệ cao của thành phố lâu nay chính là sự thiếu sẵn sàng về đất đai, nhà xưởng. Nhiều nhà đầu tư cho biết, cần thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng. “Chúng tôi có đưa bạn bè muốn đầu tư đến tham quan cũng khó thuyết phục với một bãi đất trống”.
Quảng bá yếu, ưu đãi chưa cao
Khác với tâm trạng nôn nóng của chủ nhà, Tổng giám đốc Công ty Nidec Tosok (Nhật Bản) - công ty đầu tiên có mặt tại Khu công nghệ cao Tp.HCM, ông Kunihiko Nishihara, cho rằng chuẩn công nghệ cao hiện nay hơi khắt khe nhưng cần thiết và nên duy trì.
“Với con mắt chiến lược của các nhà đầu tư, Khu công nghệ cao Tp.HCM theo tôi là địa điểm tiềm năng và đầy hứa hẹn bởi vị trí gần các cảng biển, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa”, ông Nishihara khẳng định.
Việc xây dựng 2 nhà máy là Nidec Vietnam Corporation và Nidec Sankyo Vietnam Corporation để sản xuất quạt làm mát máy vi tính và sản xuất mắt thần (đọc dữ liệu đầu DVD) với tổng vốn đầu tư khoảng 40 triệu USD tại Khu công nghệ cao trong tháng tới của Nidec Tosok chứng tỏ sức hấp dẫn của Khu công nghệ cao Tp.HCM. Nhưng tại sao vẫn không thu hút được đầu tư nước ngoài?
Đứng từ góc độ của nhà đầu tư, ông Nishihara lý giải, nguyên nhân đầu tiên là do vấn đề tuyên truyền, quảng bá chưa tốt, chưa tới với các nhà đầu tư nước ngoài. Vẻ bên ngoài của Khu công nghệ cao cần phải được khắc phục bằng việc “xây dựng ngay lập tức cổng chào để đi trên xa lộ cũng có thể nhìn thấy được”.
Nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu Khu công nghệ cao Tp.HCM lại cho rằng, ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 8 năm sau khi có lãi tại Khu công nghệ cao theo quy định của Chính phủ chưa thực sự hấp dẫn.
Trên thực tế, mặc dù phải bỏ vốn đầu tư cao, nhưng đến nay vẫn chưa dự án nào được hưởng mức ưu đãi này.
NLĐ