Tin tức
Mỹ và Trung Quốc nối lại đàm phán vào ngày 28/07

Mỹ và Trung Quốc nối lại đàm phán vào ngày 28/07

28/07/2025

Banner PHS

Mỹ và Trung Quốc nối lại đàm phán vào ngày 28/07

Vào ngày 28/07, các nhà đàm phán cấp cao của Mỹ và Trung Quốc sẽ có cuộc gặp tại Stockholm nhằm giải quyết những bất đồng kinh tế kéo dài - nguyên nhân chính gây ra cuộc chiến thương mại giữa hai nước, với mục tiêu gia hạn thỏa thuận đình chiến hiện tại để tránh việc áp đặt thuế quan cao hơn.

Trước đó, Bắc Kinh và Washington đạt được thỏa thuận sơ bộ vào tháng 6 nhằm chấm dứt nhiều tuần leo thang thuế quan trả đũa qua lại và Mỹ đặt ra hạn chót vào ngày 12/08 để hai bên tiến tới một thỏa thuận toàn diện hơn. Nếu không có thỏa thuận, các mức thuế có thể trở lại trên mức 100%.

Các cuộc đàm phán ở Stockholm do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong dẫn đầu, diễn ra một ngày sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân golf của ông ở Scotland để đạt được thỏa thuận thuế quan 15%.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer, Đại diện Thương mại Quốc tế và Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Lý Thành Cương, và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong chuẩn bị thảo luận trong ngày diễn ra cuộc họp song phương giữa Mỹ và Trung Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 10/05/2025

Các nhà phân tích thương mại ở cả hai bên Thái Bình Dương cho rằng các cuộc thảo luận tại thủ đô Thụy Điển khó có khả năng tạo ra bất kỳ đột phá nào, nhưng có thể ngăn chặn sự leo thang thêm và giúp tạo điều kiện cho Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau vào cuối năm nay.

Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung trước đây tại Geneva và London vào tháng 5 và 6 tập trung vào việc giảm thuế quan trả đũa của hai nước từ mức trên 100% xuống thấp hơn, đồng thời khôi phục hoạt động xuất khẩu khoáng sản đất hiếm từ Trung Quốc và chip AI Nvidia H20 từ Mỹ - những mặt hàng đã bị hai bên tạm dừng.

Cho đến nay, các cuộc đàm phán chưa đi sâu vào các vấn đề kinh tế cốt lõi. Mỹ cáo buộc mô hình kinh tế do nhà nước dẫn dắt của Trung Quốc đang làm ngập thị trường thế giới với hàng hóa giá rẻ. Trong khi đó, Bắc Kinh phàn nàn các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ của Mỹ vì lý do an ninh quốc gia nhằm cản trở tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

"Stockholm sẽ là vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung có ý nghĩa đầu tiên", ông Bo Zhengyuan, đối tác tại công ty tư vấn Plenum có trụ sở ở Thượng Hải, nhận xét.

Ông Trump đã thành công trong việc gây áp lực lên một số đối tác thương mại khác, bao gồm Nhật Bản, Philippines và Indonesia để đạt được các thỏa thuận sơ bộ chấp nhận thuế quan Mỹ cao hơn từ 15% đến 20%.

Các nhà phân tích cho rằng các cuộc đàm phán Mỹ-Trung phức tạp hơn nhiều và sẽ cần nhiều thời gian hơn. Việc Trung Quốc kiểm soát thị trường toàn cầu về khoáng sản đất hiếm và nam châm - được sử dụng trong mọi thứ từ thiết bị quân sự đến động cơ gạt nước kính xe hơi - đã chứng minh là một lợi thế đàm phán hiệu quả đối với các ngành công nghiệp Mỹ.

Cuộc gặp Trump-Tập?

Bên lề các cuộc đàm phán này, nhiều người đồn đoán về khả năng ông Trump và ông Tập gặp nhau vào cuối tháng 10. Tổng thống Trump đã cho biết ông sẽ sớm quyết định có thăm Trung Quốc hay không trong chuyến đi và đây có thể là bước ngoặt để giải quyết căng thẳng thương mại và an ninh. Nếu thuế quan và các biện pháp kiểm soát xuất khẩu bùng phát trở lại, mọi kế hoạch cho cuộc gặp với ông Tập có thể bị phá hỏng.

"Cuộc họp Stockholm là cơ hội để bắt đầu đặt nền móng cho chuyến thăm Trung Quốc của ông Trump", Wendy Cutler, Phó Chủ tịch Viện Chính sách Hiệp hội châu Á, cho biết.

Ông Bessent trước đó báo hiệu muốn thỏa thuận gia hạn thời hạn 12/08 để ngăn thuế quan tăng trở lại 145% ở phía Mỹ và 125% ở phía Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc có khả năng sẽ yêu cầu giảm các mức thuế quan nhiều lớp của Mỹ - hiện tổng cộng 55% đối với hầu hết hàng hóa - và nới lỏng thêm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ cao của Mỹ, các nhà phân tích cho biết. Bắc Kinh đã lập luận rằng những thay đổi như vậy sẽ giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, đã đạt 295.5 tỷ USD vào năm 2024.

Trung Quốc hiện đang phải chịu thuế quan 20% liên quan đến vấn đề fentanyl, thuế quan đối ứng 10%, và thuế 25% đối với hầu hết hàng hóa công nghiệp được áp đặt trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.

Bộ trưởng Bessent cũng đã nói ông sẽ thảo luận về việc Trung Quốc cần cân bằng lại nền kinh tế từ xuất khẩu sang nhu cầu tiêu dùng trong nước. Sự chuyển đổi này sẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài và tăng cường lưới an toàn xã hội để khuyến khích chi tiêu của các hộ gia đình.

Michael Froman, cựu Đại diện Thương mại Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, cho biết sự chuyển đổi như vậy đã là mục tiêu của các nhà hoạch định chính sách Mỹ trong hai thập kỷ qua.

"Liệu chúng ta có thể sử dụng hiệu quả thuế quan để khiến Trung Quốc thay đổi cơ bản chiến lược kinh tế của họ không? Điều đó vẫn còn phải xem", ông Froman, hiện là Chủ tịch của Tổ chức Tư vấn Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FILI - 09:53:07 28/07/2025

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh
(cũ: Phường Tân Phú, Quận 7)

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng