Tin tức
Ngành chế biến gỗ XK năm 2006 Đích đến vượt 2 tỷ USD

Ngành chế biến gỗ XK năm 2006 Đích đến vượt 2 tỷ USD

20/02/2006

Banner PHS

Ngành chế biến gỗ XK năm 2006 Đích đến vượt 2 tỷ USD

Nếu năm 2003, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của cả nước mới chỉ đạt con số 560 triệu USD, thì đến năm 2004 đã vọt lên 1,1 tỷ USD. Năm 2005, ngành gỗ tiếp tục bứt phá với kim ngạch đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng gần 50%...

Nếu năm 2003, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của cả nước mới chỉ đạt con số 560 triệu USD, thì đến năm 2004 đã vọt lên 1,1 tỷ USD. Năm 2005, ngành gỗ tiếp tục bứt phá với kim ngạch đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng gần 50% và chính thức đứng vào top 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của cả nước (sau dầu khí, giày dép, dệt may, thủy sản). Đồ gỗ Việt Nam đã có mặt tại 120 nước trên thế gới. Đích đến của ngành này trong năm 2006 sẽ vượt con số 2 tỷ USD.

 

Khắc phục ngay “căn bệnh” thiếu nguyên liệu

 

Theo số liệu từ Hiệp hội chế biến gỗ và lâm sản VN, hiện cả nước có khoảng 1.200 DN hoạt động trong ngành chế biến gỗ xuất khẩu. Năng lực chế biến của các DN đạt 2,5 – 3 triệu m3 gỗ quy tròn/năm. Điều đáng lưu ý, nguồn nguyên liệu trong nước cung ứng cho ngành này mới chỉ đáp ứng được gần 20%, số còn lại phải nhập khẩu từ các nước như Indonesia, Malaysia, Philippines, châu Phi, New Zealand… So với những năm trước, giá nguyên liệu nhập khẩu đều đã tăng tới 20%.

 

Nguyên nhân là do các nước thực hiện chính sách bảo vệ môi trường, hạn chế khai thác gỗ rừng trồng bằng biện pháp không bán lẻ gỗ mà bán cả lô vài ngàn mét khối với nhiều chủng loại gỗ khác nhau, trong khi các DN trong nước lại không đủ năng lực để mua những lô hàng lớn như thế. Từ giữa năm 2005, 2 nước xuất khẩu gỗ lớn nhất Đông Nam Á là IndonesiaMalaysia quyết định ngừng xuất khẩu gỗ xẻ. Điều này đã khiến nhiều DN trong nước lao đao trong việc tìm nguyên liệu đầu vào.

 

Để giải bài toán nguyên liệu, theo ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa), ngoài việc tiếp tục duy trì với các đầu mối cung ứng gỗ từ các nước, trong năm 2006, các DN trong ngành nên mở rộng ra các thị trường tiềm năng như Canada để chủ động hơn trong nguyên liệu đầu vào và để có mức giá ổn định cho cả năm. Theo ông Mạnh, nguyên liệu từ Canada không những đa dạng về chủng loại cả gỗ mềm lẫn gỗ cứng mà giá bán từ nước này cũng rất cạnh tranh.

 

Bên cạnh đó, việc phát triển các chợ nguyên liệu ở 3 vùng miền trên địa bàn cả nước cũng cần phải nhanh chóng được triển khai nhằm giúp các DN có nơi mua, bán trao đổi thông tin về giá cả và thị hiếu tiêu dùng trên thế giới. Kinh nghiệm làm ăn của Trung  Quốc là chợ nguyên liệu được đặt cạnh một khách sạn lớn. Đây là địa chỉ khá lý tưởng để giới kinh doanh trong ngành có điều kiện gặp gỡ, bàn bạc trao đổi thông tin một cách thường xuyên.

 

Đa đạng hóa thị trường

 

Theo các chuyên gia , con số 1,6 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ chưa phản ánh đúng năng lực sản xuất của các DN trong nước cũng như nhu cầu thị trường. Bài toán đặt ra hiện nay là ngoài 120 thị trường sẵn có, các DN cần phải khai thác tốt hơn nữa các thị trường như Mỹ, Nhật, Đức…, đồng thời phải mở rộng ra những thị trường tiềm năng như Canada, Nga và các nước Đông Âu.

 

Theo đánh giá của ông Trần Quốc Mạnh, Canada không chỉ có thế mạnh về cung cấp nguyên liệu mà năng lực tiêu thụ đồ gỗ nội thất hàng năm là rất lớn. Nếu các DN biết liên kết để làm ăn (các đối tác từ Canada vừa cung cấp nguyên liệu, vừa là đầu mối phân phối thành phẩm) thì việc sản xuất gỗ trong nước sẽ rất có lợi. Tương tự, Nga cũng là một trong những thị trường có nguồn nguyên liệu khá dồi dào. Các DN cũng cần chú trọng liên kết để có đầu vào ổn định, từ đó xuất khẩu ngược thành phẩm vào thị trường này.

 

Việc mở rộng, đa dạng hóa thị trường còn tránh được nhiều vấn đề bất trắc có thể xảy ra nhưng không làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của ngành.

 

Doanh nghiệp: phải có sự liên kết chuỗi

 

Trong năm 2005, đã có khá nhiều lô hàng bị trả về từ nhiều nước. Theo các chuyên gia, một trong những lỗi chính đó là khâu tìm hiểu thị hiếu, đàm phán của các DN chưa chuyên nghiệp. Do vậy, song song với việc mở rộng thị trường, tự bản thân các DN cũng phải không ngừng đầu tư máy móc thiết bị, hiện đại hóa sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất hàng xuất khẩu.

 

Cũng trong năm 2005, có khá nhiều đơn hàng đến với các DN nhưng ngay cả các đại gia cũng phải từ chối do không đáp ứng được số lượng các đơn hàng. Bên cạnh đó, cũng có không ít DN lận đận, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản vì các lô hàng liên tục bị mắc lỗi. Để cùng nhau phát triển, các DN trong ngành chế biến gỗ đang hướng đến sự liên kết sản xuất theo chuỗi. Tức mỗi DN sẽ làm một khâu để hoàn chỉnh sản phẩm.

 

Kinh nghiệm từ những nước có thế mạnh trong xuất khẩu đồ gỗ cho thấy, chỉ khi các DN trong cùng một ngành có sự liên kết để sản xuất thì mới tập trung sức mạnh, tăng khả năng xuất khẩu. Bằng không, DN nào đứng ngoài cuộc sẽ bị đào thải. “Cái khó của DNVN hiện nay là đầu ra thì không thể nâng giá lên được, trong khi đầu vào thì liên tục tăng giá” – trăn trở này của ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Công ty Hố Nai đã minh chứng rất rõ thực tế của ngành chế biến gỗ hiện nay.

 

Một chuyên gia nước ngoài trong ngành xuất nhập khẩu đồ gỗ nhìn nhận, ngành chế biến gỗ VN đang đứng trước cơ hội tăng trưởng rất lớn. Nếu Nhà nước biết tập trung sức mạnh cho ngành, các DN biết tận dụng thời cơ để tăng tốc thì kim ngạch xuất khẩu sẽ vượt xa con số 2 tỷ USD! Ngành gỗ sẽ phát triển đến đâu? Chúng ta hãy chờ xem.

 

 Cung cấp gỗ nguyên liệu Canada vào Việt Nam 150.000m3/năm

Giám đốc Sở Thương mại Phạm Hoàng Hà và Tham tán Thương mại Robert Coleman, Tổng Lãnh sự quán Canada tại TPHCM, vừa ký biên bản ghi nhớ với Giám đốc Công ty Xuất khẩu Sài Gòn – Đắc Lắc (Sadaco) và 2 Công ty Interwood và Canfor về cung cấp gỗ nguyên liệu Canada vào Việt Nam.

Từ 2006 đến 2011, 2 công ty trên sẽ cung cấp cho phía đối tác Việt Nam 150.000m3 gỗ/năm với tổng trị giá 250 triệu USD trong 5 năm. Hợp đồng chính thức sẽ được ký vào giữa tháng 3-2006 tại Toronto, Canada.

 

SGGP

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng