NH cổ phần đồng loạt tăng vốn: Cuộc đua 1.000 tỷ đồng
Theo lộ trình dự kiến của Ngân hàng Nhà nước, đến năm 2010, 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ là đích đến của khối ngân hàng cổ phần. Nhưng không chờ đến thời điểm đó mà ngay trong năm nay, một loạt ngân hàng cổ phần sẽ đạt đích 1.000 tỷ...
Theo lộ trình dự kiến của Ngân hàng Nhà nước, đến năm 2010, 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ là đích đến của khối ngân hàng cổ phần. Nhưng không chờ đến thời điểm đó mà ngay trong năm nay, một loạt ngân hàng cổ phần sẽ đạt đích 1.000 tỷ.
Khoảng cách về quy mô vốn giữa các ngân hàng cổ phần đang dần được thu hẹp. Với cuộc đua này, năm 2006 khối ngân hàng cổ phần Việt
Cú hích từ nhà đầu tư nước ngoài
Đứng đầu về quy mô vốn điều lệ hiện nay là Ngân hàng Sài Gòn thương tín (Sacombank) với 1.250 tỷ đồng. Đây cũng là ngân hàng cổ phần duy nhất có quy mô vốn trên 1.000 tỷ tính đến thời điểm này.
Một thế mạnh phát triển vốn ở Sacombank có thể thấy là từ sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2002, lần đầu tiên Công ty Tài chính quốc tế (IFC) trực thuộc Ngân hàng thế giới (WB) đã đầu tư vào một ngân hàng cổ phần Việt Nam với tỷ lệ 10%/vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn nước ngoài thứ hai của Sacombank sau Quỹ đầu tư Dragon Financial Holdings (Anh quốc).
Tháng 8/2005, một lần nữa Sacombank có thêm nhà đầu tư nước ngoài mới thông qua hợp đồng góp 10% vốn với Ngân hàng ANZ.
Sau Sacombank, sự kiện ngân hàng cổ phần kỹ thương Techcombank bán 10% vốn điều lệ cho Ngân hàng Hồng Công Thượng Hải (HSBC) vào cuối năm 2005 vừa qua được đông đảo giới đầu tư chú ý, bởi ngay sau đó, ngân hàng cổ phần lớn thứ ba ở Việt Nam này đã thông báo tăng vốn lên trên 830 tỷ đồng. Trong năm nay ngân hàng này sẽ tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng.
Sau Sacombank, Techcombank sẽ là ngân hàng nào?
Sự chú ý của giới đầu tư hiện đang tập trung vào ngân hàng cổ phần ngoài quốc doanh VPBank khi có thông tin VPBank đang đàm phán với Ngân hàng OCBC (Singapore) để bán 10% vốn. Có thể đây là một bước quan trọng trong kế hoạch tăng vốn lên 700 tỷ đồng trong thời gian tới của ngân hàng cùng với kế hoạch phát hành cổ phiếu.
Tuy nhiên, trong trường hợp muốn bán cổ phần cho các tổ chức tín dụng nước ngoài, có thể VPBank sẽ phải tăng vốn trước. Vốn điều lệ của ngân hàng này hiện ở mức 250 tỷ đồng, trong khi dự thảo quy chế tổ chức tín dụng nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng thương mại trong nước (sắp được ban hành) quy định vốn điều lệ phải từ 500 tỷ đồng trở lên.
Buộc phải nhập cuộc?
Ngoài những ngân hàng nói trên, ACB đã tuyên bố vượt qua mốc 1.000 tỷ vốn điều lệ trong năm 2006, lên đến 1.300 tỷ đồng. Đây là ngân hàng tiêu biểu cho sức mạnh nội lực và cũng là ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất trong khối ngân hàng cổ phần trong năm vừa qua. Nhiều nhà đầu tư cho rằng con số 1.300 tỷ đồng vốn điều lệ đối với ACB là hoàn toàn bình thường.
Tuần qua, ngân hàng cổ phần quân đội (MB) cũng tuyên bố sẽ tăng gấp đôi vốn chủ sở hữu hiện có để vượt qua mốc 1.000 tỷ đồng. Đây là điều bất ngờ vì trong những năm qua, MB được đánh giá là ngân hàng có quy mô vốn cỡ trung bình, thế nhưng chỉ một bước sẽ tiến thẳng vào tốp ngân hàng cổ phần có quy mô vốn hàng đầu.
Ông Lê Văn Bé, Tổng giám đốc MB cho biết sẽ thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu bổ sung vốn vào tháng 3 tới. Ngoài ra bước tiến này cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi các chỉ tiêu kinh doanh của MB đã vượt 10% kế hoạch cả năm ngay trong tháng đầu năm và dự kiến cả năm sẽ là 25%.
Cuộc đua gia nhập "Câu lạc bộ 1.000 tỷ đồng" giữa các ngân hàng cổ phần đang sôi động. Tháng 12/2005, ngân hàng cổ phần quốc tế (VIB Bank) quyết định tăng vốn điều lệ từ 400 tỷ lên 510 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần so với số vốn điều lệ ngày thành lập. Trong năm 2006, dù chưa có thông tin chính thức song đây cũng là một ứng cử viên cho "Câu lạc bộ 1.000 tỷ đồng" trong tương lai gần. Một ứng cử viên khác là ngân hàng cổ phần Đông Á (EAB) khi quyết định tăng vốn cùng thời điểm với VIB Bank lên 500 tỷ đồng...
Theo nhận định của các chuyên gia nhân hàng, đây là cuộc đua buộc các đối thủ phải nhập cuộc.
Thứ nhất, tháng 6/2006 tới, Quyết định 888 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực. Theo đó, mỗi ngân hàng muốn mở một chi nhánh mới phải có được 20 tỷ đồng vốn tương ứng. Với một ngân hàng cổ phần có vốn 400 tỷ, ngoài vốn pháp định ít nhất 70 tỷ đồng, có thể được lập nhiều nhất là 16 chi nhánh.
Đây là con số khá thấp so với mốc bình quân 30 chi nhánh của những ngân hàng cổ phần dẫn đầu trong thời gian tới; còn so với khối ngân hàng quốc doanh, một khoảng cách vẫn còn rất lớn. Để mở rộng mạng lưới chi nhánh, tăng vốn là điều kiện đầu tiên.
Thứ hai, đến năm 2010, các cam kết hội nhập có hiệu lực, các ngân hàng 100% vốn nước ngoài có quy mô lớn được thành lập, được mở rộng phạm vi hoạt động sẽ là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng cổ phần Việt Nam.
Gần hơn, ngay tại sân nhà, Vietcombank hay BIDV trở thành ngân hàng cổ phần có quy mô vốn khổng lồ sẽ là những áp lực trực tiếp nhất. Các ngân hàng cổ phần buộc phải chủ động tăng vốn, tăng thêm khả năng cạnh tranh của mình.
Thứ ba, theo dự thảo Quy chế tổ chức tín dụng nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng thương mại Việt Nam, để thu hút đầu tư nước ngoài, các ngân hàng sẽ phải có vốn từ 500 tỷ đồng trở lên; trường hợp bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài thứ hai và thứ ba, có thể vốn điều lệ sẽ phải tăng lên tương ứng.
Thứ tư, rút ngắn khoảng cách quy mô vốn giữa các ngân hàng cổ phần là một cuộc cạnh tranh. Quy mô vốn đi cùng với khả năng đầu tư cho công nghệ, mạng lưới, dịch vụ, nhân sự... và quan trọng hơn là đầu tư cho hình ảnh trong cổ đông và khách hàng.
Đầu năm nay, thông báo góp vốn của Sacombank cũng đã tạo một hiệu ứng nhẹ trên thị trường cổ phiếu ngân hàng: cổ phiếu đồng loạt tăng giá, khẳng định tâm lý đồng thuận của nhà đầu tư.
Thứ năm, kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng cổ phần đang đứng trước cơ hội thuận lợi hút vốn trong công chúng đầu tư. Hầu hết các đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn trong thời gian qua đều thành công ngoài mong đợi. Vấn đề còn lại là hiệu quả kinh doanh sau những kế hoạch tăng vốn đó.
TBKTVN