Tin tức
Phát triển TTCK: “Cốt lõi là cải cách doanh nghiệp”

Phát triển TTCK: “Cốt lõi là cải cách doanh nghiệp”

28/02/2005

Banner PHS

Phát triển TTCK: “Cốt lõi là cải cách doanh nghiệp”

“…Cốt lõi là cải cách doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhà nước hiện vẫn chiếm tỷ trọng GDP khá lớn. Song nếu Nhà nước tiếp tục nắm giữ cổ phần cao thì động lực phát triển của doanh nghiệp bị hạn chế”...

Phỏng vấn ông Trần Xuân Hà, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

“…Cốt lõi là cải cách doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhà nước hiện vẫn chiếm tỷ trọng GDP khá lớn. Song nếu Nhà nước tiếp tục nắm giữ cổ phần cao thì động lực phát triển của doanh nghiệp bị hạn chế”.

 

Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, theo ông, vấn đề nào là mấu chốt nhất hiện nay khi đề cập đến thị trường chứng khoán (TTCK)?

 

Cốt lõi là cải cách doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhà nước hiện vẫn chiếm tỷ trọng GDP khá lớn. Song nếu Nhà nước tiếp tục nắm giữ cổ phần cao thì động lực phát triển của doanh nghiệp bị hạn chế. Việc thay đổi sở hữu sẽ kéo theo sự chuyển đổi về quản trị công ty: các cổ đông, nhà đầu tư sẽ là người giám sát hoạt động của công ty cổ phần, không phải là cơ quan chủ quản nhà nước.

 

Năm năm qua, TTCK vẫn chưa trở thành kênh huy động vốn đắc lực và cũng chưa góp sức được bao nhiêu cho cải cách doanh nghiệp?

 

Đánh giá TTCK cần nhìn nhận cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Nếu chỉ nhìn thị trường thứ cấp với 26 công ty niêm yết, tổng giá trị 1.300 tỉ đồng thì chưa đầy đủ. Ở thị trường sơ cấp đã có hơn 2.000 doanh nghiệp cổ phần hóa, phát hành cổ phiếu ra bên ngoài. Nhưng chủ yếu các doanh nghiệp cổ phần hóa còn nhỏ, vốn trung bình dưới 10 tỉ đồng. Tới đây sẽ cổ phần hóa những công ty lớn và khi đó sẽ có hàng hóa hấp dẫn cho thị trường.

 

Tới đây Bộ Tài chính, UBCKNN có những giải pháp căn cơ nào để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia thị trường thứ cấp?

 

Phần lớn doanh nghiệp e ngại lên sàn sẽ phải kiểm toán, công bố thông tin thường xuyên. Đây là vấn đề liên quan đến văn hóa kinh doanh mà ở ta chưa phát triển. Trong khi đó Nhà nước vẫn tiếp tục trợ vốn cho doanh nghiệp quốc doanh dưới nhiều hình thức, chẳng hạn tài trợ tín dụng. Một khi còn tài trợ tín dụng, doanh nghiệp không muốn huy động vốn qua TTCK.

 

Ưu đãi thuế là một trong những giải pháp khuyến khích doanh nghiệp niêm yết. Chúng tôi đang nghiên cứu trình Chính phủ một chính sách tổng thể về thuế với doanh nghiệp cổ phần hóa cũng như niêm yết. Ở đây cũng cần đảm bảo hài hòa lợi ích ngân sách và việc nộp thuế của doanh nghiệp. Về những ưu đãi khác, cần có sự chỉ đạo đồng bộ đối với các bộ, các địa phương, kể cả giao trách nhiệm cụ thể cho các doanh nghiệp nơi Nhà nước đầu tư vốn lớn, tham gia niêm yết.

 

Hy vọng năm nay thị trường sẽ có thêm một khối lượng hàng hóa lớn. Tuy nhiên, tôi không thể nói chính xác bao nhiêu công ty niêm yết.

 

Theo dõi chứng khoán, ông có nhận thấy sự thăng trầm của thị trường phụ thuộc rất nhiều vào giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài? Đã có những ý kiến đề nghị nới lỏng các quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của người nước ngoài. Ông có đồng ý như vậy?

 

Chúng tôi đang xem xét một cách tổng thể sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài cả trên TTCK lẫn đối với đơn vị cổ phần hóa, hoặc chưa niêm yết trên sàn. Vấn đề còn liên quan đến Luật Khuyến khích đầu tư trong nước. Luật này đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉnh sửa. Hướng tới sẽ nới rộng tỷ lệ tham gia của người nước ngoài. Đề xuất của UBCKNN là các nhà đầu tư nước ngoài được nắm giữ tối đa 49% cổ phiếu một công ty niêm yết hay doanh nghiệp cổ phần hóa (hiện nay là 30%). Với tỷ lệ này, phía đối tác Việt Nam vẫn giữ quyền kiểm soát doanh nghiệp.

 

Gần đây, một số doanh nghiệp cho biết sẽ thành lập các quỹ đầu tư, chủ yếu để đầu tư chứng khoán. Liệu UBCKNN có khuyến khích loại hình này và việc cấp phép ra sao?

 

Cho đến nay, UBCKNN mới cấp phép cho hai công ty quản lý quỹ là Công ty Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam và Thành Việt, một quỹ đầu tư là VF1. Các công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential, Manulife đã gửi hồ sơ lên ủy ban, xin thành lập công ty quản lý quỹ. Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam cũng có ý định thành lập công ty quản lý quỹ. Những công ty này thời gian đầu quản lý vốn nhàn rỗi của bảo hiểm. Hình thức này chúng tôi khuyến khích.

TBKTSG

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng