Sẽ có bước đột phá cho thị trường chứng khoán?
Một chương trình tạo hàng hoá trọng điểm cho thị trường chứng khoán vừa được Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đề xuất lên Chính phủ và các bộ ngành liên quan...
Một chương trình tạo hàng hoá trọng điểm cho thị trường chứng khoán vừa được Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đề xuất lên Chính phủ và các bộ ngành liên quan.
Theo danh sách đề cử này, 11 doanh nghiệp, tổng công ty có qui mô vốn lớn, có thương hiệu, kinh doanh hiệu quả, rất dễ cổ phần hoá gắn với việc niêm yết ngay sẽ được đưa vào tầm ngắm là những hàng hoá trọng điểm để tạo sức bật cho thị trường chứng khoán trong 2 năm 2006, 2007.
Trong số 11 doanh nghiệp lớn này, 5 doanh nghiệp thuộc diện đã có chủ trương và quyết định cổ phần hoá gồm: Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Vinaphone, Mobiphone, Bảo Việt.
Sáu doanh nghiệp còn lại là Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội, Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn, Tổng công ty May Việt Tiến, Công ty Phân đạm và Hoá chất dầu khí, Công ty Vận tải biển Việt Nam, Công ty Cao su Dầu Tiếng đều chưa có quyết định cổ phần hoá.
Tuy nhiên 6 doanh nghiệp này đều thuộc đối tượng cổ phần hoá theo Nghị định 187/2004/NĐ-CP ngày
Theo ông Lý Tài Luận, Chủ tịch VAFI, nếu hoàn thành cổ phần hoá gắn với niêm yết 11 doanh nghiệp này trong 2 năm 2006, 2007 thì sẽ tăng giá trị thị trường chứng khoán lên khoảng 15 tỷ Đôla, gấp 15 lần về qui mô thị trường hiện nay.
Song để hoàn thành được chương trình này, đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể, những kế hoạch được hoạch định chi tiết và có sự phối hợp đồng bộ chặt chẽ giữa các bộ ngành, trong đó Bộ Tài chính và Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương đóng vai trò tham mưu chỉ đạo chương trình.
Trong 2 năm qua, mặc dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp để phát triển thị trường chứng khoán như mở rộng diện doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá, cho phép cổ phần hoá các tổng công ty lớn... tuy nhiên số doanh nghiệp lớn được cổ phần hoá chưa nhiều. Một số doanh nghiệp lớn mà ngành nghề đặc biệt hấp dẫn với thị trường chứng khoán như Vietcombank, Vinaphone, Mobiphone thì tiến hành cổ phần hoá chậm.
Theo ông Lý Tài Luận, một điều quan trọng là cơ chế chính sách về tạo hàng cho thị trường đã có, tuy nhiên nếu tổ chức thực hiện việc cổ phần hoá các doanh nghiệp lớn như hiện nay thì khó có thể tăng qui mô thị trường chứng khoán lên 10 tỷ Đôla trong 5 năm tới.
Vì vậy, đòi hỏi cần có cơ chế tổ chức chỉ đạo đột phá, tập trung cho việc cổ phần hoá gắn với niêm yết của một số doanh nghiệp có qui mô vốn lớn.
Tuy nhiên với thực trạng của thị trường chứng khoán như hiện nay còn nhiều hạn chế lớn so với vai trò vốn có của thị trường chứng khoán nên cũng chưa thể kích thích trào lưu niêm yết, công khai minh bạch tài chính của đa phần các doanh nghiệp tiêu biểu, sẽ làm chậm tiến trình áp dụng phương thức quản trị tiên tiến mà thế giới đang áp dụng.
Đa phần các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cổ phần hoá, kể cả tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước vẫn chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, ít dựa vào phát huy nội lực để chứng khoán hoá, nếu như vậy thì tốc độ phát triển doanh nghiệp sẽ rất chậm và thiếu tính bền vững.
“Chúng ta đang trăn trở về mô hình, giải pháp để hình thành phát triển những tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, nhưng các bước thực hiện còn chưa gắn bó chặt chẽ với thị trường chứng khoán mà theo kinh nghiệm thế giới thì việc hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế phải dựa vào thị trường chứng khoán”, ông Lý Tài Luận nói.
Để có thể nhanh chóng đưa chương trình này trở thành hiện thực, VAFI cho rằng cần phải có cơ chế tổ chức chỉ đạo ưu tiên đối với việc cổ phần hoá gắn với niêm yết các doanh nghiệp lớn.
Về phía Chính phủ, cần thành lập 1 tổ “đặc nhiệm” để tổ chức chỉ đạo, trong đó Bộ tài chính, Ban Chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp Trung ương đóng vai trò nòng cốt thay mặt Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chương trình. Đồng thời, lên kế hoạch chi tiết các nhiệm vụ cần làm trong tiến trình gắn cổ phần hoá với việc niêm yết, đặt ra lộ trình thực hiện các bước và tất cả công việc chuẩn bị cho tiến trình cần thực hiện ngay từ đầu, thực hiện đồng thời, không chờ đợi tuần tự.
TBKTVN