Số liệu từ Mỹ kiềm hãm đà tăng của chứng khoán Châu Á
Thị trường chứng khoán Nhật không mấy quan tâm đến thông tin Bộ trưởng Tài chính, một trong số ít những quan chức giàu kinh nghiệm của Nội các Chính phủ, sẽ từ chức vì lý do sức khỏe. Giá dầu dao động gần 82 USD/thùng, trong khi đồng USD tăng so với đồng JPY và EUR.
Francis Lun, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Fullbright tại Hồng Kông, cho rằng: “Nói chung tâm lý lạc quan vẫn còn bao trùm thị trường vì thế giới đã vượt qua được thảm họa tài chính. Tuy nhiên, giới đầu tư có thể trở nên sợ hãi và các thị trường sẽ điều chỉnh giảm nếu các báo cáo tiếp tục cho thấy sự yếu kém của nền kinh tế Mỹ.”
Chính phủ các nước có nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại tại Châu Á đang có xu hướng chú trọng hơn nữa đến vấn đề chi tiêu tiêu dùng vì đây là động lực thúc đẩy đà tăng trưởng. Tuy nhiên, triển vọng của nền kinh tế vẫn còn duy trì mối quan hệ mật thiết với Mỹ - một trong những khách hàng lớn nhất đối với các mặt hàng của khu vực như ôtô và điện tử.
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Nikkei 225 của Nhật tăng 49.62 điểm (0.5%) đạt mức cao 15 tháng mới tại 10,731.45 điểm.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông cộng 137.09 điểm (0.6%) lên 22,416.67 điểm, chỉ số Kospi của Hàn Quốc tiến 0.9% lên 1,705.32 điểm.
Tại các thị trường khác, các chỉ số S&P/ASX của Australia, Straits Times của Singapore và Shanghai của Trung Quốc lần lượt tăng 0.15%, 0.19% và 0.44%. Trong khi đó, chỉ số Sensex của Ấn Độ giảm 0.04%.
Hợp đồng dầu thô giao Tháng 2 giảm 14 cent xuống 81 USD/thùng.
Trên thị trường tiền tệ, đồng USD tăng từ 91.70 JPY/USD lên 92.07 JPY/USD. Đồng EUR giảm từ 1.4363 USD/EUR xuống 1.4334 USD/EUR.
Mở đầu phiên giao dịch tại Châu Âu, các chỉ số FTSE 100 của Anh, DAX của Đức và CAC-40 của Pháp đều tăng ít nhất 0.4%.
Thị trường tương lai Mỹ ra dấu cho phiên mất điểm, cụ thể chỉ số Dow Jones tương lai giảm 16 điểm (0.2%) xuống 10,499 điểm, chỉ số S&P tương lai mất 2.1 điểm (0.2%) còn 1,130.20 điểm.
Uy Danh (Theo AP)