Sức mạnh mềm TQ vươn tới 'sân sau' của Mỹ?
Cùng với việc tăng cường sức mạnh mềm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi, Trung Quốc còn vươn tới cả các châu lục xa xôi như Mỹ - Latinh, khu vực vốn được coi là "sân sau" của Mỹ.
Những năm đầu thế kỷ XXI, quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh bước vào giai đoạn phát triển tốt đẹp, trên cơ sở đó, Trung Quốc đã bắt đầu khuếch trương sức mạnh mềm ở khu vực này. Nhiều biện pháp được Trung Quốc áp dụng nhằm gia tăng “ảnh hưởng mềm” trong khu vực như: tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư, tăng viện trợ... Trao đổi thương mại song phương tăng trưởng nhanh chóng, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ Latinh tăng 600% trong giai đoạn 1993-2003. Trong những năm đầu thế kỷ XXI, gần một nửa kim ngạch đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đổ vào Mỹ - Latinh.
Tại sao Trung Quốc lại ráo riết gia tăng ảnh hưởng tại châu lục này? Có thể thấy, sự phát triển nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc từ giữa những năm 80 thế kỷ XX khiến nước này trở thành nguồn tiêu thụ dầu mỏ lớn, Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ từ các quốc gia và khu vực sản xuất nhiều dầu mỏ trên thế giới. Để đa dạng hóa nguồn cung cấp dầu và giảm bớt những rủi ro tiềm ẩn do giá dầu tăng cao, Mỹ - Latinh được xác định là một trong những khu vực quan trọng cung cấp dầu cho Trung Quốc. Với những toan tính đó, Trung Quốc đã ra sức tăng cường sức mạnh mềm và ảnh hưởng ở khu vực này.
Đầu thế kỷ XXI, Trung Quốc tích cực thực hiện các biện pháp ngoại giao năng lượng, tăng cường đầu tư vào các dự án năng lượng tại các nước Mỹ -Latinh. Ở Venezuela, Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực năng lượng thông qua các dự án như: xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 350 triệu USD vào 15 giếng dầu, đầu tư xây dựng nhà máy gas với tổng giá trị 60 triệu USD cùng nhiều dự án nâng cấp hệ thống nhà máy lọc dầu. Đổi lại, Venezuela cung cấp cho Trung Quốc 100.000 thùng dầu mỗi ngày, con số này tăng dần và đã lên tới khoảng 300.000 thùng vào năm 2006. Hiện Trung Quốc đang nhập khẩu 15% tổng sản lượng dầu mỏ của Venezuela và dự đoán tỉ lệ này sẽ tăng lên tới 45% vào năm 2012.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn có tham vọng chiếm lĩnh thị trường Mỹ - Latinh rộng lớn, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang khu vực này. Ngoài những động cơ kinh tế, mục đích chính trị của Trung Quốc là muốn lôi kéo sự ủng hộ của đông đảo các quốc gia Mỹ - Latinh, xây dựng hình tượng quốc tế tốt đẹp, nhằm đạt được ý đồ chiến lược mở rộng ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu.
Tuy nhiên, mục tiêu tăng cường sức mạnh mềm của Trung Quốc ở khu vực Mỹ - Latinh “đường vẫn xa mà nhiệm vụ còn nhiều”. Trên con đường mở rộng ảnh hưởng mềm vào khu vực, Trung Quốc còn phải đối mặt với nhiều chông gai và thách thức không dễ vượt qua.
Thứ nhất, trước sự xâm nhập và tăng cường ảnh hưởng mềm của Trung Quốc vào khu vực, nhiều quốc gia Mỹ - Latinh coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh với các nước này trong việc xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực hàng dệt may. Các quốc gia trong khu vực cũng lo ngại hàng Trung Quốc sẽ tràn ngập thị trường, chiếm lĩnh thị trường và nhấn chìm hàng hóa nội địa các nước này. Do đó, một số nước Trung Mỹ và Cộng hòa Đô-mi-ni-ca đang đàm phán ký kết hiệp định thành lập khu vực mậu dịch tự do với Mỹ.
Tiếp đến là, tuy quan hệ kinh tế của Trung Quốc với các nước Mỹ - Latinh chứng kiến sự tăng trưởng mạnh trong những năm đầu thế kỷ XXI, song kim ngạch thương mại của Trung Quốc với khu vực này vẫn chỉ chiếm tỉ lệ khiêm tốn so với Mỹ. Hiện Mỹ vẫn là đối tác thương mại quan trọng hơn nhiều so với Trung Quốc ở Mỹ - Latinh, ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực cũng lớn hơn nhiều so với Trung Quốc. Về viện trợ trong khu vực, mức viện trợ của Trung Quốc cho Mỹ - Latinh chỉ chiếm khoảng 10% tổng viện trợ của Trung Quốc cho các quốc gia và khu vực khác trên thế giới, kém xa so với viện trợ cho các nước châu Á và châu Phi.
Cuối cùng, nếu như ở châu Á, sự gần gũi về vị trí địa lý và phong tục, tập quán khiến Trung Quốc dễ dàng xuất khẩu các sản phẩm văn hóa, ngôn ngữ sang các nước này, thì ở Mỹ - Latinh, điều này trở nên khó khăn hơn nhiều. Một trong những rào cản lớn trong việc truyền bá văn hóa, phim ảnh, ngôn ngữ… của Trung Quốc vào Mỹ - Latinh là ngôn ngữ. Nếu ở các nước châu Á, việc phổ biến tiếng Hán thông qua các học viện Khổng Tử đã trở nên phổ biến thì ở Mỹ-Latinh, tiếng Hán vẫn còn tương đối xa lạ. Đến cuối năm 2007 mới có một học viện Khổng tử được thành lập ở Nam Mỹ.
Tóm lại, trong những năm gần đây, sức mạnh mềm của Trung Quốc đã bước đầu vươn tới Mỹ - Latinh, song Trung Quốc vẫn còn phải đi một quãng đường dài trên con đường thâm nhập và tạo dựng ảnh hưởng ở châu lục này.
Thu Phương
Vietnamnet