Tin tức
Tăng sức cạnh tranh bằng mẫu mã và chất lượng

Tăng sức cạnh tranh bằng mẫu mã và chất lượng

03/08/2005

Banner PHS

Tăng sức cạnh tranh bằng mẫu mã và chất lượng

Thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ nội thất là mặt hàng trọng điểm trong cơ cấu xuất khẩu của nước ta. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Làm thế nào để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này trong những năm tới?

Thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ nội thất là mặt hàng trọng điểm trong cơ cấu xuất khẩu của nước ta. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Làm thế nào để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này trong những năm tới?

 

Đó là nội dung buổi tọa đàm do Sở Thương mại Hà Nội tổ chức mới đây tại thị xã Hà Đông (tỉnh Hà Tây).

 

Sau khi mất thị trường Đông Âu và Liên Xô, việc xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của nước ta đã gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, từ năm 1999 đến nay, mặt hàng này được phục hồi trở lại và đứng vào danh sách 10 mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng cao nhất. Nếu như năm 1998, hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam chỉ có mặt ở 50 nước thì đến nay đã có mặt tới gần 100 nước và vùng lãnh thổ.

 

Năm 1991, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này chỉ vẻn vẹn 6,8 triệu USD, năm 2000 đạt 235 triệu USD thì đến năm 2004 đã đạt tới 450 triệu USD.

 

Thị trường xuất khẩu còn nhiều tiềm năng

Kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm 2004 đạt trên 300 triệu USD đối với hàng thủ công mỹ nghệ và 1 tỉ USD đối với đồ gỗ. Trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này đã tăng 13% so với cùng kỳ. Việc xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống đã đem lại nhiều lợi ích kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập cho hàng triệu lao động.

 

Các thị trường nhập khẩu lớn mặt hàng này là Mỹ, Nhật Bản, EU. Nhật Bản từ lâu đã là thị trường truyền thống của các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ, hiện Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 3 về kim ngạch xuất khẩu, sau Trung Quốc và Thái lan.

 

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu vẫn còn thấp, chỉ chiếm 9% tỉ trọng nhập khẩu mặt hàng này của Nhật Bản. Hàng thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ nội thất của Việt Nam cũng rất được ưa chuộng tại thị trường Mỹ. Nếu công tác quảng bá xúc tiến thương mại của chúng ta làm tốt hơn thì kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này sẽ không dừng lại ở con số như hiện nay.

 

Châu Âu cũng là thị trường lớn tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ. Hàng thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu có tốc độ tăng trưởng cao trong những năm gần đây, hiện chiếm khoảng 10% lượng nhập khẩu của châu Âu, trong đó: Đức, Pháp, Hà Lan là những nước tiêu thụ mạnh. Đối với thị trường châu Phi - Tây Nam Á, đây là một thị trường rất lớn, lại không khó tính, yêu cầu về chất lượng vừa phải, trong những năm qua đã tăng trưởng mạnh.

 

Các doanh nghiệp cần tìm hiểu nắm được những đặc điểm về văn hoá của khu vực này để đáp ứng đúng nhu cầu thị hiếu thị trường rộng lớn với nhiều nền văn hoá khác nhau này.

 

Chẳng hạn, thị trường Nam Phi ưa chuộng những sản phẩm mang màu sắc đậm, hàng thô ráp, không cần tinh xảo, khổ to phù hợp với thiên nhiên và không gian rộng; còn hàng xuất khẩu vào thị trường Arập không nên có hình sư tử, hổ, báo, hươu nai... Trung Đông thì hút hàng đồ gốm (chậu trồng cây và gốm trang trí), đồ gỗ trang trí, đồ kim loại...

 

Hà Nội, Hà Tây và một số tỉnh phía Bắc đều là những nơi có nghề truyền thống làm hàng thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ rất phát triển, hiện có hàng chục ngàn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Ông Nguyễn Mạnh Hoàng, Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, cho rằng thời gian tới, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc sẽ tăng cường phối hợp trong việc phát triển kinh tế nói chung và phát triển mặt hàng thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ nội thất nói riêng. Nếu làm tốt, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của từng địa phương và cả vùng sẽ tăng đáng kể.

 

Lựa chọn mẫu mã, mặt hàng có giá trị kinh tế

Hàng thủ công mỹ nghệ sản xuất chủ yếu bằng nguồn nguyên liệu sẵn có ở trong nước, nguyên phụ liệu nhập khẩu chiếm trong sản phẩm tương đối thấp, chỉ 3-5% giá trị xuất khẩu. Vì vậy giá trị thực thu của hàng thủ công mỹ nghệ rất cao: 95-97%.

 

Và như vậy, với 450 triệu USD xuất khẩu năm 2004, giá trị thực thu hàng thủ công mỹ nghệ tương đương với giá trị thực thu xuất khẩu trên 1,5 tỉ USD hàng dệt may, và bằng xấp xỉ gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Mặt khác, việc đầu tư cho hàng thủ công mỹ nghệ ít hơn rất nhiều so với các mặt hàng khác...

 

Theo đánh giá của Cục Xúc tiến Thương mại, thiết kế, mẫu mã, chất lượng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của ta còn yếu, kém sức cạnh tranh, nhất là so với hàng của Trung Quốc. Các cơ sở sản xuất, xuất khẩu chưa thực sự nhạy bén với thị trường, cả trong việc nắm bắt xu hướng tiêu dùng và phương thức kinh doanh hiện đại cũng như việc thu thập và xử lý thông tin, nhất là các doanh nghiệp ở vùng nông thôn, nơi có nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ...

 

Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu 300 - 400 triệu USD hàng quà tặng thủ công mỹ nghệ. Đó là chưa kể lượng lớn hàng quà tặng xuất khẩu tại chỗ qua con đường du lịch mua sắm của du khách quốc tế đến Việt Nam. Thế nhưng, khan hiếm mẫu mã mới vẫn là nỗi lo của các nhà sản xuất để gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Do nhu cầu phải thay đổi liên tục nên nhà sản xuất nào cũng "khát" mẫu mã mới!

 

Phó chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ, ông Trần Quốc Mạnh thừa nhận, các mẫu hàng quà tặng chào đối tác nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam cứ na ná nhau, thiết kế gần giống hàng Trung Quốc, Thái Lan, thiếu nét riêng của Việt Nam như: bàn ghế đời Minh, đời Lý, các kiểu đèn mỹ nghệ chạm khắc rồng, hoa văn cổ, các vật dụng bằng mây tre lá… Chúng ta đang thiếu trầm trọng những mẫu thiết kế xu hướng hiện đại mang dáng dấp Việt Nam.

 

Một điều lo lắng khác, lâu nay sản xuất theo truyền thống, sử dụng các loại gỗ nhóm quý, mà gỗ quý ngày càng hiếm, giá thành lại cao, khó cạnh tranh. Mặc dù mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu hàng quà tặng của Việt Nam dao động từ 300 đến 400 triệu USD, cộng thêm doanh thu từ xuất khẩu tại chỗ cho du khách không dưới 10 triệu USD hàng năm, nhưng dòng chảy của hàng quà tặng Việt Nam ra thế giới vẫn chỉ là những con số rất nhỏ.

 

Mỗi năm thị trường Mỹ nhập 55 tỷ USD hàng thủ công mỹ nghệ, nhưng hàng Việt Nam chỉ chiếm 1%. Thị trường EU tiêu thụ mỗi tháng khoảng hơn 50 triệu USD hàng quà tặng, nhưng hàng Việt Nam cũng chỉ chiếm khoảng 20%-30%. Một vấn đề đáng quan tâm là tình trạng tranh mua tranh bán, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất.

TBKTVN

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng