Thặng dư thương mại với Mỹ tăng mạnh
Uỷ ban Hiệp thương Quốc tế Mỹ vừa công bố số liệu thống kê xuất nhập khẩu của nước này nửa đầu năm. Trong đó, đáng chú ý là tình trạng nhập siêu trong buôn bán với VN tăng mạnh do sự sụt giảm của kim ngạch xuất khẩu...
Uỷ ban Hiệp thương Quốc tế Mỹ vừa công bố số liệu thống kê xuất nhập khẩu của nước này nửa đầu năm. Trong đó, đáng chú ý là tình trạng nhập siêu trong buôn bán với VN tăng mạnh do sự sụt giảm của kim ngạch xuất khẩu.
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp Mỹ chỉ xuất khẩu sang Việt Nam một khối lượng hàng hoá và dịch vụ trị giá 338,5 triệu USD, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là nguyên nhân chính đẩy nhập siêu trong buôn bán với Việt Nam lên tới hơn 2 tỷ USD, tăng gần 500 triệu so với cùng kỳ.
Trong danh mục hàng hoá và dịch vụ xuất khẩu sang Việt Nam 6 tháng đầu năm 2003, có thể nhìn rõ sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam là do không có nhiều hợp đồng mua bán máy bay và phụ tùng được ký kết trong thời gian này. 6 tháng đầu năm ngoái, phía Mỹ đã bán cho Việt Nam lượng máy bay và phụ tùng trị giá 355,7 triệu USD. Trong khi đó, giá trị này của nửa đầu năm nay chỉ đạt 4,6 triệu USD.
Vì vậy, sự tăng trưởng đột biến của một số ngành hàng xuất khẩu khác cũng không thể cải thiện cán cân thanh toán của Mỹ với Việt Nam. Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu bông và các nguyên phụ liệu dệt may tăng từ 21 triệu USD lên 46,2 triệu USD; giấy tăng từ 8,2 triệu USD lên 13,4 triệu USD và đặc biệt là các mặt hàng sữa, trứng, mật ong thiên nhiên lại tăng gần 3 lần lên mức 7,3 triệu USD.
Song song với đà giảm sút của xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu từ Việt Nam cũng tiếp tục chậm lại, giá trị kim ngạch 6 tháng đầu năm đạt 2,4 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ 6,44% so với cùng kỳ. Trong đó, 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Mỹ là dệt may và thuỷ sản đã kết thúc thời kỳ luôn tăng trưởng mạnh do những rào cản kỹ thuật nhằm bảo vệ hàng nội địa của nước chủ nhà. Giá trị nhập khẩu dệt may từ Việt Nam vào Mỹ trong giai đoạn này chỉ đạt 1,16 tỷ USD, trong khi nhóm các loại thủy sản chỉ khoảng hơn 300 triệu USD.
Tuy nhiên, một số mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam lại có sự gia tăng đáng kể cả về số lượng cũng như giá trị kim ngạch. Trong đó, đáng chú ý là đồ gỗ, tăng mạnh từ 76 triệu USD lên 142 triệu USD. Đá quý và kim loại quý, ngọc trai tăng từ 1,9 triệu USD lên 6,3 triệu USD.
VnE