Thay thế "room tín dụng" bằng cơ chế thị trường: Cởi trói nhưng cần kiểm soát rủi ro
Trong tương lai, khi không còn sử dụng room tín dụng, các công cụ chính sách tiền tệ cần được vận hành linh hoạt hơn, theo thời gian thực và theo từng phân khúc ngân hàng. Khi đó, việc phân bổ tín dụng mới thực sự theo đúng cơ chế thị trường mà không gây ra các rủi ro hệ thống cho nền kinh tế.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ chiều 03/07, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương xem xét việc gỡ bỏ công cụ hành chính về hạn mức tín dụng, thay bằng điều hành tăng trưởng tín dụng theo cơ chế thị trường; xây dựng bộ tiêu chí kiểm soát an toàn tín dụng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2025.
Trong lịch sử điều hành chính sách tiền tệ, việc phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) cho từng ngân hàng bắt đầu được NHNN thực hiện từ năm 2011, khi lạm phát cao lên mức 18.13%. Tăng trưởng tín dụng thời điểm năm 2010 gần 28%, nhờ có công cụ điều tiết room tín dụng đã kéo tăng trưởng toàn hệ thống về mức 12%.
Theo đó, có thể thấy, công cụ room tín dụng từng phát huy hiệu quả trong một số giai đoạn nhất định, đặc biệt khi cần kiểm soát lạm phát, ngăn ngừa bong bóng tài sản, hoặc ổn định hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ, thị trường tài chính ngày càng phát triển và năng lực quản trị rủi ro của các tổ chức tín dụng đã được nâng cao; việc duy trì một công cụ hành chính mang tính can thiệp trực tiếp như “room” tín dụng có thể trở thành điểm nghẽn.
Cần thừa nhận rằng, điều hành tín dụng bằng hạn mức hành chính tuy giúp tạo sự ổn định trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn có thể làm ảnh hưởng tới cơ chế phân bổ vốn, tạo lực cản cho động lực cải cách trong nội tại từng ngân hàng và gây lệch pha giữa chính sách tiền tệ và nhu cầu tăng trưởng thực tế.
Điều tiết tín dụng theo cơ chế thị trường có kiểm soát
TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia kinh tế đánh giá, việc duy trì một trần tín dụng toàn hệ thống - như năm nay định hướng tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế khoảng 16% - là cần thiết để định hình chính sách tiền tệ vĩ mô. Tuy nhiên, áp dụng room tín dụng cho từng ngân hàng lại mang tính hành chính cứng nhắc, kìm hãm sự phát triển của các ngân hàng tốt.
Trước đây, room tín dụng được dùng như một công cụ để kiểm soát lạm phát, nhưng hiện nay, lạm phát đã tương đối ổn định thì việc tiếp tục áp dụng biện pháp này không còn phù hợp. Thay vào đó, nên để các ngân hàng tự điều tiết khả năng tăng trưởng tín dụng dựa trên năng lực thực tế của họ.
Các ngân hàng có thanh khoản tốt, nợ xấu thấp, hiệu quả kinh doanh cao thì nên được phép tăng trưởng tín dụng mạnh hơn. Ngược lại, những ngân hàng yếu sẽ phải tự giới hạn hoạt động của mình.
Tuy nhiên, để đảm bảo hệ thống tài chính an toàn, vẫn cần một hệ khung tiêu chí giám sát chặt chẽ. 3 chỉ tiêu quan trọng cần được NHNN tiếp tục áp dụng, bao gồm: Tỷ lệ LDR (dư nợ tín dụng/huy động vốn) giới hạn 85%. Một số ngân hàng hiện đang vượt ngưỡng này lên tới 100%, gây rủi ro thanh khoản. Tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn hiện quy định ở mức 30%. Vi phạm tỷ lệ này làm mất cân đối kỳ hạn, tạo áp lực lên dòng tiền. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) tối thiểu 8%, theo chuẩn Basel. Đây là thước đo quan trọng để kiểm soát mức độ đòn bẩy tài chính của ngân hàng.
Ngoài ra, NHNN vẫn có thể can thiệp gián tiếp qua hoạt động thanh tra định kỳ, giám sát chất lượng tín dụng và kiểm soát các trường hợp tăng trưởng tín dụng "nóng". Qua đó, giúp đảm bảo ổn định hệ thống mà không cần tới công cụ room tín dụng cứng nhắc như trước.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên cấp cao, Đại học Kinh tế TPHCM cũng nhận định, việc quản lý tín dụng theo cách cấp hạn mức cho từng ngân hàng đã được duy trì suốt 14 năm và đã đến lúc cần xem xét thay đổi, về bản chất vẫn chưa phù hợp với nguyên tắc điều hành của một nền kinh tế thị trường hiện đại.
Nếu Việt Nam thực sự hướng tới cơ chế thị trường, việc từ bỏ room tín dụng là cần thiết. Tuy nhiên, việc triển khai không thể thực hiện một cách đột ngột hay đơn giản. Bài học từ giai đoạn 2007-2010 vẫn còn, khi tăng trưởng tín dụng quá nóng đã khiến lạm phát bùng phát, gây bất ổn cho nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, NHNN từng sử dụng room tín dụng như một “van điều tiết” để kiểm soát dòng tiền, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa giữ lạm phát trong tầm kiểm soát.
Chính sách tiền tệ của Việt Nam hiện nay là đa mục tiêu, không chỉ nhằm kiểm soát lạm phát mà còn ổn định tỷ giá và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong khi ở các nước phát triển như Mỹ hay khu vực châu Âu, chính sách tiền tệ chủ yếu tập trung vào kiểm soát lạm phát, còn tăng trưởng kinh tế được hỗ trợ chủ yếu bởi chính sách tài khóa. Do đó, nếu thực sự muốn điều hành tín dụng theo cơ chế thị trường thì chính sách tiền tệ cũng cần thay đổi về mục tiêu, ưu tiên kiểm soát lạm phát hơn là phân bổ tín dụng. Khi đó, việc bỏ room tín dụng mới có thể được thực hiện một cách hiệu quả và bền vững.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Nguyễn Trãi cho rằng, khi chuyển kiểu điều hành từ room tín dụng sang cơ chế thị trường sẽ mang lại nhiều lợi thế hơn trong tình hình hiện nay.
Thứ nhất, điều hành tăng trưởng tín dụng theo cơ chế thị trường cho phép phân bổ vốn theo năng lực cạnh tranh và mức độ quản trị rủi ro của từng tổ chức tín dụng. Ngân hàng nào lành mạnh, có chiến lược tín dụng rõ ràng, kiểm soát rủi ro tốt thì được quyền mở rộng quy mô; ngân hàng nào còn yếu kém sẽ bị giới hạn tự nhiên qua các tiêu chí an toàn vốn, thanh khoản, và hiệu quả sử dụng vốn.
Thứ hai, thay vì bị bó buộc trong một hạn mức cứng, các tổ chức tín dụng sẽ chủ động hơn trong hoạch định chiến lược kinh doanh, lập kế hoạch vốn trung - dài hạn, đồng thời chịu trách nhiệm với quyết định tín dụng của mình. Điều này giúp hệ thống tài chính vận hành linh hoạt, thích ứng nhanh với biến động vĩ mô mà không cần chờ sự phân bổ từ cơ quan điều hành.
Thứ ba, chuyển sang cơ chế thị trường giúp chính sách tiền tệ nâng cao hiệu quả điều tiết thông qua các công cụ gián tiếp như lãi suất, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở… thay vì phải can thiệp hành chính ở từng tổ chức tín dụng. Cách tiếp cận này phù hợp với chuẩn mực quốc tế và cũng là bước chuẩn bị cần thiết để Việt Nam nâng cao độ tín nhiệm tài chính quốc gia trong mắt các tổ chức quốc tế.
Nguy cơ bùng nổ tín dụng như giai đoạn 2010-2013?
Dù có lo ngại bùng nổ tín dụng nóng, ông Nguyễn Quang Huy cho rằng, cần nhìn nhận một cách toàn diện trong bối cảnh hiện nay đã khác xa giai đoạn 2010-2013. Hệ thống ngân hàng đã trải qua giai đoạn tái cơ cấu mạnh mẽ, tỷ lệ an toàn vốn được nâng lên, các tiêu chuẩn về minh bạch, trích lập dự phòng và phân loại nợ đã tiệm cận Basel II, tiến tới Basel III. Các công cụ giám sát rủi ro vĩ mô và vi mô cũng đã được nâng cấp đáng kể.
Đặc biệt, Chính phủ và NHNN cũng đồng thời yêu cầu xây dựng bộ tiêu chí kiểm soát an toàn tín dụng - đây là một điểm mấu chốt. Bộ tiêu chí này sẽ đóng vai trò như “lan can” kỹ thuật, đảm bảo tín dụng tăng trưởng đúng hướng, không chảy vào các lĩnh vực rủi ro cao, và được giám sát thường xuyên thông qua các chỉ báo sớm.
Nói cách khác, việc bỏ “room” không phải là buông lỏng kiểm soát mà là chuyển từ “điều khiển” sang “định hướng”. Tín dụng được tăng trưởng linh hoạt, nhưng trong giới hạn được kiểm soát bằng hệ thống tiêu chí minh bạch và công nghệ giám sát hiện đại.
Về dài hạn, bỏ room tín dụng giúp tạo ra một môi trường tín dụng cạnh tranh lành mạnh, tăng tính chủ động cho các ngân hàng thương mại, đồng thời tăng hiệu quả của chính sách tiền tệ. Nếu được triển khai bài bản, có lộ trình và đi kèm với các cơ chế giám sát, cảnh báo sớm, đây sẽ là một bước đi “mềm” nhưng mang tính chiến lược cao, giúp Việt Nam tiệm cận gần hơn với các nền kinh tế thị trường phát triển.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân cũng đưa ra cảnh báo, thị trường tiền tệ Việt Nam còn nhiều biến động, độ sâu thị trường còn hạn chế. Nếu bỏ room tín dụng mà không có các công cụ quản lý hiệu quả thay thế, nguy cơ xảy ra những cú sốc lớn như trong khủng hoảng 2008 hoặc giai đoạn siết tín dụng quá mức năm 2022 hoàn toàn có thể tái diễn. Đó là những thời điểm mà nền kinh tế rơi vào trạng thái “quá nóng” hoặc “ngộp thở” do chính sách điều hành mất cân đối.
Để tránh điều đó, NHNN cần áp dụng các công cụ quản lý tín dụng hiện đại và dựa trên dữ liệu. Việc áp dụng mô hình định lượng, kết hợp sử dụng dữ liệu lớn và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp cơ quan điều hành phân tích, dự báo và ra quyết định chính xác hơn trong việc kiểm soát cung - cầu tín dụng.
Khi bỏ hạn mức tín dụng, nhà điều hành cần tăng cường sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ khác như: Tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất điều hành, tái cấp vốn, nghiệp vụ thị trường mở (OMO) và tỷ giá hối đoái. Hiện nay, NHNN chủ yếu điều tiết thông qua kênh thị trường mở, với các hoạt động bơm - hút vốn để kiểm soát thanh khoản.
Trong tương lai, khi không còn sử dụng room tín dụng, các công cụ này cần được vận hành linh hoạt hơn, theo thời gian thực và theo từng phân khúc ngân hàng. Khi đó, việc phân bổ tín dụng mới thực sự theo đúng cơ chế thị trường mà không gây ra các rủi ro hệ thống cho nền kinh tế.
Tại họp báo tổng kết ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm ngày 08/07, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, việc điều hành tăng trưởng tín dụng đã được triển khai từ năm 2012 trong bối cảnh các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng "nóng", gây ra nguy cơ đổ vỡ hệ thống và cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, NHNN nhận thức đây là một giải pháp hành chính và đã có lộ trình cải tiến. Từ đầu năm 2024, NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm cho các ngân hàng thương mại. Đến năm 2025, NHNN đã bãi bỏ hoàn toàn việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, công ty tài chính, và các định chế tín dụng phi ngân hàng tại Việt Nam; chỉ còn áp dụng cho các ngân hàng thương mại trong nước. Đây là một trong những lộ trình tiến tới việc dỡ bỏ hoàn toàn room tín dụng trong tương lai, nhằm tăng cường tính chủ động cho tổ chức tín dụng nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống, an ninh kinh tế và kiểm soát lạm phát. Các tổ chức quốc tế như IMF cũng khuyến nghị nếu bỏ room tín dụng, NHNN sẽ nghiên cứu, đánh giá tác động chính xác rất kỹ lưỡng để báo cáo cụ thể lộ trình cho Thủ tướng Chính phủ. |
Cát Lam