Tin tức
Thế giới đi tìm nguồn năng lượng mới

Thế giới đi tìm nguồn năng lượng mới

18/08/2005

Banner PHS

Thế giới đi tìm nguồn năng lượng mới

Trong bối cảnh giá dầu thế giới liên tục leo thang, việc nghiên cứu, sử dụng các nguồn năng lượng thay thế rẻ hơn đang được các nước đặc biệt quan tâm...

Trong bối cảnh giá dầu thế giới liên tục leo thang, việc nghiên cứu, sử dụng các nguồn năng lượng thay thế rẻ hơn đang được các nước đặc biệt quan tâm.

 

Đó là các nguồn năng lượng có thể tái sinh và không gây ô nhiễm môi trường, như thuỷ điện, nhiệt điện, khí thiên nhiên hoá lỏng, năng lượng mặt trời, gió, thuỷ triều, pin nhiên liệu, năng lượng hạt nhân và năng lượng sinh học...

 

Trong tương lai gần, thì hai nguồn năng lượng có nhiều tiềm năng phát triển là điện hạt nhân và năng lượng gió.

 

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ngoài các nguồn năng lượng thay thế truyền thống như thuỷ điện và nhiệt điện, thế giới sẽ tăng cường sử dụng năng lượng hạt nhân trong bối cảnh giá dầu ngày càng tăng cao. Các nước trên thế giới sẽ đầu tư hơn 200 tỷ USD để phát triển các nhà máy điện hạt nhân vào năm 2030.

 

Các nhà máy điện hạt nhân mới sẽ cung cấp 200 GW (gigawatt) trong tổng số 4.800 GW điện cần tăng thêm của thế giới vào năm 2030, trong đó châu Âu cần thêm 40 GW điện hạt nhân. Sản lượng điện hạt nhân ở châu Á sẽ tăng thêm 8% trong mười năm tới.

 

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết, thế giới hiện đã có 440 nhà máy điện hạt nhân và 24 nhà máy đang được xây dựng. Với giá dầu cao như hiện nay, giá điện hạt nhân rẻ hơn rất nhiều và sử dụng điện hạt nhân đang trở thành hướng ưu tiên của nhiều nước.

 

Số liệu của Hiệp hội Năng lượng gió của Anh (BWEA) cho thấy, năm 2004, tiến độ xây dựng các nhà máy phát điện chạy bằng sức gió ở Anh đã đạt mức kỷ lục với tổng công suất 253 MW (megawatt).

 

Dự kiến, điện gió sẽ chiếm tới hai phần ba (8.000 MW) tổng sản lượng điện tái sinh ở Anh vào năm 2010, đủ cung cấp cho khoảng sáu triệu hộ gia đình.

 

Anh cũng xây dựng nhà máy điện chạy bằng sức gió lớn nhất thế giới trên Biển Bắc, sau khi hoàn thành có khoảng 200 turbin với tổng công suất 1.000 MW. Anh hiện dẫn đầu châu Âu về phát triển điện gió và xứ Wales của Anh với 20 nhà máy điện chạy bằng sức gió trên đất liền được gọi là “thủ đô điện gió của châu Âu”.

 

Tập đoàn dầu khí Shell nhận định, tổ hợp sản xuất ngoài khơi và vùng tây-bắc châu Âu là khu vực lý tưởng cho việc phát triển năng lượng sức gió. Chương trình môi trường của LHQ (UNEP) xác định những vùng có trữ lượng gió và năng lượng mặt trời tốt nhất tại 13 nước đang phát triển có thể cung cấp nguồn năng lượng tái tạo hầu như vô tận, vừa giúp giải quyết vấn đề khí hậu, vừa góp phần giảm nghèo đói, hạn chế phá rừng.ư

 

Trong cái khó ló cái khôn

Trước yêu cầu buộc phải thoát ra khỏi sự lệ thuộc của dầu mỏ, hàng loạt các giải pháp đã được các nước tìm tòi và đang áp dụng hiệu quả vào thực tế.

 

Ở châu Á, Nhật Bản là nước đi tiên phong tìm các nguồn năng lượng mới. Thực hiện chỉ tiêu của Nghị định thư Kyoto về môi trường, Nhật Bản đã phát triển loại nhiên liệu “xanh” ít khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đây là hỗn hợp xăng và ethanol sinh học được sử dụng thay thế các nhiên liệu hoá thạch.

 

Loại nhiên liệu này sẽ được bán tại các trạm nhiên liệu đặc biệt vào đầu năm 2008 và dự kiến chiếm 10% nguồn nhiên liệu cung cấp cho ôtô ở Nhật Bản vào năm 2010. Nhật Bản đang nghiên cứu sản xuất từ ethanol gỗ phế thải để giảm giá nhiên liệu sinh học này.

 

IndonesiaMalaysia đang tập trung phát triển sản xuất, tinh chế dầu cọ thô thành dầu diesel sinh học, cũng như khuyến khích các công ty đầu tư trồng cây cọ dầu để tăng sản lượng dầu cọ và dầu diesel sinh học.

 

Malaysia hiện đứng đầu thế giới về sản xuất dầu cọ, với sản lượng 13,9 triệu tấn năm 2004. Chế biến dầu diezel sinh học từ nguồn nguyên liệu dồi dào này sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu nhiên liệu trong nước và xuất khẩu.

 

Bên cạnh đó, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia ở tỉnh Ibaraki (Nhật Bản) đã hoàn tất việc lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời lớn nhất nước này gồm khoảng 5.600 tấm pin năng lượng mặt trời gắn trên các mái nhà với tổng diện tích là 6.500m2 và 221 máy biến thế, có thể cung cấp khoảng 1 triệu Kwh/năm và giảm 300 tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm.

 

Các nguồn năng lượng tái tạo khác như năng lượng địa nhiệt, năng lượng thuỷ triều, khí hydro... cũng đang được quan tâm khai thác. Khí hydro là một loại nhiên liệu hấp dẫn để thay thế cho xăng, vì nó có thể được sản xuất bằng bất cứ nguồn nguyên liệu nào và chất thải duy nhất là nước. Công ty dầu lửa Shell đã đặt nền móng cho hệ thống nhiên liệu cho ô tô chạy bằng hydro.

 

Năng lượng địa nhiệt được coi là nguồn năng lượng sạch với lượng carbon dioxide thấp hơn 90% so với sản xuất điện từ dầu lửa. Tập đoàn Mỹ Chevron Texaco đang đàm phán với hai nhà sản xuất và cung cấp điện của Indonesia là PT Pertamina và PLN về việc xây dựng nhà máy địa nhiệt điện thứ ba thế giới là Darajat III, ở phía tây đảo Java, Indonesia.

 

Với khoảng 500 núi lửa, Indonesia đang sở hữu một nguồn cung cấp địa nhiệt khổng lồ và có thể khai thác để đáp ứng nhu cầu về điện của đất nước.

 

Với những nỗ lực tiết kiệm năng lượng và đi tìm các nguồn năng lượng thay thế của toàn thế giới như trên, hy vọng, trong tương lai không xa, loài người sẽ thoát khỏi sự lệ thuộc vào dầu mỏ, cũng như nỗi ám ảnh về một tương lai kinh tế ảm đạm khi nguồn “vàng đen” này cạn kiệt.

TBKTVN

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng